Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 16 tháng 10 năm 2024,
TS. Trần Đình Thiên: Điều chỉnh tỷ giá không tác động lớn tới nợ công, lạm phát
Thùy Liên - 07/05/2015 14:50
 
Trao đổi với Báo Đầu tư Online - Baodautu.vn, TS. Trần Đình Thiên cũng cho rằng, điều chỉnh tỷ giá không nên cứng nhắc theo biên độ cam kết đề ra từ đầu năm.

Nhận định về động thái nâng tỷ giá thêm 1% từ hôm nay (7/5) của NHNN, TS.Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, về tổng thể, tỷ giá vẫn đang biến động trong phạm vi cho phép. Trong tình hình hiện nay, việc nâng tỷ giá sẽ có lợi hơn là có hại, đặc biệt là tăng xuất khẩu, giảm nhập siêu.

Với quyết định tăng tỷ giá thêm 1%, NHNN cũng đã cạn hết “room” điều chỉnh tỷ giá từ nay đến cuối năm theo như cam kết. Tuy nhiên, TS. Trần Đình Thiên cho rằng, đây không phải là điều đáng lo.

TS Trâni Đình Thiên cho rằng, điều chỉnh tỷ giá thời điểm này có lợi hơn hại
TS Trâni Đình Thiên cho rằng, điều chỉnh tỷ giá thời điểm này có lợi hơn hại

 

“Điều hành tỷ giá phải theo tín hiệu thị trường chứ không thể cứng nhắc theo mục tiêu đề ra từ đầu năm. Bởi khi đặt mục tiêu điều chỉnh tỷ giá 2% từ đầu năm, NHNN tính toán điều kiện khác, song hiện nay điều kiện thực tế đã thay đổi. Dù dư địa điều chỉnh tỷ giá theo cam kết đã hết song tôi cho rằng, NHNN vẫn có thể kiểm soát tỷ giá bởi kinh tế đang phục hồi, dự trữ ngoại tệ tốt hơn trước nên NHNN vẫn có thể kiểm soát được tỷ giá”.

Trước những ý kiến cho rằng, tăng tỷ giá sẽ “đe dọa” đến nợ công và lạm phát, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, lạm phát năm nay đang ở mức thấp, nên điều chỉnh tỷ giá tăng cũng không đáng lo. Về nợ công, việc điều chỉnh tỷ giá chỉ có ảnh hưởng nhất định chứ không phải cứ tăng tỷ giá là nợ công sẽ tăng vọt.

Theo TS. Trần Đình Thiên, thời điểm hiện tại, quyết định tăng tỷ giá và rủi ro tỷ giá đến nợ nước ngoài sẽ không đáng ngại. Nguyên nhân do dự trữ ngoại hối của Việt Nam hiện nay cơ bản gắn liền với USD và đạt 36 tỷ USD thời điểm cuối năm 2014. Khoản dự trữ này sẽ đảm bảo sự can thiệp và điều chỉnh thị trường ngoại hối ngắn hạn, trong đó có việc trả nợ vay nước ngoài. 

Bên cạnh đó, các khoản vay ODA đối với Việt Nam ngày càng bị thu hẹp, Việt Nam sẽ dần phải tiếp cận với các khoản vay ít ưu đãi và các khoản vay với điều kiện vay thương mại hoặc các khoản vay có lãi suất thả nổi. “Do đó, rủi ro lãi suất, chứ không phải rủi ro tỷ giá, có thể là một yếu tố quan trọng cần được tính đến trong những năm tới”, ông Thiên nhận định khi nói về mối tương quan tới nợ công và tỷ giá.  

Dù NHNN đã cam kết chỉ điều chỉnh tỷ giá 2% trong năm nay và dư địa này đã hết, song TS. Trần Đình Thiên cho rằng, NHNN không phải bắt buộc tuân thủ cam kết này, nếu điều kiện khách quan có nhiều thay đổi.

“NHNN đưa ra cam kết là muốn thể hiện quyết tâm ổn định thị trường chứ không ai bắt buộc NHNN phải cam kết. Tuy nhiên, điều hành tỷ giá quan trọng nhất là phải bám theo thị trường, nên trong trường hợp cần thiết, NHNN cũng có thể “nới” biên độ điều chỉnh mà không gây biến động lớn cho thị trường”.

Trước đó, TS. Trần Đình Thiên cũng cho rằng, không nên neo tỷ giá tiền đồng theo USD bởi điều này sẽ khiến tiền đồng bị định giá cao, gây khó khăn cho xuất khẩu, tạo áp lực lên tỷ giá, dẫn đến đầu cơ, đe dọa sự ổn định của thị trường ngoại hối.

Chính thức tăng tỷ giá thêm 1% từ 7/5
NHNN vừa công bố chính thức điều chỉnh tỷ giá tăng thêm 1% vào ngày hôm nay (7/5). Theo đó, tỷ giá trần mới là 21.890 VND/USD, tỷ giá sàn là 21.456...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư