Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Doanh nghiệp nhà nước không thể buông lơi nhiệm vụ
Bảo Duy - 24/09/2018 14:34
 
Việc doanh nghiệp nhà nước (DNNN) vượt rất xa doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) về nộp ngân sách tính bình quân trên một doanh nghiệp - như kết quả tổng điều tra mà Tổng cục Thống kê vừa công bố, đã tái khẳng định vị trí quan trọng của khu vực này đối với nền kinh tế.

Nhưng đáng ra, các DNNN phải làm được nhiều hơn thế.

Kết quả điều tra cho thấy, mặc dù số DNNN chiếm tỷ lệ nhỏ trong tổng số doanh nghiệp đang hoạt động (0,5%), nhưng nguồn vốn của khu vực này chiếm tới 28,4% tổng nguồn vốn của toàn bộ khu vực doanh nghiệp. Quy mô vốn bình quân trên mỗi doanh nghiệp của khu vực này cũng ở mức cao nhất: 3.000 tỷ đồng/doanh nghiệp. Phần lớn doanh nghiệp có thời gian hoạt động hàng chục năm.

.
Các doanh nghiệp nhà nước phải trở lại là một động lực phát triển của nền kinh tế, ở vai trò là khu vực nắm giữ nguồn lực lớn, quan trọng của đất nước

Nhưng đây lại là khu vực có tỷ trọng doanh thu thuần thấp nhất, theo kết quả điều tra.    

Hiệu suất sinh lời trên tài sản (tính bằng tổng lợi nhuận trước thuế/tổng tài sản) năm 2016 của khu vực này cũng chỉ đạt 2,6%, dù cao hơn mức 1,4% của khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước, nhưng lại thấp hơn rất xa mức 6,9% của các doanh nghiệp FDI. Đó là chưa kể các tài sản và nguồn lực đặc biệt quan trọng cho phát triển kinh tế như hệ thống hạ tầng, kho bãi, mạng truyền tải điện, mạng viễn thông, hệ thống cung cấp xăng dầu, mạng lưới các cơ sở cung cấp tài chính, tín dụng...

Giới chuyên gia kinh tế tính toán rằng, xét trong quan hệ giữa doanh nghiệp 100% vốn nhà nước và tiềm năng tăng trưởng kinh tế, với quy mô tài sản hiện tại là 3,05 triệu tỷ đồng, nếu tăng hiệu quả sử dụng tài sản thêm 1%, thì GDP của nền kinh tế Việt Nam có khả năng tăng thêm 0,8- 0,9%.

Cũng phải nói thêm, trong quá khứ, khu vực doanh nghiệp nhà nước đã từng đạt 7% tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản, 18% tỷ suất lợi nhuận trên vốn nhà nước. Với các điều kiện kinh doanh, môi trường đầu tư, cơ chế chính sách hiện tại, các các công ty cổ phần có vốn nhà nước cũng đang đạt tỷ suất lợi nhuận 14-19%.

Rõ ràng, những gì mà doanh nghiệp nhà nước đang đóng góp cho nền kinh tế thấp xa hơn những gì mà khu vực này đang nhận được, nhưng tiềm lực để cải thiện nhanh tình trạng này lại rất lớn, có thể thực hiện ngay. Một lần nữa, nguyên tắc hoạt động theo cơ chế thị trường, tuân thủ các kỷ luật thị trường của khu vực này được nhắc tới.

Khi đó, các doanh nghiệp nhà nước sẽ phải trở lại là một động lực phát triển của nền kinh tế, ở vai trò là khu vực nắm giữ nguồn lực lớn, quan trọng, phải là nơi kích hoạt những dòng vốn mới. Vai trò của doanh nghiệp nhà nước sẽ càng tăng khi các kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước ra khỏi các khu vực nhà nước không cần nắm giữ được thực hiện theo nguyên tắc bán hàng chất lượng, giá cao và dành cho những nhà đầu tư thực sự có tiềm lực.

Chưa bao giờ, đòi hỏi nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước hết tính thời sự và có lẽ cũng chưa khi nào, đòi hỏi này lại cấp bách như hiện nay.

Thoái vốn, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước: Ứng xử khôn ngoan với thị trường
Ứng xử khôn ngoan với thị trường bằng các chiến thuật rõ ràng sẽ quyết định hiệu quả thoái vốn, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư