Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Tư duy nhiệm kỳ chi phối công tác quy hoạch
Thanh Tân - 06/06/2014 10:24
 
Tại Hội thảo Tham vấn ý kiến về dự thảo Luật Quy hoạch, do Bộ kế hoạch và Đầu tư tổ chức hôm nay (6/6) tại TP.HCM, các đại biểu đến từ nhiều bộ ngành, địa phương và các Trường Đại học đều có chung nhận định, cần sớm đưa Luật Quy hoạch vào cuộc sống để giải quyết những tồn tại, bất cập hiện nay của công tác quy hoạch.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Trụ sở Bộ ngành được quy hoạch ở Hồ Tây và Mễ Trì
Lideco mắc kẹt cùng Dự án N04B1
Công bố quy hoạch Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam
Duyệt quy hoạch vùng Nam Hà Tĩnh - Bắc Quảng Bình
Làm sân golf có thể là ngành kinh doanh có điều kiện

Phát biểu khá thẳng thắn tại Hội thảo, ông Vũ Quang Các, Vụ trưởng Vụ Quản lý quy hoạch (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, công tác quy hoạch ở Việt Nam mặc dù thời gian qua đã đạt những kết quả nhất định song lại đang tồn tại nhiều bất cập, trong đó đáng chú ý là sự thiếu đồng bộ giữa các cấp quy hoạch và các ngành quy hoạch.

  Tư duy nhiệm kỳ chi phối công tác quy hoạch  
  Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông chủ trì tham vấn ý kiến về Dự thảo Luật Quy hoạch (Ảnh: Lê Toàn)  

“Chúng ta đang lập quá nhiều quy hoạch nhưng không đồng bộ, thiếu thống nhất, thiếu sự liên kết, khớp nối và còn nhiều chồng lấn, mâu thuẫn”, ông Các nói và cho biết, thống kê chưa đầy đủ số lượng quy hoạch thời kỳ 2011 – 2020 tổng cộng lên tới 19.285 quy hoạch (bao gồm quy hoạch cấp lãnh thổ và loại quy hoạch), và kinh phí dùng cho việc lập quy hoạch lên tới 7.947 tỷ đồng. Có những địa phương có đến 200 bản quy hoạch trên địa bàn, để nhớ được các bản quy hoạch cũng rất khó!

Bên cạnh đó, các quy hoạch cũng đang bộc lộ sự thiếu sự liên kết, khớp nối với nhau. Chẳng hạn, trong quy hoạch tổng thể cảng biển, quy hoạch đến 2010 đã thực hiện 295 triệu tấn, vượt 30% dự báo; Hoặc quy hoạch ngành xi măng thời gian qua đã phải điều chỉnh nhiều lần,…

“Nguồn lực thực để thực hiện quy hoạch hiện nay mới chỉ đáp ứng được 50%, tức 50% quy hoạch trên giấy không có khả năng thực hiện”, ông Vũ Quang Các nhấn mạnh.

Một tồn tại khác cũng được nêu ra tại Hội thảo là sự phối hợp các bộ ngành và các địa phương trong tổ chức điều hành còn yếu; phân cấp trong quy hoạch không đồng bộ. Theo quyền hạn chức năng bộ ngành, 2 bộ ngành lập ra trình Thủ tướng phê duyệt,  nếu 1 Bộ như Bộ công thương lập tất cả quy hoạch quản lý thì lên tới 60 bộ quy hoạch, dẫn tới một ma trận quản lý.

Theo các chuyên gia, nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên là do tư duy nhiệm kỳ chi phối công tác quy hoạch; đồng thời ảnh hưởng cơ chế tập trung quan liêu bao cấp… thể hiện rõ là thời gian qua có rất nhiều bản quy hoạch phải điều chỉnh do chưa dựa trên nhu cầu thực tế thị trường.

Để giải quyết những vấn đề tồn tại trên, ông Vũ Quang Các cho biết, hiện nay Luật Quy hoạch đang được xây dựng trên quan điểm, mục tiêu của Nghị quyết 13-NQ/TW ngày 16/01/2012 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI. Dự thảo Luật Quy hoạch gồm 6 chương với 67 điều, trong đó Chương 2 về lập quy hoạch (gồm 11 điều) là được chú trọng nhất.

Tiến Sỹ Phạm Sỹ Liêm, Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng, hệ thống quy hoạch là mục tiêu điều chỉnh của Luật Quy hoạch đang dự thảo, vì vậy việc xác định các thành tố, cấu trúc, chức năng và các quan hệ bên trong có ý nghĩa rất quan trọng.

Theo ông Liêm, Luật quy hoạch với tư cách là luật làm cơ sở cho hệ thống quy hoạch không gian nước ta trước tiên cần xác định chính xác “quy hoạch tổng thể” và “quy hoạch ngành” trong Điều 4. Còn định nghĩa từng loại quy hoạch trong phần hệ thống thì sẽ tiến hành trong mục riêng cho phần hệ thống đó. Ông Liêm cho rằng, việc giải thích về ngành kết cấu hạ tầng xã hội trong quy hoạch ngành của Dự thảo luật chưa rành mạch. Quốc tế thường chia thành 3 ngành là kinh tế, xã hội (giáo dục, y tế, phúc lợi) và kết cấu hạ tầng (kỹ thuật).

“Tôi đề nghị Luật quy hoạch cũng nên áp dụng cách phân loại ngành như vậy”, ông Liêm nói và đề xuất thêm việc phải đưa cả quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn vào Dự luật vì quy hoạch này cũng có mối quan hệ chặ chẽ với các quy hoạch không gian khác.

PGS.TS.KTS Trần Trọng Hạnh, Nguyên hiệu trưởng trường Đại học Kiến trúc Hà Nội thì cho rằng, việc dự báo quy hoạch cần phải được chú trọng vì nếu quy hoạch đúng thì không vấn đề gì nhưng nếu quy hoạch sai sẽ ảnh hưởng lớn đến quy hoạch tổng thể triển kinh tế xã hội. Theo ông Hạnh, Dự thảo Luật Quy hoạch cần phải làm rõ hơn khái niệm, nội dung quy hoạch tổng thể. Thứ hai cần thảo luận làm rõ sự cải tiến của Luật quy hoạch. Thứ ba cần phải cụ thể hóa bản đồ quy hoạch là rất quan trọng.

Thứ trưởng Bộ kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông cho rằng, việc ban hành Luât Quy hoạch là nhu cầu cấp thiết hiện nay. Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã ban hành Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 16/01/2012, trong đó nêu rõ, xây dựng Luật quy hoạch có phạm vi điều chỉnh chung cho các loại quy hoạch phát triển trên phạm vi cả nước; tạo cơ chế thẩm định độc lập, tập trung do một đầu mối chịu trách nhiệm; đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trong xây dựng và tổ chức thực hiện quy hoạch; coi trọng công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra thực hiện quy hoạch và xử lý nghiêm các vi phạm quy hoạch.

“Quốc hội và Chính phủ giao nhiệm vụ cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương và cơ quan, tổ chức có liên quan nghiên cứu, soạn thảo Luật Quy hoạch. Đến nay, dự thảo Luật Quy hoạch đã cơ bản được hoàn thành và trong thời gian tới sẽ báo cáo Chính phủ, trình Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp thứ 10 năm 2015”, Thứ trưởng Đặng Huy Đông nói thêm.       

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư