Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 14 tháng 12 năm 2024,
Tư vấn nghề nghiệp, việc làm đến học sinh miền núi, giáo viên cần gì?
Hưng Anh - 13/06/2024 13:58
 
Tư vấn nghề nghiệp, hỗ trợ việc làm là mong mỏi của nhiều học sinh cùng các bậc phụ huynh, đặc biệt với những em ở các tỉnh miền núi phía Bắc. Vì vậy sự hướng dẫn của giáo viên là vô cùng quan trọng và cần thiết.

Nằm trong chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức tập huấn nâng cao năng lực tư vấn nghề nghiệp, việc làm và hỗ trợ khởi nghiệp cho cán bộ quản lý, giáo viên từ 12-15/6 cốt cán các trường phổ thông dân tộc bán trú và trường phổ thông có học sinh bán trú.

Tham dự tập huấn có cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục, các thầy cô là giáo viên cốt cán làm công tác tư vấn, nghề nghiệp việc làm của các trường phổ thông dân tộc bán trú và trường phổ thông có học sinh bán trú tại 15 tỉnh khu vực phía Bắc.

Với các em học sinh các tỉnh miền núi, càng cần hơn sự tư vấn, hướng nghiệp của các thầy cô giáo

Phát biểu tại hội nghị, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên Trần Văn Đạt nhấn mạnh: Khởi nghiệp hiện nay không còn xa lạ đối với học sinh, sinh viên, thầy cô giáo trong các nhà trường. Để xây dựng được hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia một cách toàn diện cần đến một số các yếu tố cốt lõi như: Tài năng, chính sách, văn hóa, nguồn vốn… trong đó ngành giáo dục đảm nhiệm 2 yếu tố hết sức quan trọng của hệ sinh thái khởi nghiệp là nhân lực và hình thành văn hóa khởi nghiệp.

Để thực hiện được 2 nội dung cốt lõi trên, bên cạnh việc triển khai thực hiện tốt Chương trình giáo dục phổ thông 2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025” (Quyết định số 1665/QĐ-TTg ngày 30/10/2017) và Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025” (Quyết định số 522/QĐ-TTg ngày 14/5/2018).

Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên Trần Văn Đạt nhấn mạnh tầm quan trọng của giáo viên trong khâu tư vấn, hướng nghiệp đến học sinh

Mục đích chính của các đề án này là tạo lập nên một môi trường giáo dục tăng cường khả năng sáng tạo của học sinh, giúp các em sớm phát hiện được tài năng, năng lực của bản thân và có cơ hội được trải nghiệm thực tế với các kiến thức đã học, trên cơ sở đó sớm hình thành được tinh thần khởi nghiệp ngay từ bậc phổ thông.

Để triển khai tốt việc thúc đẩy công tác tư vấn nghề nghiệp, việc làm và hỗ trợ khởi nghiệp các cơ sở giáo dục cần quan tâm triển khai tốt một số nhiệm vụ, giải pháp. Đó là, cần có nội dung, chương trình đào tạo về tinh thần khởi nghiệp; cần có đội ngũ cán bộ tư vấn hỗ trợ công tác tư vấn nghề nghiệp, việc làm và hỗ trợ khởi nghiệp các cơ sở giáo dục được đào tạo bài bản.

Học sinh cần được đào tạo các kiến thức, kỹ năng về khởi nghiệp, lập nghiệp; được tư vấn nghề nghiệp, việc làm một cách khoa học, bài bản. Cần có môi trường để thực hành các kiến thức được trải nghiệm thực tế với các kiến thức đó.

Vụ trưởng Trần Văn Đạt đánh đánh giá cao sự nỗ lực của các nhà trường vùng dân tộc thiểu số và miền núi, mặc dù nguồn lực còn hạn chế nhưng các địa phương, các nhà trường đã có nhiều nỗ lực, chung tay thúc đẩy các hoạt động khởi nghiệp.

Trong 6 lần tổ chức Ngày hội khởi nghiệp quốc gia, Bộ GD&ĐT đã nhận được rất nhiều các dự án khởi nghiệp của học sinh là người dân tộc thiểu số, đến từ các vùng rất khó khăn như huyện Bắc Hà, Lào Cai. Huyện Mù Căng Chải, huyện Yên Bình tỉnh Yên Bái. Hầu hết các dự án đều được phát triển dựa trên các sản phẩm thế mạnh của địa phương, nhiều dự án đã được triển khai thực tế, mang lại doanh thu.

Cần định hướng cho các em học sinh ngay từ sớm để các em có những hướng đi đúng đắn trong tương lai

Cuộc tập huấn là một trong các nhiệm vụ thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, nhằm góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú nói chung và đối với công tác tư vấn, nghề nghiệp, việc làm và hỗ trợ khởi nghiệp nói riêng.

Tại tập huấn, giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục được cung cấp kiến thức cơ bản về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và cách vận dụng các kiến thức này để phù hợp với đặc điểm của từng địa phương. Đây là những kiến thức bổ ích giúp các thầy cô có thêm tinh thần, động lực đổi mới sáng tạo không chỉ để vận dụng trong khởi nghiệp mà còn trong công việc giảng dạy, giáo dục học sinh ngày càng tốt hơn.

Bên cạnh các hoạt động trên lớp, giáo viên, cán bộ quản lý tham gia tập huấn còn được tham quan trải nghiệm thực tế tại doanh nghiệp và tự xây dựng, hoàn thiện các dự án khởi nghiệp như một bài tập thực hành.

Hướng đi nào cho hàng chục nghìn học sinh Hà Nội không vào học lớp 10 hệ công lập?
Khoảng hơn 50.000 thí sinh Hà Nội thi sẽ không thể vào hệ công lập các trường THPT (trong đó có 23.000 em không tham gia thi vào lớp 10). Vậy hướng đi...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư