Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 17 tháng 05 năm 2024,
Từ Hà Nội tới Hủa Phăn, Xiêng Khoảng…
Nguyên Đức - 13/06/2015 09:22
 
Từ Hà Nội, dọc theo đường Hồ Chí Minh đến Thanh Hóa, rồi rẽ ngang tới cửa khẩu Na Mèo, sau 8 giờ đồng hồ chạy xe trên đoạn đường đầy ổ voi, ổ gà, có lúc xóc nảy đom đóm mắt, đoàn công tác của Phân ban Hợp tác Việt - Lào cũng đã tới được huyện Viêng Xay (tỉnh Hủa Phăn, Lào). 12 giờ trưa, nhưng bao mệt mỏi như vụt biến mất khi chứng kiến tình cảm nồng ấm của các bạn Lào…

Nghĩa tình Việt trên đất Lào

Chuyến đi kéo dài hơn dự kiến, bởi con đường từ Cẩm Thủy (Thanh Hóa) tới cửa khẩu Na Mèo đang trong quá trình sửa chữa nên quá xấu, đầy ổ voi, ổ gà. Vì thế, kế hoạch tổ chức Lễ bàn giao và đưa vào sử dụng công trình Trung tâm tiếng Việt, quà tặng của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng cho huyện Viêng Xay, thay vì bắt đầu vào cuối giờ trưa chỉ có thể chính thức tiến hành vào đầu giờ chiều ngày 4/6/2015.

Muộn, nhưng nhìn Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Phó chủ tịch Phân ban Hợp tác Việt - Lào và ông Khampheuy Keokinnaly, Phó chủ tịch Phân ban Hợp tác Lào - Việt Nam, hồ hởi bắt tay nhau, cùng tham gia Lễ bàn giao, mới thấy hết cả phía Lào và phía Việt Nam đã chờ đợi ngày công trình này hoàn thành biết chừng nào.

Thật may, với sự nỗ lực của nhà thầu Chitchareune, Trung tâm tiếng Việt hoàn thành tiến độ trước 3 tháng. 8 phòng học, đủ đáp ứng chỗ ngồi cho 168 học sinh, cũng như các hạng mục khác như khu hiệu bộ, sân chơi… đã sẵn sàng.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Phó chủ tịch Phân ban Hợp tác Việt - Lào thăm Bệnh viện Hủa Phăn (Lào) - Ảnh: Thanh Hà
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Phó chủ tịch Phân ban Hợp tác Việt - Lào thăm Bệnh viện Hủa Phăn (Lào) - Ảnh: Thanh Hà

 

Lúc bàn giao công trình, Thứ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã nhắc đi nhắc lại về mối quan hệ láng giềng thân thiết, núi liền núi, sông liền sông của hai quốc gia Lào - Việt. Ông bảo, cả hai bên đã cùng nhau chia ngọt, sẻ bùi, xây đắp nên mối quan hệ vô cùng mẫu mực, vô cùng trong sáng, rất mực thủy chung giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước. Vì thế Trung tâm tiếng Việt khi đi vào hoạt động sẽ góp phần thúc đẩy phong trào học tiếng Việt của thế hệ tương lai, từ đó hiểu hơn về văn hóa, lịch sử, đất nước, con người Việt Nam, về quan hệ đặc biệt giữa hai nước Việt Nam và Lào đã được các thế hệ đi trước dày công vun đắp.

“Học tiếng Việt là quan trọng lắm để thế hệ sau cùng chung tay đưa quan hệ hai nước ngày càng đi vào chiều sâu và phát huy hiệu quả thiết thực trên tất cả các lĩnh vực hợp tác, mang lại lợi ích cho nhân dân hai nước”, không phải tại Lễ bàn giao Trung tâm tiếng Việt Thứ trưởng Nguyễn Chí Dũng mới nói thế.

Trong suốt hành trình 3 ngày làm việc tại Lào, hễ có dịp tới thăm các trường học, dù ở Hủa Phăn hay Xiêng Khoảng, bao giờ ông cũng hỏi học sinh ở đây được học tiếng Việt mấy tiết một tuần và dặn dò, cần phải tăng tiết học tiếng Việt lên. Nếu cần, sẽ có cả sự “chi viện” bằng cách cử giáo viên Việt Nam sang.

Còn ông Khampheuy cũng cứ nhắc đi nhắc lại rằng, việc Trung tâm tiếng Việt đi vào hoạt động sẽ góp phần tạo thuận lợi cho việc trao đổi lẫn nhau giữa nhân dân hai nước Lào và Việt Nam. Và rằng, đó là một công trình có ý nghĩa vô cùng to lớn, là biểu hiện của tình hữu nghị đặc biệt giữa Việt Nam và Lào.

Nhưng thực tế, Trung tâm tiếng Việt vừa khánh thành chỉ là một trong những dấu ấn nghĩa tình của Việt Nam trên đất Lào. Chỉ cách Trung tâm vài trăm mét, là Trường dân tộc Nội trú Hủa Phăn khang trang và sạch đẹp, cũng do phía Việt Nam hỗ trợ xây dựng.

Ở thị xã Sầm Nưa, huyện Hủa Phăn, cũng có Trường THPT Chuyên tỉnh Hủa Phăn, do nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết trao tặng.

Lúc tới Phôn Xa Vẳn (tỉnh Xiêng Khoảng) vào ngày hôm sau, lại thấy Trường Dân tộc nội trú tỉnh Xiêng Khoảng, Trung tâm Văn hóa tỉnh, Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp tỉnh… đã và đang được xây dựng bằng đồng vốn nghĩa tình của phía Việt Nam, hay sự hỗ trợ của các địa phương kết nghĩa là Nghệ An, Thanh Hóa… Trụ sở của tỉnh cũng được xây dựng với sự hỗ trợ của TP.HCM…

Tỉnh trưởng tỉnh Xiêng Khoảng bảo, chỉ riêng trên địa bàn tỉnh, đã và đang có 42 dự án được xây dựng từ sự hỗ trợ từ phía Việt Nam. Và đó tất nhiên là điều đáng quý vô cùng, khi mà Việt Nam cũng đang gặp khó khăn.

Từ Hà Nội tới Hủa Phăn, Xiêng Khoảng

Từ thị xã Sầm Nưa nếu đi men một con đường núi nhỏ sẽ dẫn tới Bệnh viện tỉnh Hủa Phăn. Bệnh viện cũng chỉ mới được xây dựng cách đây chưa lâu, với sự hỗ trợ của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) nhưng quy mô còn nhỏ, chưa đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh của người dân trong tỉnh cũng như các địa phương lân cận. Bởi thế, trong suốt cuộc làm việc kéo dài gần hai tiếng rưỡi đồng hồ, kết thúc vào 8.30 tối 4/6, Tỉnh trưởng Hủa Phăn đã nhiều lần nhắc tới việc muốn xây dựng một bệnh viện 100 - 150 giường ở ngay chính địa điểm hiện tại hoặc một địa điểm khác phù hợp hơn.

Nằm tĩnh lặng trên đỉnh đồi khá cao, Bệnh viện tỉnh Hủa Phăn tuy nhỏ nhưng sạch sẽ. Những dãy nhà mái ngói dốc chéo, màu đen xám ẩn hiện trong những hàng cây xanh mướt mát, tạo thành một quần thể kiến trúc thật đẹp và yên bình.

Dẫn Thứ trưởng Nguyễn Chí Dũng thăm Bệnh viện, Giám đốc Bệnh viện tỉnh Hủa Phăn bảo, phía sau Bệnh viện là ngọn đồi cao và rộng, đủ chỗ để xây dựng một bệnh viện mới.

Ý tưởng dường như đến rất nhanh, Thứ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã ngay lập tức “đặt hàng” Hủa Phăn thiết kế một bệnh viện sao cho là một điểm nhấn kiến trúc của tỉnh, đồng thời là biểu tượng cho tình đoàn kết hữu nghị Việt - Lào.

Ở Xiêng Khoảng cũng thế, sau khi thăm Bệnh viện tỉnh Xiêng Khoảng, được xây dựng từ năm 1984 với sự hỗ trợ từ Mông Cổ, việc xây dựng một bệnh viện 150 giường mới đã được lên kế hoạch ở mảnh đất rộng gần 3 ha bên cạnh, ngay trung tâm thị xã Phôn Xa Vẳn.

Khoát cánh tay mạnh mẽ, Thứ trưởng Nguyễn Chí Dũng chỉ đạo: “Cả hai bệnh viện đều phải được đặt tên là Bệnh viện Hữu Nghị” trong tiếng cười hân hoan của những người bạn, những “người anh em một nhà”, như cách nói của ông Khampheuy. Tất cả mọi người khi ấy có lẽ đều đã hình dung nay mai trên mảnh đất này, một bệnh viện quy mô và hiện đại sẽ được xây dựng.

Quyết tâm của cả hai bên là rất lớn nên trong Biên bản làm việc giữa hai phân ban hợp tác hai nước Việt Nam và Lào, được Thứ trưởng Nguyễn Chí Dũng và ông Khampheuy ký tại Viêng Chăn ngày 7/6 đã khẳng định rằng, trong hai năm 2015 - 2016 ưu tiên tập trung vốn viện trợ dành cho Lào để triển khai các dự án Bệnh viện Hữu nghị đa khoa tỉnh Hủa Phăn; Bệnh viện Hữu nghị đa khoa tỉnh Xiêng Khoảng; cũng như Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp tỉnh Hủa Phăn. Hai Phân ban sẽ hỗ trợ kịp thời kinh phí lập nghiên cứu khả thi, chuẩn bị dự án cho những dự án quan trọng này.

Các dự án khác, nằm trong khuôn khổ Chiến lược Hợp tác Việt Nam - Lào tại hai tỉnh Hủa Phăn và Xiêng Khoảng, cũng sẽ được xem xét tìm vốn để triển khai hoặc trình Chính phủ để chuẩn bị công tác đầu tư. Chẳng hạn, Dự án Xây dựng hệ thống thủy lợi Nam Hang, huyện Viêng Thoong, tỉnh Hủa Phăn; Dự án Khu kinh tế Pahang, tỉnh Hủa Phăn; hay Dự án Khu kinh tế Quốc phòng núi Chom-cup, tỉnh Hủa Phăn; xem xét tính cần thiết của việc sửa chữa và nâng cấp hệ thống thủy lợi Nậm Loong, huyện Xốp-bấu, tỉnh Hủa Phăn…

Tầm quan trọng của các tuyến đường từ Hủa Phăn đi Nghi Sơn (Thanh Hóa), từ Xiêng Khoảng qua cửa khẩu Nậm Cắn, Nghệ An đối với việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của hai tỉnh cũng đã được ghi nhận, để từ đó, hai Phân ban đồng thời báo cáo Chính phủ hai nước có biện pháp hỗ trợ thúc đẩy.

“Chiến lược Hợp tác Việt Nam - Lào tại hai tỉnh Hủa Phăn và Xiêng Khoảng đã đạt được một số kết quả bước đầu, tuy nhiên quá trình triển khai còn chậm, chưa đạt như mong muốn của lãnh đạo hai nước”, Thứ trưởng Nguyễn Chí Dũng và ông Khampheuy đều chia sẻ nhận định của mình và cho rằng, hai bên cần tập trung rà soát lại các cơ chế, chính sách liên quan đến hợp tác giữa hai nước tại hai tỉnh; nghiên cứu sửa đổi, bổ sung một cách phù hợp nhằm thúc đẩy sự phát triển của địa phương. Danh mục các dự án ưu tiên đã nêu trong Chiến lược cũng sẽ được rà soát để điều chỉnh, bổ sung một cách phù hợp.

Kế hoạch đặt ra là khoảng tháng 9/2015, hai Phân ban Hợp tác hai nước sẽ trao đổi thống nhất, báo cáo hai Chính phủ hai nước xem xét quyết định việc thực hiện Chiến lược hợp tác trong giai đoạn tới.  

Vĩ thanh

Từ Việt Nam sang Hủa Phăn, rồi từ Hủa Phăn sang Xiêng Khoảng rồi lại trở về Việt Nam qua cửa khẩu Nậm Cắn là một con đường quá dài và vất vả, bởi đường xấu, quanh co theo dốc núi. Sự mệt mỏi hằn lên trên gương mặt của mỗi người trong đoàn công tác.

Nhưng các cuộc làm việc dù kín mít thời gian, có hôm kéo dài tới tối muộn song kết thúc trong sự đồng thuận về các chương trình hợp tác Việt - Lào đã khiến mọi mệt mỏi dường như được xua tan. Tất cả đang hy vọng và tin tưởng vào một sự hợp tác sâu rộng và hiệu quả hơn giữa Việt Nam và Lào, trước hết là ở hai tỉnh Hủa Phăn và Xiêng Khoảng, giáp biên giới Việt Nam.

Có một chi tiết thật thú vị. Đó là dù đoàn công tác của cả hai phía Việt Nam và Lào lên tới 40 người, nhưng nếu không thật tinh ý, sẽ không thể nhận ra đâu là cán bộ phía Lào, đâu là cán bộ phía Việt Nam. Cả hai bên đều thông hiểu tiếng Việt, tiếng Lào, đến nỗi có lúc anh phiên dịch nói sai, Tỉnh trưởng Xiêng Khoảng phải “chỉnh” lại. Cũng không có nhiều sự khác biệt về hình thức bề ngoài. Và lúc nào cũng là những tiếng cười nồng ấm, những cái bắt tay rất chặt. Vì thế, tất cả đúng như là anh em một nhà. Không gì biểu hiện rõ hơn thế về mối quan hệ hữu nghị đặc biệt, vô cùng đặc biệt, thủy chung son sắt Việt - Lào…

Thúc đẩy hợp tác Việt Nam - Lào tại Hủa Phăn và Xiêng Khoảng
Hôm nay, 6/6/2015, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Phó chủ tịch Phân ban Hợp tác Việt Nam - Lào đã kết thúc tốt đẹp chuyến...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư