Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Tư tưởng hòa bình, hợp tác, dân chủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh và bức thư gửi Tổng thống Hoa Kỳ
Trần Văn Khôi (*) - 02/05/2015 08:11
 
Tư tưởng hòa bình, hòa hợp dân tộc và thống nhất đất nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh tỏa sáng cùng sự ra đời và lớn mạnh của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa từ thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám, năm 1945 lịch sử.

Ngay sau ngày công bố Tuyên ngôn Độc lập nổi tiếng thế giới, Chủ tịch Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã có bức thư gửi anh em Hoa kiều để bày tỏ tư tưởng hòa bình, hữu nghị và hợp tác thân thiện giữa hai dân tộc Việt - Trung.

Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện thân mật với các đại biểu Liên Xô và nước ngoài dự Đại hội 22 Đảng Cộng sản Liên Xô. Ảnh: TTXVN
Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện thân mật với các đại biểu Liên Xô và nước ngoài dự Đại hội 22 Đảng Cộng sản Liên Xô. Ảnh: TTXVN

 

Theo Chủ tịch, hai nước anh em, đất nước liền kề, núi sông kế tiếp, càng như môi với răng che chở cho nhau. Ngót trăm năm nay, đế quốc xâm lược Viễn Đông, giặc Pháp cưỡng chiếm Việt Nam, lấy đó làm bàn đạp xâm lược Trung Quốc. Hai dân tộc phương Đông chúng ta lại chịu chung nỗi khổ cực bị áp bức và xâm lược.

Thay mặt Chính phủ Việt Nam, Hồ Chủ tịch rất quan tâm đến mấy mươi vạn anh em Hoa kiều sinh sống trên đất Việt Nam. Vì trước đây, anh em Hoa kiều cùng nhân dân Việt Nam chung sống hòa bình, kết thân với nhau, đi lại buôn bán, thân thiết như chân với  tay, cho nên, ngay khi thành lập, Chính phủ Nhân dân lâm thời Việt Nam đã lập tức tuyên bố xóa bỏ mọi luật pháp hà khắc của Pháp trước đây áp đặt lên Hoa kiều, xác định chính sách cơ bản là bảo đảm tự do, an toàn tính mạng và tài sản của Hoa kiều, hoan nghênh Hoa kiều cùng nhân dân Việt Nam chung sức xây dựng nước Việt Nam mới.

Người thay mặt toàn thể nhân dân Việt Nam đưa bàn tay nồng nhiệt hoan nghênh anh em Hoa kiều sinh sống trên đất nước Việt Nam, mong rằng người dân hai nước cần phải thân mật đoàn kết, có việc gì thì giải quyết với nhau theo nguyên tắc hợp pháp, hợp lý với thái độ kính trọng, nhường nhịn với nhau, không được vì những việc tranh chấp nhỏ của cá nhân mà gây điều bất hạnh ngăn cách giữa hai dân tộc.

Hồ Chí Minh cho rằng, nếu trước đây, có chỗ hiểu nhầm hoặc bất hòa, thì cũng mong từ nay về sau mỗi bên đều vứt bỏ thành kiến mà chân thành hợp tác thân thiện với nhau.

Những quan điểm trên thật chí lý, chí tình và xuất phát từ một tầm nhìn khách quan, vô tư với lợi ích căn bản, lâu dài cho cả hai dân tộc. Quan điểm này chỉ có thể xuất phát từ con người có hiểu biết sâu sắc về mối quan hệ lịch sử lâu đời Việt - Trung và có khả năng dự kiến cho sự phát triển tương lai dài lâu để cùng nhau bước trên con đường hội nhập vào nền văn minh nhân loại. Con người vĩ đại đó, không ai khác, chính là Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Ngày nay, sau 70 năm, quan hệ nhà nước Việt Nam - Trung Hoa đã có nhiều bước thăng trầm, nhiều giá trị hữu nghị đã được thử thách và đắp bồi, song những quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về sự đoàn kết dân tộc trên tinh thần hợp pháp, hợp lý với thái độ kính trọng, nhường nhịn lẫn nhau, chân thành vứt bỏ những thành kiến hẹp hòi mà hợp tác thân thiện. Đó thực sự là di sản cho tình hữu nghị dài lâu trong quan hệ Việt - Trung.

Cùng thời gian, Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mới ra đời, quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ đã được thiết lập và duy trì qua sự chủ động của Hồ Chí Minh. Trong bức thư  viết ngày 24/9/1945 gửi Tổng thống Truman, nhân danh Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Hồ Chí Minh phản đối mạnh mẽ và yêu cầu Tổng thống Hoa Kỳ can thiệp với các nhà chức trách Anh bãi bỏ các biện pháp tiếp tay cho người Pháp trở lại xâm lược Việt Nam. Người cho rằng, các biện pháp cấm báo chí; cung cấp vũ khí, đạn dược cho dân chúng Pháp; tước vũ khí các lực lượng cảnh sát Việt Nam, các biện pháp này là một sự vi phạm rõ ràng đến những quyền tự nhiên của nhân dân Việt Nam, đe dọa trực tiếp nền an ninh trong nước và là nhân tố làm mất ổn định và hòa bình ở Đông Nam Á.

Cuối bức thư trên, Hồ Chí Minh viết: “Chúng tôi sẽ rất biết ơn Ngài thuyết phục người Anh đứng vững trên cơ sở nguyên tắc tự do và tự quyết do Hiến chương Đại Tây Dương đề ra”. Như vậy, chúng ta có thể thấy được, trong các quan điểm về quan hệ quốc tế ở Hồ Chí Minh, Người luôn đòi hỏi mọi quan hệ quốc tế phải được thực hiện trên những nguyên tắc pháp lý, có tính chất quốc tế, do các văn bản như Hiến chương Liên hợp quốc đã xác định, mà trước hết là việc thực sự tôn trọng quyền tự do của con người và quyền tự quyết của mỗi dân tộc.

Trong hệ thống các bức thư, bức điện, công hàm của Chính phủ Việt Nam do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch, gửi Tổng thống cùng Chính phủ Hoa Kỳ cuối năm 1945 và đầu năm 1946, người ta không thể không chú ý tới bức thư từ Hà Nội, ngày 16/2/1946 gửi Tổng thống Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, Washington D.C.

Sau khi cảm ơn các tuyên bố tại Liên hợp quốc của đại diện Chính phủ Hoa Kỳ, có lợi cho các dân tộc thuộc địa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã điểm qua tình hình của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, theo đó, khi người Nhật bị đánh bại vào tháng 8/1945, toàn bộ lãnh thổ Việt Nam được thống nhất lại dưới một chính phủ lâm thời và chính phủ này đã lập tức đi vào hoạt động. Trong 5 tháng, hòa bình và trật tự được lập lại, một nền cộng hòa dân chủ được thiết lập trên những cơ sở pháp lý, và đã dành cho các nước Đồng minh sự giúp đỡ thỏa đáng trong việc thực hiện sứ mệnh giải giáp của họ.

Nhưng Thực dân Pháp, theo lời tác giả, những kẻ trong thời chiến đã phản bội cả các nước đồng minh lẫn nhân dân Việt Nam, đã quay lại và đang tiến hành một cuộc chiến tranh tàn sát, không thương xót đối với người Việt Nam, hòng lập lại ách thống trị của họ.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, sự xâm lược này là trái với những nguyên tắc của luật pháp quốc tế và trái với những cam kết của các nước đồng minh trong chiến tranh thế giới. Nó là một sự thách thức đối với thái độ đáng kính trọng mà Chính phủ và nhân dân Hoa Kỳ đã bày tỏ trước, trong và sau chiến tranh. Nó đối chọi với lập trường vững chắc mà Tổng thống Hợp chủng quốc Hoa Kỳ đã nêu trong bản tuyên bố mười hai điểm cùng tính tối thượng và khoan dung lý tưởng mà phái đoàn Mỹ đã bày tỏ trước Đại hội đồng Liên hợp quốc.

Tiếp đó, bức thư thẳng thắn cho rằng: “Cuộc xâm lược của Pháp đối với một dân tộc yêu chuộng hòa bình là mối đe dọa trực tiếp đối với an ninh thế giới. Nó hàm chứa sự đồng lõa, hay ít ra cũng là sự nhắm mắt làm ngơ của những nền dân chủ vĩ đại. Liên hợp quốc phải giữ lời hứa. Họ phải can thiệp nhằm ngăn chặn cuộc chiến tranh phi nghĩa này và để tỏ ra rằng, trong thời bình, họ có ý định thực hiện các  nguyên tắc mà vì chúng, họ đã chiến đấu trong thời chiến”.

Khó có thể có một văn bản nào khi nói về trách nhiệm pháp lý của các cường quốc trong quan hệ quốc tế lại được đề cập trực tiếp và thuyết phục như những yêu cầu và nhận xét của bức thư mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thể hiện. Lịch sử đã chứng kiến một cơ hội hòa bình cho thế giới mà Việt Nam là người khởi xướng, đã không có sự hưởng ứng kịp thời của các nền dân chủ vĩ đại, như cách nói  trong bức thư của Hồ Chí Minh.

Ngày nay, nhìn lại quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ, theo dòng lịch sử đã trải qua những thái cực khiến hai nước từng là hai đầu chiến tuyến của một cuộc chiến có quy mô to lớn và mức độ khốc liệt ít thấy trong chiến tranh hiện đại. Mặc dù chiến tranh đã qua 40 năm, mối quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ ngày càng trở nên nồng ấm và Việt Nam đã có thời gian, có những điều kiện để thực hiện những nội dung xây dựng cuộc sống mới và thực hiện trách nhiệm đóng góp phần nhỏ của mình vào công việc xây dựng lại thế giới, như những gì Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết trong bức thư gửi Tổng thống Hoa Kỳ cách đây 70 năm.

Đúng như Hồ Chí Minh đã viết, an ninh và tự do chỉ có thể được bảo đảm bằng sự độc lập của mỗi quốc gia với bất kỳ một cường quốc nào và bằng sự hợp tác tự nguyện của mỗi nước với tất cả các nước cường quốc khác. Sự nghiệp đổi mới ở Việt Nam thực sự có sự chuyển biến căn bản khi quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ được bình thường hóa, mọi sự bao vây, cấm vận của Hoa Kỳ với Việt Nam đã được gỡ bỏ. Quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ ngày càng trở nên nồng ấm, thiết thực và sự hợp tác này trở nên thực sự có lợi cho hòa bình và sự phát triển bền vững trên toàn thế giới.

Năm nay, chúng ta kỷ niệm 40 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, khi nhắc lại nguyện vọng của Bác về thống nhất nước nhà, từ sau chiến dịch mang tên Hồ Chí Minh lịch sử, chúng ta không khỏi tự hào mà nói rằng: nhân dân ta, quân đội ta, các thế hệ người Việt Nam kế tiếp nhau đã thực hiện được nguyện vọng giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà theo di nguyện của Người.

Sau gần 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới với nhiều thành công và thắng lợi đã đưa thế và lực của Việt Nam lên một tầm cao mới, đất nước vượt qua tình trạng một nước nghèo, chậm phát triển, đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, có quan hệ quốc tế rộng rãi, có vị thế ngày càng quan trọng trong khu vực và thế giới. Từ nay đến giữa thế kỷ XXI, toàn Đảng, toàn dân ta phải ra sức phấn đấu xây dựng nước ta thành nước công nghiệp hiện đại theo định hướng XHCN.

Ngọn cờ hòa bình, hợp tác và dân chủ mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trao cho dân tộc, sẽ mãi là ngọn đuốc soi đường cho nhân dân ta đoàn kết bền chặt và rộng rãi cùng nhân dân các nước vững bước xây dựng một cuộc sống ngày càng hạnh phúc, công bằng, dân chủ và văn minh trong thế kỷ XXI.

(*) Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng

Xác lập quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam-Hoa Kỳ
Ngày 25/7, tại Nhà Trắng đã diễn ra cuộc hội đàm giữa Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống Barack Obama.  
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư