Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 20 tháng 05 năm 2024,
Tỷ giá khó biến động
Thùy Vinh - 22/11/2014 08:02
 
Ông Nguyễn Tiến Đạt, Giám đốc Thị trường vốn Ngân hàng HSBC Việt Nam cho rằng, giai đoạn cuối năm, do nhu cầu thanh toán tăng, nên cầu ngoại tệ tăng theo, nhưng đây cũng là thời điểm dòng kiều hối gia tăng.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Tỷ giá tăng không có gì bất thường
Tỷ giá tăng do tâm lý, không có lý do điều chỉnh
Ngân hàng “xả” ngoại tệ, tỷ giá nóng lên
Ngân hàng Nhà nước đủ thực lực thực hiện cam kết

Nhiều người cho rằng, tỷ giá biến động mấy ngày qua là do ngân hàng tăng mua. Theo ông đâu là nguyên nhân?

Nguyên nhân tỷ giá USD/VND tăng là do, trong tháng 9 và tháng 10 Việt Nam đã nhập siêu khoảng 1 tỷ USD và việc dòng vốn đầu tư gián tiếp đảo chiều sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) ngừng gói hỗ trợ nới lỏng định lượng 3 (QE3).

   
  Ông Nguyễn Tiến Đạt, Giám đốc Thị trường vốn Ngân hàng HSBC Việt Nam  

Bên cạnh đó, thanh khoản nguồn vốn bằng tiền đồng tốt trong tháng 10 và lãi suất thấp tạo điều kiện để các ngân hàng thương mại (NHTM) tăng cường mua ngoại tệ. Đặc biệt, nhu cầu mua ngoại tệ tăng lên gần đây khi tỷ giá thị trường chạm mốc tâm lý 21.300 đồng/USD và một số NHTM đã mua USD vào thêm để quản lý trạng thái ngoại hối của họ.

Ông đánh giá thế nào về cung - cầu ngoại tệ trong ngân hàng và nhu cầu vốn USD của doanh nghiệp?

Thông thường nhu cầu ngoại tệ về cuối năm thường cao hơn, chủ yếu do nhu cầu thanh toán tăng. Đồng thời các NHTM cũng có xu hướng giảm bớt trạng thái ngoại hối để phòng ngừa rủi ro. Tuy nhiên, thị trường dự kiến rằng, sẽ không có sự chênh lệch cung - cầu quá lớn, bởi cuối năm cũng thường là mùa cao điểm của dòng tiền kiều hối. Về vốn tín dụng ngoại tệ, chúng tôi chưa thấy nhu cầu nào bất thường từ phía doanh nghiệp. Các doanh nghiệp vay ngoại tệ phải chứng minh được rằng, họ có nguồn thu bằng ngoại tệ để trả nợ. Số lượng doanh nghiệp có thể đáp ứng được điều kiện này cũng không đáng kể.

Doanh nghiệp cho rằng, vay ngoại tệ lúc này không chỉ được lãi suất thấp mà còn thêm sự ổn định của tỷ giá. Theo ông, rủi ro đối với sử dụng vốn ngoại tệ lúc này có đáng ngại?

Mặc dù việc vay vốn ngắn hạn bằng ngoại tệ có thể giúp tiết kiệm được đến 1%/quý tiền lãi, nhưng các doanh nghiệp sẽ phải cẩn trọng về rủi ro tỷ giá nếu nguồn doanh thu ngoại tệ trong thời gian sắp tới không được bảo đảm. Trong trường hợp như vậy, các doanh nghiệp nên chuyển sang vay tiền đồng hoặc sử dụng các công cụ phòng ngừa rủi ro tỷ giá như mua kỳ hạn để giảm thiểu thiệt hại liên quan đến biến động của tỷ giá.

Nhận định của ông về xu hướng tỷ giá từ nay đến hết Tết Nguyên đán và liệu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có điều chỉnh tăng thêm biên độ tỷ giá trong năm nay?

Thông thường, nhu cầu thanh toán của doanh nghiệp trong thời gian này có tăng lên, nhưng cho đến nay, về cơ bản, cán cân thanh toán tổng thể của Việt Nam vẫn thặng dư (9 tháng đầu năm thặng dư 11 tỷ USD - theo như Thống đốc NHNN báo cáo trước Quốc hội vào cuối tháng 9/2014 vừa qua) nên các nhu cầu ngoại tệ của doanh nghiệp và cá nhân vẫn sẽ được đáp ứng đầy đủ. Đồng thời, nguồn kiều hối đổ vào giai đoạn trước Tết chắc chắn sẽ là một nguồn cung dồi dào cho thị trường để đảm bảo tỷ giá ổn định.

Trước diễn biến lãi suất giảm thấp, vàng giảm và ngoại tệ khó biến động, bất động sản, chứng khoán chưa thực sự ấm lên, theo ông, lúc này có tiền nhàn rỗi nên đầu tư vào đâu?

Tôi cho rằng, gửi tiết kiệm là kênh đầu tư đảm bảo được tiêu chí vừa bảo toàn vốn vừa sinh lời. Nếu so sánh mức lãi suất tiết kiệm tiền đồng hiện nay với dự báo về lạm phát trong thời gian tới (+2,90% cho cả năm 2014 và +5,80% cho cả năm 2015 – Khối nghiên cứu kinh tế HSBC) thì mức lãi suất này vẫn là thực dương.

Thực tế, đây có thể là kênh đầu tư tốt vào lúc này khi các loại tài sản khác trên thị trường đang có mức biến động lớn.

Thưa ông, với tình hình lạm phát hiện nay, lãi suất sẽ theo chiều hướng nào vào đầu năm 2015?

Thanh khoản thị trường vốn có thể sẽ gặp một số khó khăn vào đầu năm 2015 và trước Tết Nguyên đán, khi nhu cầu sử dụng vốn tăng cao phục vụ cho các kỳ nghỉ dài. Tuy nhiên, với diễn biến lạm phát ở mức thấp và chủ trương nhất quán của Chính phủ là giữ vững lãi suất thấp để hỗ trợ nền kinh tế, chúng tôi dự kiến sẽ không có biến động lớn nào về lãi suất vào đầu năm 2015.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư