Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Tư nhân đầu tư lưới truyền tải điện: Đừng mập mờ ranh giới
Thanh Hương - 09/05/2020 09:45
 
Khuyến khích tư nhân đầu tư lưới truyền tải điện, nhưng các chuyên gia cũng cho rằng, cần xác định rõ phạm vi nhằm tránh chuyện hệ thống điện truyền tải quốc gia bị thao túng bởi lợi ích của các doanh nghiệp tư nhân.
Đầu tư lưới truyền tải điện đang thu hút sự quan tâm của khu vực tư nhân.
Đầu tư lưới truyền tải điện đang thu hút sự quan tâm của khu vực tư nhân.

Ra luật cho chính danh

Bộ Công thương mới đây đề nghị Chính phủ trình Quốc hội ban hành Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP), trong đó, cho phép áp dụng các quy định về việc xã hội hóa đối với lưới truyền tải điện. Theo đó, đề xuất đầu tư tư nhân vào lưới truyền tải điện sẽ được áp dụng theo luật này.

Đồng thời, Bộ Công thương cũng đề nghị giao Bộ nhiệm vụ rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Điện lực mà không thực hiện nhiệm vụ xây dựng Nghị quyết giải thích Luật Điện lực về độc quyền nhà nước trong hoạt động truyền tải.

Các kiến nghị trên xuất phát từ việc vào giữa tháng 1/2020, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Công thương chủ trì xây dựng tờ trình của Chính phủ về dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhằm giải thích Luật Điện lực liên quan đến nội dung quy định về Nhà nước độc quyền trong hoạt động truyền tải, làm cơ sở huy động nguồn lực xã hội tham gia đầu tư lưới truyền tải điện.

Trên thực tế, việc tư nhân tham gia làm lưới truyền tải điện đã liên tục được nhắc tới trong khoảng 1 năm qua. Đây cũng là thời điểm bùng nổ hàng loạt dự án điện mặt trời, chủ yếu do tư nhân đầu tư, diễn ra trong thời gian rất ngắn mà không theo bất cứ quy hoạch nào.

Cuộc đua về đích trước ngày 30/6/2019 để được hưởng giá điện cao là 9,35 UScent/kWh đã khiến các nhà đầu tư bỏ qua cảnh báo về lưới truyền tải điện hiện có tại một số khu vực không theo kịp được sự bùng nổ đầu tư điện mặt trời.

Thực trạng này cũng khiến có doanh nghiệp tư nhân như Tập đoàn Trung Nam đề xuất làm hẳn đoạn truyền tải ở cấp điện áp 500 kV - điều mà trước đây chưa có doanh nghiệp tư nhân nào làm.

Tuy nhiên, doanh nghiệp này cũng chỉ dự tính làm 15,5 km và người được hưởng lợi đầu tiên chính là Dự án điện mặt trời 450 MW của chính Trung Nam nếu kịp mốc vận hành trước khi sang năm 2021, nhằm hưởng nốt ưu đãi giá điện 9,35 UScent/kWh cho riêng tỉnh Ninh Thuận.

Theo tính toán của giới làm điện mặt trời, lợi nhuận của một dự án quy mô 450 MW khi bán được điện với giá 9,35 Uscent/kWh trong thời gian 20 năm hoạt động bình thường có thể lên  20.000 tỷ đồng. Bởi vậy, nếu nhà đầu tư có hào phóng giao lại đường dây đã đầu tư với số tiền chừng 500 - 700 tỷ đồng với giá 0 đồng để ngành điện quản lý thì cũng phục vụ lợi ích cho mình trước tiên.

“Với mức phí truyền tải chỉ chiếm khoảng 7% trong giá bán điện (khoảng 100 đồng), không ai mạo hiểm bỏ ra hàng trăm tỷ đồng để đầu tư đường dây 500 kV, nếu không gắn với dự án của chính họ”, ông Đào Nhật Đình, chuyên gia độc lập về năng lượng tái tạo nhận xét.

Phân rõ ranh giới

Trên thực tế, nhiều dự án nguồn điện do tư nhân đầu tư bấy lâu nay vẫn đảm trách xây dựng các đoạn truyền tải từ nhà máy tới điểm đấu nối với lưới điện quốc gia và các chi phí này được tính vào giá điện. Việc vận hành thời gian sau đó cũng do các nhà đầu tư tư nhân quản lý, bởi không ai muốn phải “đổ vỏ” về chất lượng cho những thiết bị không do mình đầu tư.

Ở phía bán điện, việc tư nhân, hợp tác xã đầu tư lưới điện hạ áp để bán điện tại khu vực nông thôn đã diễn ra từ nhiều năm trước. Tuy nhiên, do trình độ quản lý kém, tỷ lệ thất thoát lớn, dẫn tới giá bán điện cao, người dân phản đối, khiến Nhà nước phải yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tiếp nhận lại lưới điện hạ áp và thực hiện bán điện trực tiếp tới hộ dân theo giá Nhà nước quy định từ gần chục năm nay.

Đồng tình với việc khuyến khích tư nhân tham gia đầu tư lưới truyền tải điện, ông Nguyễn Tuấn Tùng, Tổng giám đốc Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia (EVNNPT) cũng cho hay, cần phân định rõ phạm vi giữa hệ thống truyền tải điện quốc gia và hệ thống truyền tải điện phục vụ đấu nối từ các nhà máy điện/cụm nhà máy điện tới điểm đấu nối vào hệ thống truyền tải điện quốc gia.

“Hệ thống truyền tải điện quốc gia mang tính xương sống, huyết mạch của hệ thống điện quốc gia, đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, nên quá trình đầu tư và quản lý vận hành hệ thống này cần phải tuân thủ các tiêu chuẩn, quy trình quy định nghiêm ngặt, chặt chẽ để đảm bảo chất lượng, tính đồng bộ về thiết bị, ghép nối và đảm bảo an toàn, tin cậy trong quản lý vận hành. Việc đầu tư không đảm bảo chất lượng, dẫn tới sự cố trên hệ thống truyền tải điện quốc gia sẽ gây ảnh hưởng đến cấp điện, đe dọa trực tiếp tới an ninh năng lượng và an ninh quốc gia”, ông Tùng nói.

Với tính chất đặc biệt này, việc hệ thống truyền tải điện quốc gia do Nhà nước độc quyền trong cả đầu tư lẫn quản lý vận hành cũng được nhiều ý kiến ủng hộ.

Ông Nguyễn Bình, chuyên gia tư vấn về năng lượng tái tạo cho hay, hệ thống truyền tải điện quốc gia nên do Nhà nước độc quyền quản lý và vận hành để tránh những tranh cãi không cần thiết trong vận hành. Còn hệ thống lưới truyền tải điện đấu nối một/cụm nhà máy lên hệ thống điện quốc gia chỉ mang tính cục bộ và ảnh hưởng không lớn tới hệ thống nếu có sự cố, nên kêu gọi tư nhân đầu tư và quản lý vận hành theo đúng tính chất xã hội hóa.

Chia sẻ quan điểm của mình, ông Phan Xuân Dương (Công ty BOT Vĩnh Tân 1) cho hay, trong các hợp đồng mua bán điện hiện nay đều có ranh giới giữa chủ đầu tư với EVNNPT.

“Nhà nước nên giữ độc quyền về quản lý, vận hành hệ thống truyền tải điện quốc gia, tư nhân đầu tư các đường nhánh và theo hình thức nào là do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định”, ông Dương nói.

Cuối năm 2019, các thượng nghị sĩ Philippines đã yêu cầu mở cuộc điều tra về tác động của việc Trung Quốc sở hữu một phần mạng lưới cung cấp điện quốc gia của nước này đến an ninh năng lượng sau khi có một báo cáo nội bộ cho hay, các kỹ sư Trung Quốc có thể tắt mạng lưới nói trên bằng cách gạt công tắc.

Lý do là, Tập đoàn Truyền tải điện nhà nước Trung Quốc (SGCC) đang sở hữu 40% cổ phần của Tập đoàn Lưới điện quốc gia Philippines (NGCP) - một công ty tư nhân mua nhượng quyền từ năm 2009 để vận hành mạng lưới truyền tải điện năng.

Trong các kịch bản được tính toán, khi mạng lưới điện quốc gia bị tắt vì lý do trên, Philippines sẽ mất 24 - 48 giờ để giành lại được quyền kiểm soát và khởi động lại mạng lưới điện bằng tay.
Super Energy đầu tư vào 4 dự án điện mặt trời
Công ty Super Energy Corporation Company Limited (Thái Lan) đã quyết định chi 456,7 triệu USD cho việc sở hữu cổ phần và đầu tư vào 4 dự án điện mặt...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư