-
Doanh nghiệp cảng biển gia tăng dịch vụ trọn gói -
Xây lắp Hải Long - 25 năm kiên định với sứ mệnh “Xây dựng để trường tồn” -
Thâu tóm Sabibeco, Sabeco vươn tới “ngôi vương” -
Chính thức hợp nhất 2 công ty vận tải đường sắt, xóa cảnh cạnh tranh nội bộ -
Hoạt động kinh doanh bất động sản của Hodeco (HDC) vẫn giảm mạnh -
ABeam Consulting dẫn đầu cuộc cách mạng chuỗi cung ứng
Bài 2: Thời điểm bẻ ghi
Kế hoạch trở lại hàng đầu của các doanh nghiệp nhà nước không phải là giấc mơ để hoài niệm. Thậm chí, khu vực này đang ở thời điểm hội tụ nhiều điều kiện để tạo nên sức bật mới. Nhưng, điểm bẻ ghi thường chỉ là một khoảnh khắc, nếu không kịp nắm bắt sẽ dễ bị vuột mất.
Nhiều doanh nghiệp nhà nước không hề yếu
Trong cuộc tọa đàm về cơ hội của Việt Nam trong cuộc cách mạng 4.0 diễn ra mới đây, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đã dấy lên tranh luận khi cho rằng, doanh nghiệp nhà nước sẽ là một đột phá. Hiện trạng không mấy tích cực trong cả quản trị và hiệu quả hoạt động của khu vực này là lý do nhiều chuyên gia đưa ra để nghi ngờ quan điểm của ông Cung.
EVN nổi lên là doanh nghiệp điển hình về ứng dụng dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, Internet vạn vật... trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Ảnh: T.H |
“Tôi nhìn thấy ở đây tiềm lực lớn khi thay đổi. Quan trọng là doanh nghiệp nhà nước đang hội tụ nhiều điều kiện thay đổi. Viettel là một ví dụ”, ông Cung lý giải khi chia sẻ những gì tận mắt chứng kiến trong mô hình, cách thức quản trị trên cơ sở dữ liệu lớn, theo thời gian thật mà ông gọi là hình mẫu của cả khu vực doanh nghiệp nhà nước.
Viettel được giới nghiên cứu nhắc tới như một trường hợp đặc biệt. Thành lập năm 1989, sau gần 30 năm, Viettel liên tục làm bùng nổ thị trường viễn thông di động ở nhiều thị trường trên thế giới, đã bước vào nhóm 15 doanh nghiệp viễn thông hàng đầu thế giới.
Chuyên gia kinh tế Huỳnh Thế Du, Giám đốc Đào tạo Chương trình Giảng dạy kinh tế Fulbright thậm chí còn nói Viettel đã tạo ra được một cuộc cách mạng mang tính đời sống và có tính bao trùm lớn trong lĩnh vực viễn thông.
“Nếu Viettel là doanh nghiệp tư nhân, tôi tin rằng, Tổng giám đốc Nguyễn Mạnh Hùng (hiện là Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông - PV) có thể là tỷ phú đầu tiên của Việt Nam. Vì thành công của Viettel là nhân tố tạo ra giá trị của phát triển”, ông Du nói.
Thực tế, nếu nói về tiềm lực, doanh nghiệp nhà nước không hề yếu. Khu vực này hiện chỉ chiếm 0,5% về số lượng, 9% về lao động, nhưng nắm tới 29% tổng tài sản, 16% doanh thu, tạo ra 27% lợi nhuận trước thuế và 36% tổng nộp ngân sách của các doanh nghiệp.
Hơn thế, tài sản của nhiều doanh nghiệp có giá hơn rất nhiều xét trên góc nhìn của giới đầu tư và đánh giá của thị trường. Có thể thấy qua các đợt thoái vốn thành công đầu năm 2018, như Lọc hóa dầu Bình Sơn (5.566 tỷ đồng), PV Power (gần 7.000 tỷ đồng), PV Oil (4.177 tỷ đồng), Tập đoàn Cao su Việt Nam (1.311 tỷ đồng), Hapro (gần 1.000 tỷ đồng)...
CIEM cũng đã phân tích số liệu thống kê các doanh nghiệp có vốn nhà nước đang niêm yết cổ phiếu trên 2 sàn HNX và HSX (chưa tính sàn UPCoM), thì giá trị mệnh giá cổ phần nhà nước là 205.000 tỷ đồng, nhưng giá thị trường tham chiếu năm 2017 lên đến 797.000 tỷ đồng.
Đòi hỏi sống còn của nền kinh tế
So với 9 tháng đầu năm ngoái, kết quả đầu tư của khu vực doanh nghiệp nhà nước 9 tháng đầu năm nay giảm 7,8%, vốn tín dụng đầu tư theo kế hoạch của Nhà nước cũng giảm tới 25,1%. Thực trạng này đã được nhìn thấy từ quý trước đó.
“Đây là điều đáng lo ngại. Đáng ra, đầu tư của khu vực này phải đảm bảo yêu cầu dẫn hướng, đầu tư vào các dự án kết nối quy mô lớn theo kế hoạch để thúc đẩy đầu tư của các khu vực khác”, ông Nguyễn Đình Cung bày tỏ quan điểm khi nhìn các chỉ số kinh tế vĩ mô.
Cách đây 2 năm, ông Cung từng đề nghị, nên để doanh nghiệp nhà nước sang một bên trong quá trình tái cơ cấu nền kinh tế. “Có quá nhiều việc dường như không thể giải quyết dứt điểm, như con kiến leo cành đa, nên có khi phải khoanh lại đó, dành nguồn lực để thực hiện các nhiệm vụ còn lại, nhất là tập trung thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân”, ông Cung nói khi thảo luận về các hành động mà Chính phủ phải thực hiện để triển khai Nghị quyết số 05-NQ/TW của Trung ương và Nghị quyết 24/2016/QH14 của Quốc hội về tái cơ cấu nền kinh tế hồi cuối năm 2016.
Nhưng rồi, ông Cung tự loại bỏ đề xuất này, khi phát hiện, cách thức đầu tư kém hiệu quả, thua lỗ của khu vực này trực tiếp làm suy giảm năng lực cạnh tranh, hao mòn nguồn lực và thịnh vượng quốc gia. Khu vực kinh tế tư nhân cũng vì sự chen lấn của khu vực kinh tế nhà nước mà mất đà và mất đi sự máu lửa trong kinh doanh.
“Lâu nay, chúng ta vẫn nói là huy động tối đa các nguồn lực, nhưng chỉ khi sử dụng hiệu quả nguồn lực nhà nước thì các dòng chảy nguồn lực khác mới được khơi thông, để từ đó đổ vào nền kinh tế”, ông Cung thừa nhận.
Cũng phải nhắc lại, trong các nghiên cứu của CIEM, tổng tài sản của các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước theo sổ sách là 148 tỷ USD, nhưng thực tế còn lớn hơn nhiều vì chưa tính tới giá trị sử dụng đất, các nguồn tài nguyên và các lợi thế khác. Nếu cộng thêm tài sản của các doanh nghiệp có vốn chi phối của Nhà nước, con số này lên tới 275 tỷ USD; tính cả giá trị tài sản của các tổ chức sự nghiệp thì sẽ thêm 50 tỷ USD...
Xét quan hệ giữa doanh nghiệp nhà nước và tiềm năng tăng trưởng kinh tế, với quy mô tài sản hiện tại, các chuyên gia CIEM cũng đã tính, nếu tăng hiệu quả sử dụng khối tài sản này thêm 1%, thì phần giá trị gia tăng lợi nhuận từ phần vốn nhà nước có thể tương đương 0,8 - 0,9% GDP hàng năm.
Nhìn vào bài tính này, có thể thấy, nếu những nguồn lực trong doanh nghiệp nhà nước thực sự được khơi dậy, sử dụng đúng, thì trong giai đoạn phát triển 5 - 10 năm tiếp theo, doanh nghiệp nhà nước không chỉ đóng vai trò góp phần phát triển kinh tế và cung cấp sản phẩm nền tảng, thiết yếu, mà còn đủ khả năng và cần phải được xác định là động lực trực tiếp của tăng trưởng kinh tế.
Những bước chân trở lại mạnh dần lên
Khi còn ở vị trí thủ lĩnh của Viettel, ông Nguyễn Mạnh Hùng thường nhắc tới khát vọng Viettel sẽ trở thành một tập đoàn toàn cầu. Viettel cũng xác định đi đầu trong cuộc cách mạng 4.0 với vai trò dẫn dắt và lan tỏa cả về công nghệ, dịch vụ, mô hình kinh doanh, nghiên cứu và phát triển...
Ngay cả Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), dù do đặc thù nên chưa thể vận hành theo cơ chế thị trường, cũng đang nổi lên là doanh nghiệp điển hình trong ứng dụng dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, Internet vạn vật... trong xây dựng mạng lưới điện thông minh, kinh doanh và dịch vụ khách hàng... Thậm chí, nỗ lực này của EVN có vai trò quyết định trong việc nâng 32 bậc của Chỉ số Tiếp cận điện năng của Việt Nam trong Bảng xếp hạng Môi trường kinh doanh (Doing Business) năm 2018 so với năm trước.
“Đây là câu chuyện đáng ghi thành sách. Từ năm 2013, EVN đã mời chuyên gia của Ngân hàng Thế giới (WB) cùng phân tích chỉ số, khảo sát thực tế để xem điểm nghẽn ở đâu, qua đó tìm ra được cách thức thay đổi. 5 năm liên tục, EVN từng bước cải thiện chỉ số này qua các ứng dụng công nghệ, chứ không phải một sớm một chiều, nhưng cả trăm ngàn doanh nghiệp và môi trường kinh doanh Việt Nam được hưởng lợi”, bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (CIEM) nhận định.
Năm 2013, chỉ số này của Việt Nam đứng 156/189; năm 2015, chỉ số này là 108/189. Năm 2018, Việt Nam xếp hạng 64/190, vượt qua Trung Quốc (98/190), Canada (105/190), Mexico (92/190), Israel (77/190)... và là nền kinh tế có Chỉ số Tiếp cận điện năng cải thiện vị trí nhiều nhất ASEAN.
Nhưng các chuyên gia CIEM có khát vọng lớn hơn. Đó là, đến năm 2030, có ít nhất 4 - 5 tập đoàn, tổng công ty nhà nước niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán lớn trên thế giới như Hồng Kông,
Singapore, New York…; có 2 - 3 doanh nghiệp thuộc danh sách 500 doanh nghiệp lớn nhất theo xếp hạng của các tổ chức quốc tế có uy tín.
Nhìn tổng thể, kết quả tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước trong 3 năm qua, dù chưa thực sự hoàn tất toàn bộ mục tiêu đề ra, nhưng có nhiều điểm sáng để đặt ra các mục tiêu cao hơn.
Từ năm 2016 đến nay, doanh nghiệp nhà nước chưa phát sinh mới các vụ việc kinh doanh thua lỗ đặc biệt nghiêm trọng, gây bức xúc dư luận như giai đoạn trước. 7 tập đoàn kinh tế đã có tiến bộ về kết quả kinh doanh. Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2017 cho thấy, tổng lợi nhuận trước thuế của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam năm 2017 đạt 453,6 tỷ đồng (năm 2016 lỗ 207,1 tỷ đồng); PVN đạt 48.220 tỷ đồng (năm 2016 là 26.463 tỷ đồng), Viettel đạt 44.287 tỷ đồng (năm 2016 là 39.091 tỷ đồng)...
Việc xử lý 12 dự án thua lỗ, yếu kém trong ngành công thương đã có kết quả tích cực sau hơn một năm triển khai thực hiện. Trong số 6 nhà máy thua lỗ thì đã có 2 nhà máy hoạt động sản xuất - kinh doanh có lãi, 4 dự án còn lại đã từng bước giảm lỗ và dần đi vào ổn định...
Nhưng không thể không nhắc đến tỷ suất lợi nhuận trên tài sản, trên vốn nhà nước của khu vực này mới đạt tương ứng là 4,6% và 10% trong năm 2016. Trong khi đó, khu vực này đã từng đạt 7% tỷ suất lợi nhuận trên tài sản, 18% tỷ suất lợi nhuận trên vốn nhà nước.
Hiện tại, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã nhận đủ 19 tập đoàn, tổng công ty nhà nước, là bước đi dài tới mục tiêu tách chức năng đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước ra khỏi các cơ quan quản lý hành chính nhà nước, từ đó cải thiện chất lượng quản trị doanh nghiệp nhà nước.
Cùng với đó, quá trình cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước dù không đạt kế hoạch về số lượng, nhưng đã đi vào thực chất và có chiều sâu. Trong giai đoạn 2016 - 8/2018, bán đấu giá cổ phần hóa và thoái vốn đạt 145.574,38 tỷ đồng, tăng 447% so với giá trị cổ phần theo mệnh giá.
“Có cơ sở để kỳ vọng và đặt mục tiêu cho doanh nghiệp nhà nước trong giai đoạn 2020 - 2025 phải đạt hiệu suất sinh lời của vốn chủ sở hữu ở mức 15%/năm; hiệu suất sinh lời của tài sản 7 - 9%/năm với các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh. Nhưng để đạt được, cải cách thể chế và cải thiện quản trị doanh nghiệp phải là chìa khóa”, ông Cung nói.
(Còn tiếp)
-
Đoàn doanh nghiệp dự Hội nghị Logistics 2024 đến tham quan Cảng Quốc tế Long An -
Chính thức hợp nhất 2 công ty vận tải đường sắt, xóa cảnh cạnh tranh nội bộ -
Hoạt động kinh doanh bất động sản của Hodeco (HDC) vẫn giảm mạnh -
Sản xuất của Việt Nam phục hồi trở lại trong tháng 10/2024 -
ABeam Consulting dẫn đầu cuộc cách mạng chuỗi cung ứng -
T&T Group và JTA hợp tác phát triển Tổ hợp thể thao, công viên Disneyland tại Hà Nội -
Lãi ròng 28 tỷ quý III, Nafoods hoàn thành 71% kế hoạch lợi nhuận sau 9 tháng
- Công ty TNHH Thiết bị Dầu khí Schoeller Bleckmann Việt Nam nhận Giải thưởng Doanh nghiệp Xuất sắc châu Á 2024
- C.P. Việt Nam tham gia hợp tác công tư thúc đẩy chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm
- THILOGI - trợ lực lớn cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu
- Chứng khoán Nhất Việt nhận giải “Doanh nghiệp xuất sắc” tại Giải thưởng Doanh nghiệp châu Á 2024
- Đa dạng mô hình kinh doanh hấp dẫn tại Yên Bình New Horizon
- Bà Ngô Thu Hà được vinh danh là Doanh nhân xuất sắc châu Á 2024