Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 25 tháng 11 năm 2024,
Tuân thủ kỷ luật hành chính
Bảo Duy - 23/11/2018 13:07
 
Một lần nữa, danh sách dài những doanh nghiệp nhà nước chưa hoàn thành cổ phần hóa, chưa bàn giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước về Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) theo đúng quy định hiện hành cùng danh sách doanh nghiệp đã cổ phần hóa, nhưng chưa đăng ký niêm yết, giao dịch trên thị trường chứng khoán đã được Chính phủ công khai.

Tên các bộ, ngành, địa phương chậm hoặc không thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn theo các kế hoạch đã được phê duyệt cũng được chi tiết cụ thể từng phần việc đã làm, chưa làm...

.

Thực ra, đây là công việc định kỳ theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, để theo dõi, đánh giá tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện. Trong Dự thảo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác chỉ đạo, đẩy mạnh công tác cơ cấu lại, sắp xếp, đổi mới, cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước dự kiến sẽ sớm ban hành, yêu cầu này tiếp tục được nhắc lại, để đảm bảo các kế hoạch được kiểm soát.

Thực tế, sự chậm trễ có nguyên nhân từ những khó khăn, vướng mắc khi cơ chế, chính sách chưa hoàn thiện, đang trong giai đoạn sửa đổi bổ sung; nhiều văn bản ban hành chậm, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện của các bộ, ngành, địa phương... Trong 2 năm tới, những khó khăn do nguyên nhân này có thể còn tồn tại, vì hàng loạt luật, nghị định liên quan đến doanh nghiệp nhà nước đang trong kế hoạch sửa đổi, bổ sung. Có thể kể tới Luật Doanh nghiệp, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, Luật Cán bộ, công chức, Luật Phá sản, Bộ luật Lao động...

Song sự chậm trễ nêu trên còn có nguyên nhân do nhận thức, chấp hành kỷ luật chưa nghiêm. Thực trạng này đòi hỏi phải có chế tài đủ mạnh, xử lý nghiêm thì mới không tái diễn, không là lực cản của quá trình cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước nói riêng, cơ cấu lại nền kinh tế nói chung. Ngày 21/11 vừa qua, khi phát biểu kết luận Hội nghị Đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động doanh nghiệp nhà nước, tập trung là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng nhấn rất mạnh ý này.

Người đứng đầu Chính phủ đã điểm rõ từng hành vi, đó là việc chấp hành chưa nghiêm chỉ đạo từ trên; còn tư tưởng e ngại, nhận thức chưa thông trong vấn đề đổi mới khi cổ phần hóa, thoái vốn; tâm lý sợ mất vị trí, vai trò sau cổ phần hoá, thoái vốn; tư tưởng yên vị... Thậm chí, tình trạng sân sau, sân trước trong doanh nghiệp nhà nước vẫn còn khá nhiều. “Điều này đã và đang kìm hãm tiến độ đổi mới”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Qua những vụ tham nhũng, tiêu cực và một số vụ án khởi tố cán bộ, lãnh đạo tập đoàn, tổng công ty, bộ, ngành, địa phương liên quan cho thấy, bên cạnh nguyên nhân về  cơ chế, chính sách, còn có lỗi do buông lỏng quản lý nhà nước trong thời gian dài, lỗi do cán bộ, tổ chức chủ quan khi thực hiện kỷ luật thành chính, khi thực hiện yêu cầu công khai, minh bạch thông tin doanh nghiệp.

Sự việc đáng lẽ sẽ không đi quá xa và đáng ra có thể xử lý được nếu như thông tin của các doanh nghiệp được cập nhật đầy đủ, kỷ luật trong kiểm tra, thanh tra, giám sát, kiểm toán được thực thi. Khi đó cũng sẽ hạn chế được tình trạng thất thoát vốn, tài sản nhà nước trong sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn và trong quản lý, sử dụng vốn nhà nước.

Đề cập sự chậm trễ cổ phần hóa, thoái vốn năm 2018, Thủ tướng Chính phủ cũng đã nói, nếu doanh nghiệp nào không thực hiện được cổ phần hóa, thoái vốn thì phải báo cáo lại lý do để xem xét, tháo gỡ, chứ không thể không tuân thủ.

Một lần nữa, trách nhiệm người đứng đầu đơn vị trong việc chấp hành kỷ luật hành chính khi thực hiện kế hoạch cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp phải được đặt ra nghiêm túc, có chế tài cụ thể. Cũng cần có cơ chế rõ ràng khi thực hiện nguyên tắc ”ai không làm thì đứng sang một bên”, để tạo thêm dư địa, giúp doanh nghiệp nhà nước tìm lại sức mạnh thực sự của mình.

Tìm lại sức mạnh cho doanh nghiệp nhà nước (Bài 1)
Với nguồn lực đang nắm giữ, doanh nghiệp nhà nước đáng ra phải là một động lực phát triển, là đầu tàu theo đúng nghĩa, không thể cứ là...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư