Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 28 tháng 03 năm 2024,
Từng coi TPP là "thảm họa", Tổng thống Trump bất ngờ muốn Mỹ tái tham gia TPP
Lan Chi - 13/04/2018 09:40
 
Hôm qua (12/4), Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chính thức chỉ đạo Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer và cố vấn kinh tế Larry Kudlow nghiên cứu việc tái tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) - nay đã được đổi tên thành Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Từ chỗ kịch liệt phản bác TPP, nay ông Trump lại muốn nước Mỹ tham gia hiệp định này
Từ chỗ kịch liệt phản bác TPP, nay ông Trump lại muốn nước Mỹ tham gia hiệp định này

Khi là ứng viên tranh cử Tổng thống Mỹ năm 2016, ông Donald Trump đã coi TPP là “một thảm họa” và là “sự hãm hại nước Mỹ”. Và khi vừa lên nắm quyền, Donald Trump đã tuyên bố nước Mỹ rút khỏi TPP, coi động thái này là một việc làm rất có ý nghĩa với lao động Mỹ.

Tuy nhiên, chỉ hơn 1 năm sau, ông Trump lại tỏ ý muốn quay lại với TPP.

Hôm qua, bà Lindsay Walters, Phó thư ký Nhà Trắng cho biết, Tổng thống Donald Trump đã chỉ đạo ông Robert Lighthizer, Đại diện Thương mại Mỹ và ông Larry Kudlow, cố vấn kinh tế quốc gia nghiên cứu việc nước Mỹ tái tham gia thỏa thuận thương mại trên.

Nỗ lực tái tham gia TPP là động thái mới nhất trong chính sách thương mại thất thường của chính quyền Tổng thống Donald Trump. Nước này vừa tấn công trên một loạt mặt trận thương mại. Đó là sự leo thang căng thẳng thương mại với Trung Quốc, có nguy cơ dẫn đến một cuộc chiến thương mại. Đó là việc gây áp lực với Canada và Mexico, đòi sửa đổi Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA), đòi các nước Bắc Mỹ này phải nhân nhượng để đổi lại việc được miễn thuế nhập khẩu thép và nhôm. Đó là việc thúc ép Hàn Quốc phải có nhân nhượng trong quan hệ thương mại song phương và Mỹ đã đạt được mục tiêu này…

Sau khi Mỹ rút khỏi TPP, các nước thành viên còn lại của tổ chức này vẫn quyết tâm tiến lên phía trước. Tháng trước, 11 nước thành viên đã ký kết hiệp định này tại Chile, đổi tên TPP thành Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Hiệp định này còn phải được Quốc hội một số nước phê chuẩn. CPTPP bao gồm một khu vực rộng lớn, với 500 triệu dân, chiếm 13% nền kinh tế thế giới.

Từ đầu năm nay, một số quan chức Mỹ cũng đã nêu quan điểm về khả năng nước Mỹ tái tham gia TPP và cũng có lần, chính Tổng thống Donald Trump cũng nói bóng gió về vấn đề này, song thông tin chính thức mà ông Donald Trump đưa ra hôm 12/4 vẫn làm không ít nhà quan sát và đồng minh của ông Trump ngạc nhiên.

Ngay ông Mike Pompeo, người được Donald Trump lựa chọn giữ Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ cũng cho biết, ông hoàn toàn không biết gì về việc này.

Động thái mới của ông Donald Trump đã được các các nhà làm luật ở một số bang có ngành nông nghiệp phát triển hoan nghênh. Lý do là, tham gia hiệp định này, nông dân Mỹ sẽ được hưởng lợi nhiều từ việc thâm nhập các thị trường lớn như Nhật Bản, Australia...

Thêm nhiệm vụ nghiên cứu việc tái tham gia TPP, công việc của Đại diện Thương mại Mỹ xem ra quá tải, bởi họ đang phải đàm phán hiệp định NAFTA mới với Canada và Mexico, phải đánh giá hàng loạt mức thuế quan mà ông Trump đe dọa sẽ áp dụng đối với Trung Quốc.

Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP): Lợi ích không chỉ nằm ở các con chữ
Các doanh nghiệp Việt Nam kỳ vọng CPTPP sẽ mở thêm thị trường mới. Nhưng cơ hội chỉ có thể chạm được khi từng điều khoản của hiệp định...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư