Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 01 tháng 05 năm 2024,
Truyền hình trả tiền: Cạnh tranh thị trường tỷ đô
Hữu Tuấn - 14/09/2013 07:10
 
Đang dấy lên nhiều lo ngại về cạnh tranh không lành mạnh trên thị trường truyền hình trả tiền, khi thị phần tập trung chủ yếu ở các doanh nghiệp nhà nước. FPT Telecom: bị ra rìa những thị phần nạc?

“Miếng bánh ngọt”

Thị trường truyền hình trả tiền đang là “miếng bánh ngọt” mà rất nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước muốn nhảy vào chia phần. Với 6 triệu thuê bao hiện hữu và 20 triệu thuê bao tiềm năng, thị trường truyền hình trả tiền đang mang lại doanh thu rất lớn.

Với 6 triệu thuê bao hiện hữu và 20 triệu thuê bao tiềm năng, thị trường truyền hình trả tiền đang mang lại doanh thu rất lớn

Thời gian qua, cạnh tranh trên thị trường truyền hình trả tiền được đánh giá là khá khốc liệt, với sự tham gia của nhiều đại gia viễn thông, như VNPT, Viettel, FPT…

Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, thị phần truyền hình trả tiền đang nằm trong tay một nhóm doanh nghiệp, trong đó 70% thuộc về Đài Truyền hình Việt Nam (VTV).

Số liệu do Cục Quản lý Cạnh tranh (Bộ Công thương) cho thấy, đơn vị có thị phần lớn nhất trên thị trường truyền hình trả tiền là Công ty TNHH Truyền hình cáp Saigontourist (SCTV, liên doanh giữa VTV và Tổng công ty Du lịch Sài Gòn) với thị phần 40% năm 2012 (năm 2010 là 22% và năm 2011 là 32%), thị trường chủ yếu là khu vực miền Nam.

Tiếp đến là Trung tâm Truyền hình Cáp (VCTV) với thị phần 30% năm 2012 (năm 2011 là 19%).

Doanh nghiệp chiếm thị phần lớn thứ 3 là Trung tâm Truyền hình cáp TP.HCM (HTVC) với thị phần 15% năm 2012. Các doanh nghiệp này có ưu thế cạnh tranh rất lớn so với các doanh nghiệp khác, nhất là những doanh nghiệp mới gia nhập thị trường.

“Thị phần truyền hình trả tiền đang tập trung chủ yếu ở các doanh nghiệp nhà nước và trực thuộc các đài truyền hình lớn tại Trung ương. Thực trạng 70% thị phần rơi vào tay của VTV, đang khiến các doanh nghiệp truyền hình khác lo ngại”, bà Trần Phương Lan, Trưởng ban Giám sát và Quản lý cạnh tranh (Cục Quản lý cạnh tranh) đánh giá.

Người xem chịu thiệt?

Ông Nguyễn Phương Nam, Phó cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh khẳng định, đã xuất hiện đơn vị thống lĩnh trên thị trường truyền hình trả tiền tại Việt Nam và có dấu hiệu lạm dụng vị thế thống lĩnh.

Khảo sát từ phía người tiêu dùng của Cục Quản lý Cạnh tranh cho thấy, trên thị trường truyền hình trả tiền đang xuất hiện cạnh tranh không lành mạnh, khi một số đơn vị dùng kênh truyền hình của mình để gièm pha, nói xấu, so sánh không lành mạnh.

Đã có tình trạng các nhà cung cấp dịch vụ lớn ép các đơn vị sản xuất nội dung ký hợp đồng độc quyền với mình. Điều này gây khó khăn cho doanh nghiệp nhỏ, vì khó tiếp cận một số kênh nội dung, tiềm ẩn hành vi hạn chế cạnh tranh.

Đáng chú ý là, cạnh tranh trong ký kết các hợp đồng bản quyền truyền hình, nhất là bản quyền các giải bóng đá quốc tế. Do chi phí mua bản quyền lớn, nên giá dịch vụ liên tục tăng. Ví dụ cụ thể nhất là, giá bản quyền Ngoại hạng Anh giai đoạn 2013 - 2016 đã tăng 200% so với 2 năm trước đó.

Ông Vương Ngọc Tuấn, Phó tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ Người tiêu dùng đã đưa ra rất nhiều ví dụ về sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trả tiền, ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng.

Đơn cử, có kênh hợp tác với chủ đầu tư xây dựng hạ tầng tòa nhà để cung cấp dịch vụ độc quyền, sau đó nâng giá. Hay trường hợp khách hàng khiếu nại Đài Truyền hình kỹ thuật số (VTC) khi công bố phát 10 kênh HD, nhưng thực tế chỉ phát 3 - 4 kênh HD mà vẫn thu tiền thuê bao hàng tháng.

Trước thực tế nhiều doanh nghiệp cạnh tranh không lành mạnh, tự ý tăng giá cước, Cục Quản lý cạnh tranh yêu cầu các doanh nghiệp truyền hình trả tiền phải đăng ký hợp đồng mẫu (hợp đồng này do các đơn vị này tự soạn).

Ông Nguyễn Phương Nam cho biết, hiện cả nước có hơn 40 doanh nghiệp truyền hình trả tiền, nhưng mới có 8 doanh nghiệp gửi hồ sơ đăng ký hợp đồng mẫu và trong số này, Cục cũng chỉ chấp thuận cho 6 doanh nghiệp.

“Đã có quy định xử phạt hành chính với hành vi không đăng ký hợp đồng mẫu. Thời gian tới, Cục sẽ kiểm tra các hợp đồng mẫu, nhằm bảo vệ tốt hơn quyền lợi cho người tiêu dùng”, ông Nam cảnh báo.

Về vấn đề này, ông Dương Quốc Huy, Phó tổng giám đốc SCTV đề xuất, cơ quan chức năng nên xây dựng mức giá trần, sàn, nhằm hạn chế hành vi cạnh tranh không lành mạnh để bảo vệ doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Ông Nguyễn Hà Yên, Phó cục trưởng Cục Quản lý phát thanh truyền hình và thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) thì cho biết, Bộ Thông tin và Truyền thông đang sắp xếp lại thị trường dịch vụ truyền hình trả tiền theo hướng đến hết năm 2013, sẽ chỉ có khoảng 20 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ.

Đà Nẵng: 3 đơn vị phát thử truyền hình số vào tháng 9
Ba đơn vị VTV Đà Nẵng, VTC và AVG sẽ phát thử nghiệm truyền hình số trên địa bàn TP Đà Nẵng vào tháng 9/2013. >>  
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư