Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Super Energy đầu tư vào 4 dự án điện mặt trời
Thanh Hương - 21/04/2020 08:37
 
Công ty Super Energy Corporation Company Limited (Thái Lan) đã quyết định chi 456,7 triệu USD cho việc sở hữu cổ phần và đầu tư vào 4 dự án điện mặt trời tại Bình Phước.
Các Dự án điện mặt trời Lộc Ninh 1, 2, 3 và 4 sẽ được hưởng cơ chế giá mua điện cố định 7,09 UScents/kWh nếu vận hành thương mại trước ngày 1/1/2021.
Các dự án điện mặt trời Lộc Ninh 1, 2, 3 và 4 sẽ được hưởng cơ chế giá mua điện cố định 7,09 UScents/kWh nếu vận hành thương mại trước ngày 1/1/2021.

Dốc tiền đầu tư

Hội đồng Quản trị Công ty Super Energy Corporation Company Limited (Super Energy) của Thái Lan cuối tháng 3/2020 đã gửi thư tới Ủy ban Chứng khoán Thái Lan thông báo về quyết định sẽ chi không quá 456,7 triệu USD để đầu tư vào 4 dự án nhà máy điện mặt trời, gồm Lộc Ninh 1 (200 MW), Lộc Ninh 2 (200 MW), Lộc Ninh 3 (150 MW) và Lộc Ninh 4 (200 MW) tại tỉnh Bình Phước (Việt Nam).

Trước đó, khi thông qua khoản đầu tư này trong phiên họp ngày 25/3/2020, Hội đồng Quản trị của Super Energy đã nhận định, các dự án trên sẽ giúp tăng cường khả năng cạnh tranh trong kinh doanh cho doanh nghiệp của mình.

Theo thông báo, khoản đầu tư vào Lộc Ninh 1 là 99,7 triệu USD; tại Lộc Ninh 2 là 140 triệu USD; tại Lộc Ninh 3 là 105 triệu USD và tại Lộc Ninh 4 là 112 triệu USD. Tuy nhiên, không phải các đối tác phía Việt Nam - được biết đến là các công ty con thuộc Tập đoàn Hưng Hải - sẽ nhận được tất cả khoản tiền lớn này.

Cụ thể, chỉ có 72,9 triệu USD được lên kế hoạch bỏ ra để mua cổ phần. Hiện đợt thanh toán đầu tiên đã diễn ra với số tiền là 5,732 triệu USD. Các đợt thanh toán còn lại sẽ kèm với các điều kiện chi tiết như khi có quyết định thuê đất, giấy phép xây dựng, hợp đồng nối lưới, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hay chứng nhận đủ điều kiện phát điện thương mại với giá mua điện là 7,09 UScents/kWh…

Như vậy, số tiền còn lại (383,8 triệu USD) dành cho việc triển khai xây dựng dự án cụ thể.

Nhà đầu tư đến từ Thái Lan cũng tính rằng, lợi nhuận trước thuế của Lộc Ninh 1 trong vòng 20 năm khi giá điện cố định ở mức 7,09 UScents/kWh sẽ dao động trong khoảng 300 - 370 triệu bath/năm (theo tỷ giá 1 USD đổi được 32 bath); của Lộc Ninh 2 sẽ trong khoảng 295 - 377 triệu bath/năm; của Lộc Ninh 3 là 209 - 271 triệu bath/năm và tại Lộc Ninh 4 là 295 - 377 triệu bath/năm.

Khoản đầu tư 456,7 triệu USD mà Super Energy bỏ ra ở 4 dự án ước tính bằng 26,23% tổng tài sản tổng tài sản của Công ty.

Chạy đua về đích

Theo nhận xét của giới đầu tư năng lượng mặt trời, việc mua lại dự án hay cổ phần trong lĩnh vực này là khá phổ biến trong thời gian qua, bởi các nhà đầu tư nước ngoài muốn rút ngắn thời gian lo liệu các thủ tục hành chính tại Việt Nam mà họ thường không thông thạo như doanh nghiệp bản địa.

Do kinh nghiệm hoạt động trong đủ mọi lĩnh vực và ngành nghề, cùng sự hiểu biết địa phương, nhiều doanh nghiệp tư nhân Việt Nam có những lợi thế nhất định trong quá trình thuyết phục các cơ quan hữu trách để bổ sung dự án mà mình đề xuất vào Quy hoạch điện khi cơ chế đấu thầu cạnh tranh để chọn nhà phát triển dự án chưa được áp dụng kể từ khi Quyết định 11/2017/QĐ-TTg về phát triển điện mặt trời được ban hành vào tháng 4/2017.

Với trường hợp các dự án Lộc Ninh1, 2, 3 và 4, mặc dù đã trả xong khoản tiền đầu tiên để mua cổ phần, nhưng các tính toán về hiệu quả mà Super Enegry đưa ra chỉ có thể trở thành hiện thực khi cả 4 dự án được cấp chứng nhận vận hành thương mại (COD) trước thời điểm 1/1/2021, nghĩa là kịp được hưởng giá mua điện cố định là 7,09 UScents/kWh trong thời gian 20 năm.

Nếu không kịp mốc này, giá mua điện mặt trời cho các dự án dở dang chưa biết được tính thế nào, khi hiện mới chỉ có quy định: các dự án điện mặt trời tại Việt Nam triển khai từ ngày 1/1/2021 sẽ tiến hành đấu thầu giá bán điện để chọn nhà phát triển dự án.

Nguồn tin của Báo Đầu tư cho hay, các dự án điện Lộc Ninh 1, 2, 3 và 4 đang trong giai đoạn xây dựng với hợp đồng mua bán điện và đấu nối đã thỏa thuận xong. Đây là 4 trong số 36 dự án hoặc phần dự án được Bộ Công thương báo cáo tới Thủ tướng cho hưởng cơ chế giá mua điện cố định là 7,09 UScents/kWh do đã được cơ quan có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư trước ngày 23/11/2019. Tổng công suất của 36 dự án này là 2.988 MW.

Để nâng tỷ lệ chiếm hữu tại các doanh nghiệp triển khai 4 dự án điện mặt trời, Super Energy phải trả tổng cộng 72,9 triệu USD. Trong đó:

Khoản đã trả: 5.732.897 USD.

Khoản sẽ trả trong tháng 3/2020: 13,667 triệu USD.

Khoản sẽ trong tháng 6/2020: 32,4 triệu USD.

Khoản sẽ trả vào tháng 11/2020: 11,6 triệu USD

Nếu giá mua điện khác với dự báo là 7,09 UScents/kWh, giá trị của cổ phiếu sẽ được điều chỉnh theo tỷ lệ giá mua điện thực tế.
Cuộc đua về đích ở các dự án điện mặt trời dang dở
Việc công bố giá mua điện mặt trời mới áp dụng cho tới hết năm 2020 đang làm sôi động trở lại cuộc đua về đích ở các dự án điện mặt...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư