Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 26 tháng 04 năm 2024,
Tỷ giá ổn định trước biến động của các đồng tiền mạnh trên thế giới
Thùy Vinh - 27/08/2019 19:31
 
Trước áp lực đồng nhân dân tệ (CNY) mất giá trong bối cảnh thương chiến Mỹ - Trung leo thang và đồng đôla Mỹ tăng giá, vàng biến động mạnh trên thị trường thế giới, diễn biến của tỷ giá tiền đồng vẫn giao dịch ổn định trong thời gian qua và dự báo khó biến động trong nửa cuối năm nay.
TIN LIÊN QUAN

Tỷ giá trung tâm tăng 16 đồng

Mở cửa phiên giao dịch ngày 27/8 trên thị trường thế giới, tỷ giá ngoại tệ biến động mạnh. Chỉ số US Dollar Index (DXY), đo lường biến động đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF) tăng 0,44% lên mức 97,960 điểm.

Tỷ giá euro so với USD đạt 1,1100. Tỷ giá đồng bảng Anh so với USD tăng 0,05% lên 1,2220. Tỷ giá USD so với yen Nhật giảm 0,04% lên 106,06.  Đồng Đô la Mỹ đã tăng trở lại trong phiên giao dịch sáng nay sau khi xung đột thương mại giữa 2 nền kinh tế dẫn đầu thế giới xuất hiện các tín hiệu tích cực.  

Trong khi đó, đồng nhân dân tệ (CNY) của Trung Quốc giảm so với USD do tác động của thương chiến Mỹ - Trung khi chỉ ở mức 7,081. Cả Mỹ và Trung Quốc đều đang cho thấy những tín hiệu đáng mừng khi đều mong muốn đàm phán để xuống thang chiến tranh thương mại.

Trước áp lực đồng CNY mất giá mạnh, nhưng trong những ngày qua tỷ giá USD trong nước khá ổn định ở quanh mức “chặn” 23.140 đồng/USD-23.260 đồng/USD.

Tỷ giá trung tâm ngày hôm nay ngày 27/8 được Ngân hàng Nhà nước công bố là 23.130 đồng, tăng 16 đồng so với ngày hôm qua.

Biên độ dao động của tỷ giá USD ở mức 22.436 - 23.824 đồng/USD. Tỷ giá tham khảo tại Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước sáng nay niêm yết ở mức 23.200 - 23.774 đồng/USD (mua - bán), không đổi ở chiều mua vào, nhưng giảm 14 đồng bán ra so với phiên ngày 26/8.

Tỷ giá USD niêm yết tại một số ngân hàng thương mại lớn như VCB, BIDV, VietinBank, Techcombank trong sáng ngày 27/8 cũng gần như chưa có điều chỉnh đáng kể nào, thậm chí giảm nhẹ 1 đồng/USD so với ngày 26/8, hiện giao dịch quanh mức 23.140 - 23.260 đồng/USD.

Cụ thể, tại ngân hàng BIDV, tỷ giá đôla Mỹ đang giao dịch ở mức: 23.140 - 23.260 đồng/USD (mua-bán). Vietcombank niêm yết  ở mức 23.140 - 23.260 đồng/USD (mua-bán); Vietinbank là 23.136 - 23.256 đồng/USD (mua-bán)...

Theo báo cáo thị trường tiền tệ hàng tuần vừa công bố của Bộ phận phân tích và tư vấn khách hàng cá nhân Công ty chứng khoán SSI (SSI Retail Reseach), phát biểu được chờ đợi của chủ tịch Fed tại hội nghị Jackson Hole ngày 23/8 vừa qua quá chung chung và bị gạt qua một bên trước những tuyên bố tăng thuế dữ dội từ cả Trung Quốc và Mỹ.

Trung Quốc tuyên bố áp thuế 5-10% lên 75 tỷ hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ từ 1/9 và 15/12. Gần như ngay lập tức, Trump tuyên bố tăng thuế từ 25% lên 30% với 250 tỷ hàng hóa Trung Quốc từ 1/10 và từ 10% lên 15% với 300 tỷ hàng hóa còn lại từ 1/9.

Cũng giống những lần trước, sự leo thang bất ngờ của cuộc chiến thương mại Mỹ -Trung lại khiến cho thị trường tài chính toàn cầu chao đảo. Chỉ số DXY giảm 0,53 điểm, về mức 97,64; đồng Nhân dân tệ (CNY) của Trung Quốc mất giá 0,75% so với tuần liền trước, về sát mức 7,1 CNY/USD; các đồng tiền trú ẩn như Yên Nhật JPY và CHF của Thụy Sĩ lại quay đầu tăng giá.

Do thị trường Việt Nam giao dịch sớm hơn nên những biến động trong ngày 23/8 chưa tác động đến thị trường ngoại hối của Việt Nam. Tỷ giá giao dịch USD/VND tiếp tục có một tuần bình lặng vừa qua, giảm đồng loạt 5 đồng/USD ở cả hai chiều mua vào- bán ra trên cả thị trường ngân hàng và tự do, về mức lần lượt là 23.145/23.265 và 23.195/23.210. Tỷ giá trung tâm được điều chỉnh tăng 7 đồng/USD, lên đỉnh mới là 23.127 đồng.

Sang đầu tuần này, tỷ giá trên thị trường và ở các ngân hàng thương mại ngày 26/8 vẫn tiếp tục duy trì ổn định, trong khi tỷ giá trung tâm lại quay đầu sụt mạnh tới 13 đồng về 23.114 đồng, nhưng đã bật tăng trở lại 16 đồng trong ngày 27/8. 

Xu hướng tỷ giá ổn định nửa cuối năm

Theo báo cáo nghiên cứu kinh tế vĩ mô tháng 8/2019 của Standard Chartered, dòng vốn FDI sẽ tiếp tục chảy mạnh vào Việt Nam trong năm nay, đặc biệt là vào lĩnh vực sản xuất, với tổng lượng vốn thu hút được dự kiến đạt 18 tỷ USD.

Tăng trưởng xuất khẩu sẽ duy trì ổn định và vượt trội hơn so với các nước trong khu vực. Trong bối cảnh nhập khẩu nguyên liệu sản xuất giảm tốc, tăng trưởng nhập khẩu dự kiến sẽ vẫn ở mức gần 10%, nhờ đó, cán cân thương mại sẽ tiếp tục thặng dư trong năm 2019.

Nghiên cứu của Standard Chartered cũng dự đoán, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì chính sách linh hoạt trong ngắn hạn để hỗ trợ tăng trưởng, khi lạm phát vẫn còn ở mức thấp.

Theo dự báo của Standard Chartered, lạm phát Việt Nam sẽ tăng khiêm tốn ở nửa cuối năm 2019, đạt trung bình 2,8% so với mức 2,6% trong nửa đầu năm và lạm phát cơ bản, không bao gồm giá thực phẩm, năng lượng, dịch vụ chăm sóc sức khỏe và giáo dục, sẽ tăng lên 2% trong năm nay.

Các chuyên gia kinh tế của Standard Chartered kỳ vọng lãi suất chính sách sẽ không thay đổi trong năm 2019 và đồng Việt Nam (VND) sẽ tăng giá nhẹ. Dòng vốn FDI mạnh mẽ và thặng dư tài khoản vãng lai sẽ hỗ trợ VND trong ngắn hạn.

Tỷ giá USD-VND được ông Chidu Narayanan, Chuyên gia kinh tế khu vực Châu Á, Ngân hàng Standard Chartered dự đoán sẽ đạt 23.100 vào cuối năm 2019 và 23.000 vào giữa năm 2020. 

Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) vừa phát hành chuyên đề về “triển vọng ngành những tháng cuối năm" cũng cho hay, Việt Nam chịu ảnh hưởng trái chiều từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.

Sau khi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung khởi phát từ quý 3/2018, thặng dư thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ ghi nhận mức tăng trưởng kỷ lục, tăng 30% so cùng kỳ năm ngoái.

Bên cạnh cơ hội tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng hàng hóa sang Mỹ, có nhiều mối quan ngại về khả năng Việt Nam sẽ trở thành điểm trung chuyển cho hàng hóa Trung Quốc xuất sang Mỹ.

Theo thống kê của VDSC, các nhóm hàng đang có rủi ro này bao gồm thiết bị quay phim chụp hình, sắt thép, gỗ, nhựa, phương tiện vận tải, vải và sản phẩm từ động vật. Tuy vậy, tổng kim ngạch xuất khẩu tăng thêm của các nhóm hàng này sang Mỹ ước chỉ chiếm khoảng 1 - 2% tổng kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ, do vậy, VDSC đánh giá rủi ro này là không lớn.

Cũng theo đánh giá của VDSC, rủi ro mất giá tiền đồng chưa lớn trong năm 2019. Trái với giai đoạn trước, khi đồng CNY đột ngột giảm giá so với USD thì Việt Nam đồng (VNĐ) cũng giảm mạnh theo.

Nhưng trong đợt giảm giá mạnh gần đây của CNY, phá ngưỡng tâm lý 7,0 CNY đổi 1 USD, VNĐ vẫn không có nhiều biến động.

VDSC cho rằng, sự ổn định của VNĐ được đóng góp bởi 2 yếu tố. Thứ nhất, cán cân thương mại thặng dư 2,9 tỷ USD tính đến 15/8/2019 (tăng 21% so cùng kỳ năm trước).

Thứ hai,  tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) giải ngân và vốn góp mua cổ phần tính đến ngày 15/8/2019 đạt hơn 19 ngàn tỷ đồng (tăng 30% so cùng kỳ năm trước).

Các số liệu này cho thấy sức cầu đối với VNĐ còn khá lớn và rủi ro mất giá mạnh trong những tháng còn lại của năm 2019 là không lớn.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư