Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 25 tháng 12 năm 2024,
Từng bước giải cơn khát băng tần của các nhà mạng
Tú Ân - 26/02/2023 07:56
 
Sau nhiều chờ đợi, Bộ Thông tin và Truyền thông đã phê duyệt phương án tổ chức đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện đối với băng tần 2.300 - 2.400 MHz.

Tối thiểu thu về hơn 17.300 tỷ đồng từ đấu giá

Ông Phạm Đức Long, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông vừa ký Quyết định số 219/QĐ-BTTTT phê duyệt phương án tổ chức đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện với băng tần 2.300-2.400 MHz cho hệ thống thông tin di động mặt đất theo tiêu chuẩn quốc tế IMT.

Theo đó, điều kiện tham gia đấu giá được quy định tại Điều 11, Nghị định số 88/2021/NĐ-CP ngày 1/10/2021 của Chính phủ về thu tiền cấp quyền sử dụng tần số vô tuyến điện, đấu giá, cấp phép, chuyển nhượng quyền sử dụng tần số vô tuyến điện đối với băng tần, cũng như tuân thủ quy định của pháp luật về viễn thông đối với sở hữu trong kinh doanh dịch vụ viễn thông, hình thức, điều kiện và tỷ lệ phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài.

Doanh nghiệp tham gia đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện đối với băng tần 2.300-2.400 MHz có thể triển khai mạng và dịch vụ viễn thông sử dụng công nghệ IMT-Advanced (4G) hoặc IMT-2020 (5G). Nguyên tắc là, doanh nghiệp triển khai công nghệ nào (căn cứ hồ sơ đề nghị xét duyệt đủ điều kiện tham gia đấu giá) sẽ áp dụng yêu cầu triển khai mạng viễn thông với công nghệ tương ứng (IMT-Advanced/ IMT-2020).

Theo Quyết định số 219/QĐ-BTTTT, các khối băng tần đấu giá gồm A1: 2.300 - 2.330 MHz; A2: 2.330 - 2.360 MHz; A3: 2.360 - 2.390 MHz. Giá khởi điểm được xác định theo quy định tại khoản 1, Điều 10, Nghị định số 88/2021/NĐ-CP là trên 5.798 tỷ đồng/khối với cả 3 khối, bước giá là 10 tỷ đồng/khối.

Tiền đặt trước áp dụng tại cuộc đấu giá với 3 khối băng tần là 580 tỷ đồng/khối. Hình thức tổ chức đấu giá bằng bỏ phiếu trực tiếp tại cuộc đấu giá. Các khối băng tần được đấu giá lần lượt theo thứ tự khối A1, khối A2 và khối A3. Doanh nghiệp đã trúng đấu giá một khối băng tần thì không được tham gia đấu giá các khối băng tần tiếp theo.

Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đưa ra yêu cầu thời hạn triển khai mạng 4G và 5G sử dụng băng tần 2.300-2.400 MHz. Đáng chú ý, yêu cầu với nhà mạng triển khai mạng 5G sau 2 năm kể từ ngày được cấp phép là phủ sóng tối thiểu 200 địa bàn hành chính cấp huyện và tối thiểu 1.000 địa bàn hành chính cấp xã; triển khai tối thiểu 15.000 trạm BTS 5G đến hết thời hạn của giấy phép…

Đến hết năm 2023, sẽ hoàn thành đấu giá

Theo ông Lê Văn Tuấn, Cục trưởng Cục Tần số vô tuyến điện, đơn vị này đang tích cực chuẩn bị các thủ tục, quy trình đấu giá băng tần, như xác định giá khởi điểm, phương án đấu giá, tổ chức đấu giá… Dự kiến quý II/2023, việc đấu giá được tổ chức để sớm cấp phép cho nhà mạng sử dụng băng tần này cung cấp dịch vụ 4G tới khách hàng.

Ông Đào Xuân Vũ, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội (Viettel) cho biết, Tập đoàn đã sẵn sàng để khi Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức đấu giá, phải đạt được mục tiêu có tần số để triển khai dịch vụ 5G. Dự kiến, Viettel sẽ triển khai 5.000 trạm 5G, bên cạnh việc mạng 4G tiếp tục được đầu tư, triển khai mở rộng và trở thành mạng chủ đạo trong giai đoạn đến năm 2025 với các băng tần số sẽ được bổ sung và sắp xếp lại theo thứ tự.

Trong khi đó, ông Nguyễn Nam Long, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông Việt Nam (VNPT) chia sẻ, công nghệ 5G là một trong những công nghệ cốt lõi cho hạ tầng số và quan trọng trong việc cung cấp dịch vụ viễn thông và dịch vụ số của Việt Nam trong thời gian tới. Năm 2023, VNPT sẽ tiếp tục thử nghiệm công nghệ 5G, hướng tới sẵn sàng phủ sóng 5G trên toàn quốc trong giai đoạn tới năm 2025.

Có thể thấy, việc đấu giá băng tần 2.300 - 2.400 MHz có thể giúp giải quyết cơn khát băng tần 4G của nhà mạng hiện nay, đồng thời giúp nhà mạng có băng tần để thử nghiệm thương mại 5G. Tuy nhiên, để đạt mục tiêu phủ sóng 4G 100% vào năm 2024, vẫn cần quy hoạch, đấu giá thêm các băng tần 2,6 GHz và 3,5 GHz.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư