Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
TS Nguyễn Trí Hiếu: Cần phát hành trái phiếu huy động nguồn kiều hối vào hạ tầng
Vân Linh - 24/04/2024 08:32
 
Khả năng TP.HCM phát hành trái phiếu cho kiều bào để tài trợ các dự án trọng điểm của Thành phố sẽ thành công khoảng 70% cho đợt chào bán đầu tiên với số lượng chào bán 100 triệu USD.

Cần khai thác hiệu quả nguồn lực kiều hối

Đó là nhận định được TS Nguyễn Trí Hiếu, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Thị trường Tài chính - Bất động sản Toàn Cầu. Theo TS Hiếu, Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài có khoảng 5,5 triệu người và phân bố không đồng đều tại hơn 130 nước và vùng lãnh thổ trên khắp thế giới, 98% trong số đó tập trung ở 21 nước tại Bắc Mỹ, châu Âu, Đông Nam Á, Đông Bắc Á.

Mặc dù chỉ chiếm khoảng 5% dân số người Việt và người gốc Việt trên toàn thế giới nhưng kiều bào lại là lực lượng tài chính có đóng góp rất đáng kể vào sự phát triển của Việt Nam. Năm 2023, người Việt sinh sống và làm việc tại nước ngoài gửi về nước khoảng 16 tỷ USD, trong đó TP.HCM tiếp nhận 9,5 tỷ USD, chiếm gần 60% lượng kiều hối của cả nước.

TS Nguyễn Trí Hiếu

Tuy nhiên, kiều hối đổ về Việt Nam được sử dụng chủ yếu cho tiêu dùng trong nước và đầu tư vào các lãnh vực bất động sản, công nghiệp và nông nghiệp. Kiều hối không được sử dụng để tài trợ và phát triển hạ tầng cơ sở tại Việt Nam, trong khi hệ thống giao thông đường bộ, đường hàng không, đường sắt và các cơ sở hạ tầng khác ngày một xuống cấp, cần hiện đại hóa và cần được đầu tư mạnh mẽ, nhất là sự biến đổi khí hậu toàn cầu đang tác động rất xấu trên hệ thống hạ tầng cơ sở của cả nước.

Trong khi đó, theo ước tính của ông Hiếu, với khoảng 5,5 triệu kiều bào trên thế giới, thu nhập bình quân 20.000 USD/năm, số thu nhập này của kiều bào khoảng 100 tỷ USD, bằng 1/4 GDP. Riêng năm 2023, kiều hối chuyển về Việt Nam chỉ khoảng 16 tỷ USD thì tiềm năng kiều hối còn lớn. Thời gian trước, kiều bào đổ tiền về nước thường gửi USD tại ngân hàng để lấy lãi suất.

Tuy nhiên, nhiều năm qua, ngân hàng trong nước trả lãi suất tiền gửi USD ở mức 0% nên kiều bào không còn mặn mà gửi về. Do đó, theo TS Hiếu, một kế hoạch phát hành trái phiếu cho kiều bào tại nhiều nước mà kiều bào có thu nhập cao và có khả năng đóng góp cho việc phát triển TP.HCM cần được nghiên cứu và triển khai càng sớm càng tốt.

Nhưng các điểm then chốt để việc phát hành trái phiếu thành công đó là TP.HCM phải đảm bảo và chứng minh tình hình tài chính của thành phố đủ khả năng để trả lãi suất và vốn gốc đúng hạn. Trong đó, phải minh bạch. trái phiếu sẽ tài trợ cho dự án đặc biệt nào chứ không thể nói chung chung là cho các dự án hạ tầng.

Phát hành trái phiếu minh bạch sẽ thu hút được nguồn kiều hối lớn

Bên cạnh đó, TS. Hiếu cũng cho rằng, Thành phố phải minh bạch và công khai trung thực các yếu tố liên quan đến rủi ro của trái phiếu, rủi ro tín dụng của cơ quan phát hành, rủi ro thị trường và tất cả rủi ro liên quan đến việc mất khả năng trả nợ của nhà phát hành.

Tại Mỹ, khi người dân mua trái phiếu, các ngân hàng nói rõ nguồn trả nợ từ đâu rất cụ thể. Chẳng hạn như ưu tiên nguồn trả nợ thứ nhất từ kinh doanh, sau đó là từ các tài sản đảm bảo, tiếp đến sẽ là một khoản bảo lãnh nào đó… Ở Việt Nam lại không nói cho nhà đầu tư về việc này nên không thuyết phục được nhà đầu tư mua trái phiếu.

“Thêm một kinh nghiệm để phát hành trái phiếu thành công đó là phải có xếp hạng tín nhiệm. Nhà đầu tư thường dựa vào xếp hạng tín nhiệm để mua trái phiếu vì họ cần bên thứ 3 nói cho họ biết là nhà phát hành có khả năng trả nợ hay không. Do đó, Việt Nam có thể sử dụng công ty xếp hạng tín nhiệm trong nước và quốc tế để xếp hạng tín nhiệm khi phát hành trái phiếu”, TS Hiếu đề xuất.

Ngoài việc phải xác định một mức lãi suất hợp lý và phù hợp với thị trường để thu hút các nhà đầu tư, phải phù hợp với khả năng trả nợ của tổ chức phát hành, đảm bảo chính quyền địa phương có khả năng chi trả lãi và gốc của trái phiếu. Việc này đòi hỏi phải đánh giá tình hình tài chính của Thành phố, bao gồm cả nguồn thu và nguồn chi, nợ công và khả năng trả nợ. Kiểm tra và tuân thủ các quy định pháp lý cụ thể đối với việc phát hành và phân phối trái phiếu tại Việt Nam và các quốc gia sở tại.

Các quy định này có thể bao gồm các quy định về mức độ nợ công được phép phát hành và việc công bố thông tin. Đánh giá các rủi ro đặc biệt mà Thành phố có thể phải đối mặt như biến động trong nguồn thu thuế, sự phụ thuộc vào một số ngành công nghiệp, các biến động trong thị trường bất động sản, thị trường tài chính, biến động hối đoái và các rủi ro kinh tế, thương mại và chính trị nếu có.

Đồng thời, việc quản lý trái phiếu của Thành phố đòi hỏi sự tuyệt đối cẩn trọng và chặt chẽ để đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư được bảo đảm và bảo vệ… nhằm tạo niềm tin cho kiều bào.

“Tôi dự đoán khả năng TP.HCM phát hành trái phiếu cho kiều bào để tài trợ các dự án trọng điểm của Thành phố sẽ thành công khoảng 70% cho đợt chào bán đầu tiên với số lượng chào bán 100 triệu USD, với điều kiện những kế hoạch mà tôi đề xuất được thực hiện”, TS Hiếu nhận xét.

Lượng kiều hối mỗi năm tương đương giá trị 10.000 căn hộ
Trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp địa ốc đang “khát vốn”, dòng kiều hối được kỳ vọng sẽ phần nào vực dậy tình hình và làm sôi động...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư