Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 26 tháng 12 năm 2024,
Tiêu điểm đầu tư tuần qua
Tuyến metro 1,5 tỷ USD và nhà đầu tư Dự án BOT cầu Văn Lang lo phá sản
Hồ Hạ (Tổng hợp) - 06/07/2019 09:53
 
Hà Nội tính vay 1,5 tỷ USD làm tuyến metro số 3 ga Hà Nội - Hoàng Mai; nhà đầu tư Dự án BOT cầu Văn Lang lo phá sản; đầu tư 74 tỷ đồng xây dựng khu tái định cư phục vụ dự án cao tốc Bắc – Nam… là những thông tin về đầu tư đáng chú ý trong tuần này.

Hà Nội tính vay 1,5 tỷ USD làm tuyến metro số 3 ga Hà Nội - Hoàng Mai

UBND TP.Hà Nội vừa có tờ trình số 90/TRR-UBND gửi HĐND TP về việc đưa dự án tuyến đường sắt đô thị số 3, đoạn ga Hà Nội - Hoàng Mai, vào danh mục dự án đầu tư từ vốn vay của chính quyền địa phương (vốn vay ODA và vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài).

Hà Nội dự kiến vay 1,5 tỷ USD làm tuyến metro số 3  đoạn ga Hà Nội - Hoàng Mai
Hà Nội dự kiến vay 1,5 tỷ USD làm tuyến metro số 3 đoạn ga Hà Nội - Hoàng Mai

Theo đó, Dự án này tuyến đường sắt đô thị số 3, đoạn ga Hà Nội - Hoàng Mai có tổng mức đầu tư dự kiến là hơn 1,752 tỷ USD (tương đương hơn 40.576 tỷ đồng), trong đó, vay ODA dự kiến hơn 1,481 tỷ USD (khoảng 32.296 tỷ đồng), vốn đối ứng của ngân sách Thành phố là 271 triệu USD (khoảng 6.280 tỷ đồng). Dự kiến, riêng chi phí giải phóng mặt bằng là 86,1 triệu USD (1.993 tỷ đồng).

Nhà đầu tư Dự án BOT cầu Văn Lang lo phá sản

Công ty TNHH BOT Phú Hà vừa gửi văn bản kiến nghị tới Bộ GTVT và Tổng cục Đường bộ Việt Nam xin tháo gỡ khó khăn đối với Dự án BOT cầu Văn Lang vượt sông Hồng, nối liền Tp. Hà Nội và tỉnh Phú Thọ.

Nhà đầu tư Dự án BOT cầu Văn Lang đang lo vỡ phương án tài chính vì lượng xe qua lại quá thấp.
Nhà đầu tư Dự án BOT cầu Văn Lang đang lo vỡ phương án tài chính vì lượng xe qua lại quá thấp.

Theo đó, kể từ khi Dự án bắt đầu thu phí hoàn vốn (4/1/2019) cho đến cuối tháng 6/2019, lưu lượng xe qua cầu Văn Lang rất thấp, đạt 45% -50% so với dự báo (lưu lượng thực tế là 1.459 xe/ngày đêm so với lưu lượng dự báo là 2.846 xe/ngày đêm). Điều này dẫn tới doanh thu bình quân toàn Dự án hiện chỉ đạt 66 triệu đồng/ngày đêm và dự kiến đạt khoảng 24 tỷ đồng cho cả năm 2019, bằng 43% so với phương án tài chính tại Hợp đồng BOT (150 triệu đồng/ngày đêm và 55 tỷ đồng/năm).

Nguồn thu thực tế này thậm chí chưa đáp ứng được 1/4 chi phí lãi vay, chưa nói gì đến việc chi trả vốn gốc. Theo tính toán sơ bộ của nhà đầu tư, trong trường hợp doanh thu không tăng hoặc tăng trưởng lưu lượng chậm; phí dịch vụ không tăng, Dự án lỗ lũy kế trung bình khoảng 75 tỷ đồng/năm và sẽ “vỡ phương án tài chính” ngay cả khi có được Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền chấp thuận kéo dài thời gian hoàn vốn.

Nếu tình hình không cải thiện không chỉ nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án bị phá sản mà còn phát sinh nợ xấu cho các ngân hàng tài trợ vốn. Do đó, nhà đầu tư kiến nghị Bộ GTVT xem xét, báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ có phương án hỗ trợ đặc biệt cho nhà đầu tư hoặc bố trí mua lại quyền thu phí của Dự án.

Đầu tư 74 tỷ đồng xây dựng khu tái định cư phục vụ dự án cao tốc Bắc – Nam

Thông tin từ Sở Giao thông vận tải Khánh Hòa cho biết, để bố trí tái định cư (TĐC) cho 3 huyện, thành phố có đường cao tốc Bắc - Nam đi qua, các địa phương triển khai 7 khu TĐC, với tổng kinh phí hơn 74 tỷ đồng. UBND tỉnh Khánh Hòa đã thống nhất chủ trương cho việc quy hoạch này.

Hình minh họa.
Hình minh họa.

Theo đó, 7 khu TĐC này được bố trí tại huyện Diên Khánh có Diên Lộc và Suối Tiên; TP. Cam Ranh mỗi địa phương có 2 khu tại xã Cam Thịnh và Cam Phước Đông và huyện Cam Lâm có 3 khu TĐC  gồm Cam Đức, Suối Lau 2 và Tân Xương 2 cho người dân bị ảnh hưởng. UBND tỉnh đã thống nhất vị trí quy hoạch cho 7 khu TĐC trên.

Theo Sở Giao thông vận tải Khánh Hòa, tổng kinh phí giải phóng mặt bằng tại dự án cao tốc Nha Trang - Cam Lâm và Cam Lâm - Vĩnh Hảo được Bộ Giao thông vận tải duyệt hơn 862 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn cấp trong năm 2019 hơn 100 tỷ đồng, trong đó Diên Khánh 19 tỷ đồng, Cam Lâm 33 tỷ đồng và TP. Cam Ranh gần 49 tỷ đồng.

Đầu tư điện mặt trời… nguội dần

Các nhà đầu tư năng lượng tái tạo tỏ ra khá sốt ruột khi thời hạn áp dụng giá mua điện mặt trời cũ đã kết thúc (hết ngày 30/6/2019), nhưng chưa thấy mức giá mới, cũng như cách chia vùng áp dụng.

Lưới truyền tải không theo kịp sự có mặt của các Dự án điện mặt trời, khiến nhiều Dự án được yêu cầu giảm công suất phát.
Lưới truyền tải không theo kịp sự có mặt của các dự án điện mặt trời, khiến nhiều dự án được yêu cầu giảm công suất phát.

Mốc 1/7/2019 để đưa ra mức giá mới cho điện mặt trời đã được biết từ cách đây 2 năm, khi Quyết định 11/2017/QĐ-TTg được ban hành vào tháng 4/2017. Tại Quyết định này, mức giá 9,35 UScent/kWh được công bố sẽ áp dụng đến hết ngày 30/6/2019.

Được biết, Bộ Công thương đã vài lần đưa ra dự thảo giá điện mặt trời áp dụng từ ngày 1/7/2019 để các bên góp ý kiến, nhưng quyền quyết định cuối cùng thuộc về Chính phủ, tương tự Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg trước đây.

Bên cạnh đó, để xây dựng chính sách giá cho điện mặt trời sau ngày 30/6/2019 và về lâu dài, Dự án hỗ trợ kỹ thuật “Năng lượng tái tạo và Hiệu quả năng lượng” đã được thực hiện bởi Tổ chức Hợp tác và Phát triển của Đức (GIZ) và Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công thương).

Ông Nguyễn Văn Thành, Phó cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cho hay, Cục đã đặt hàng tính toán và có tới 81 kịch bản liên quan đến giá cho điện mặt trời nhằm có một cách nhìn khách quan.

Quảng Ngãi gọi vốn vào nắng và gió

Theo nhìn nhận của các chuyên gia kinh tế, khí hậu biến đổi không theo chu kỳ, trái đất ngày một nóng lên, nhu cầu sử dụng năng lượng cho sản xuất và sinh hoạt tăng cao, nên đầu tư năng lượng tái tạo không những là xu thế, mà còn là nhu cầu cấp bách.

Khánh thành Nhà máy Điện mặt trời Mộ Đức.
Quảng Ngãi được xem là một trong những tỉnh, thành phố có tiềm năng lớn nhất về phát triển điện mặt trời.

Theo khảo sát của Viện Năng lượng (thuộc EVN), với số giờ nắng trung bình trong năm khá lớn, bức xạ mặt trời cao, Quảng Ngãi được xem là một trong những tỉnh, thành phố có tiềm năng lớn nhất về phát triển điện mặt trời.

Quảng Ngãi đang rà soát, đánh giá các vị trí tiềm năng, mặt bằng phù hợp để thu hút các dự án trong lĩnh vực này. Đồng thời, tỉnh đưa ra các chính sách thu hút đầu tư hấp dẫn, như ưu giá thuê đất thấp nhất trong nước, hỗ trợ giải phóng mặt bằng và đào tạo lao động cho nhà đầu tư. Tỉnh cũng hỗ trợ và tạo điều kiện tốt nhất cho các nhà đầu tư đến tìm hiểu, khảo sát đầu tư các dự án trên địa bàn.

Bên cạnh điện mặt trời, Quảng Ngãi cũng được đánh giá cao về năng lượng điện gió, đặc biệt ở khu vực miền biển. Đảo Lý Sơn cách đất liền gần 30 km là vị trí được thiên nhiên hào phóng cho nguồn năng lượng gió và điện mặt trời vô tận.

Đầu tư hơn 6.000 tỷ đồng cho Dự án xi măng Hoàng Mai 2 (Giai đoạn 1)

Theo báo cáo của Ban quản lý Khu kinh tế Đông Nam, tổng mức đầu tư của Dự án xi măng Hoàng Mai 2, Giai đoạn 1 là hơn 6.000 tỷ đồng, thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ.

Dự án xi măng Hoàng Mai 2, giai đoạn 1 có tổng vốn đầu tư hơn 6.000 tỷ đồng, thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ.
Dự án xi măng Hoàng Mai 2, giai đoạn 1 có tổng vốn đầu tư hơn 6.000 tỷ đồng, thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ.

Với việc Dự án Xi măng Hoàng Mai 2 sẽ được đầu tư xây dựng trong thời gian tới, tiếp tục đưa Nghệ An thành địa phương có nhiều nhà máy xi măng với sản lượng xi măng cao trong cả nước. Điển hình là Xi măng Sông Lam giai đoạn 1, công suất 4,5 triệu tấn; Dự án xi măng Sông Lam 2 (tiền thân là Xi măng Dầu khí 12/9) gần 700.000 tấn. Ngoài ra, Giai đoạn 2 Xi măng Sông Lam 3 triệu tấn đang trong giai đoạn đầu tư; Dự án xi măng Tân Thắng 2 triệu tấn đang đầu tư, dự kiến đưa vào vận hành đầu 2020

3,75 tỷ USD vốn Nhật Bản sắp đổ bộ vào Hà Nội

Ngày 1/7, tại Tokyo (Nhật Bản), trong khuôn khổ chuyến công tác tháp tùng Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thăm và làm việc tại Nhật Bản từ ngày 30/6-1/7,  Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung và đại diện các tập đoàn hàng đầu Nhật Bản đã trao đổi các biên bản ghi nhớ (MOU) về việc hợp tác để thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn thành phố với tổng số vốn cam kết lên tới 3,75 tỷ USD.

Chủ tịch Thành phố Nguyễn Đức Chung và đại diện các tập đoàn Nhật Bản trao đổi các biên bản ghi nhớ (MOU) về việc hợp tác đầu tư vào nhiều Dự án trên địa bàn Thành phố. Ảnh: Thùy Linh
Chủ tịch Thành phố Nguyễn Đức Chung và đại diện các tập đoàn Nhật Bản trao đổi các biên bản ghi nhớ (MOU) về việc hợp tác đầu tư vào nhiều dự án trên địa bàn Thành phố. Ảnh: Thùy Linh

Trong số này, đáng chú ý có biên bản ghi nhớ giữa UBND TP Hà Nội với Sumitomo và BRG về 2 dự án công trình hỗn hợp Việt Nhật ở quận Tây Hồ và xây dựng phát triển Khu Công nghiệp Đông Anh ở huyện Đông Anh với tổng số vốn đầu tư 3 tỷ USD. Biên bản với Nidec về một số dự án đầu tư, trong đó có dự án sản xuất và kinh doanh thiết bị, linh kiện điện tử công nghệ cao, sản xuất các thiết bị mới, đáp ứng yêu cầu công nghệ 4.0.

Với Công ty Cổ phần IDS Equity Holdings và các nhà đầu tư Nhật Bản về các dự án văn phòng, khách sạn tại Hà Nội với tổng vốn đầu tư đến 500 triệu USD; với Công ty TNHH AeonMall Việt Nam về dự án Trung tâm thương mại AeonMall Bắc Từ Liêm với vốn đầu tư dự kiến 250 triệu USD. Năm 2018, Hà Nội đã dẫn đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Đến 30/6/2019, Thành phố vẫn duy trì vị trí này với 5,03 tỷ USD. Lũy kế vốn FDI trên địa bàn Hà Nội là 41,2 tỷ USD, trong đó có 4.850 Dự án còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký 34,2 tỷ USD, và 1.850 lượt nhà đầu tư thực hiện góp vốn mua cổ phần với tổng vốn đăng ký 7 tỷ USD…

Chỉ thu được 66 triệu đồng mỗi ngày, nhà đầu tư Dự án BOT cầu Văn Lang lo phá sản
Dự án đầu tư xây dựng cầu Việt Trì – Ba Vì nối Quốc lộ 32 với Quốc lộ 32C theo hình thức BOT (cầu Văn Lang) vừa gia nhập danh sách các dự án BOT...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư