Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
Tỷ phú Anh Richard Brandson nói về "kế hoạch B" của doanh nghiệp
Hoàng Nam - 18/09/2015 22:00
 
Tỷ phú Richard Branson vừa tới Việt Nam để kêu gọi những hành động cụ thể nhằm bảo vệ môi trường từ phía các doanh nhân. Theo ông, một doanh nhân tử tế, cần nghĩ đến các giá trị nhân văn và bền vững hơn, vì một thế giới phồn vinh, vì một hành tinh xanh cho chúng ta và con cháu chúng ta. “Con người sẽ không là con người nữa, nếu như họ hủy hoại đi những phần còn lại của trái đất này”, vị tỷ phú nhấn mạnh.

Trong thực tế hoạt động của mình, các doanh nghiệp không ít lần phải đối mặt giữa mục tiêu lợi nhuận và việc phát triển môi trường bền vững. Bởi vậy bài chia sẻ của ông với các doanh nhân Việt về những hành động cụ thể nhằm bảo vệ môi trường, bảo vệ trái đất đã thu hút được nhiều sự quan tâm bởi trách nhiệm với cộng đồng, với thế hệ tương lai. Dưới đây là nội dung chia sẻ của Tỷ phú Richard Branson:

"Khi tôi còn nhỏ, tôi đã muốn làm mọi thứ để thay đổi thế giới này. Vì thế, tôi bỏ học khi mười sáu tuổi để bắt đầu làm chủ một tờ tạp chí, và từng sử dụng tờ tạp chí này để vận động chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam. Hôm nay, sau gần 50 năm, tôi được lần đầu tiên đến thăm Việt Nam và lại thấy mình cùng các bạn tham gia vận động để chấm dứt một cuộc chiến khác, một cuộc chiến không chỉ diễn ra ở Việt Nam mà đang diễn ra trên khắp toàn cầu - đó là cuộc chiến bảo vệ môi trường sống của chúng ta, trái đất của chúng ta.

Nhiều người thắc mắc là tại sao các doanh nhân lại cần quan tâm đến các vấn đề này? Cũng giống như nhiều doanh nhân khác, gần đây tôi đã đi đến kết luận, chính các doanh nghiệp đã và đang góp phần rất lớn vào việc làm gia tăng các vấn đề toàn cầu, vì vậy chúng ta cần có trách nhiệm tìm ra giải pháp cho các vấn đề này. Tôi tin tưởng mạnh mẽ rằng, doanh nghiệp đóng một vai trò quan trọng như lực lượng kiến tạo thế giới vì những điều tốt đẹp hơn, và đây cũng chính là lực lượng thúc đẩy thế giới phát triển theo hướng vì lợi ích xã hội, môi trường và kinh tế.

Bốn mươi năm sau chiến tranh và trải qua nhiều cải cách tiến bộ về chính trị và kinh tế, Việt Nam đã tạo nên một câu chuyện thành công về phát triển đất nước. Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể trong việc xóa đói, giảm nghèo. Chính sách tự do hóa thương mại của các bạn đã tạo ra công ăn việc làm cho nhiều người lao động và mở rộng cánh cửa cơ hội cho giao thương về kinh tế. Tuy nhiên, do thiếu chính sách và biện pháp kiểm soát, sự phát triển nhanh chóng cũng tác động tiêu cực tới môi trường.

Điều này không chỉ diễn ra ở Việt Nam mà đã và đang diễn ra trên toàn thế giới: Tài nguyên bị sử dụng cạn kiệt. Khí quyển, đại dương và đất đai bị ô nhiễm nặng nề. Nguồn thủy sản đang dần cạn kiệt. Độ che phủ rừng tự nhiên giảm nhanh chóng. Nguồn nước ngọt đang dần suy giảm mạnh và lượng khí thải (carbon dioxide) đã ở mức báo động. 

Hành động săn bắn và buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp đang gây ra nguy cơ tuyệt chủng hàng loạt ở cấp độ toàn cầu. Mỗi năm, có khoảng 35.000 con voi bị giết để lấy ngà, 95% số tê giác trên thế giới đã bị “xóa sổ” trong hơn 40 năm qua. Chỉ riêng ở Nam Phi, số lượng tê giác bị giết để lấy sừng gia tăng nhanh chóng, từ 17 con vào năm 2007 tới 1.215 con vào năm 2014. Rất nhiều loài khác cũng đang bên bờ bị tuyệt chủng do nhu cầu vô độ của con người. Kinh doanh vì lợi nhuận ngắn hạn đã khiến các doanh nghiệp quên đi vai trò quan trọng là phục vụ con người và bảo vệ môi trường sống xung quanh – vì thế hiển nhiên là hoạt động của các doanh nghiệp đang tàn phá hành tinh của chúng ta.

Do vậy, đã đến lúc các lãnh đạo doanh nghiệp phải sát cánh bên nhau để thúc đẩy sự thịnh vượng và hành tinh của chúng ta.  Tôi tin rằng nếu chỉ khi nào các doanh nghiệp làm được điều này, các doanh nghiệp mới thực sự phát triển mạnh mẽ và bền vững. Khu vực tư nhân có thể và phải xác định lại trách nhiệm của mình cũng như xác định lại ý nghĩa của hai từ “thành công” của doanh nghiệp. Nếu chúng ta tiếp tục sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên một cách không bền vững, các tài nguyên này sẽ cạn kiệt. Kế hoạch A – làm kinh doanh vì động cơ lợi nhuận đơn thuần – không còn phù hợp nữa. Giờ là thời cơ để các doanh nghiệp thực hiện Kế hoạch B – kinh doanh đặt lợi ích của con người và trái đất cùng với lợi nhuận của doanh nghiệp. Chúng ta cần nắm lấy cơ hội này bằng cách sử dụng ảnh hưởng và nguồn lực của chúng ta để giải quyết các thách thức lớn nhất của môi trường và xã hội mà thế giới đang phải đối mặt và biến doanh nghiệp của mình thành lực lượng kiến tạo lại thế giới và làm cho nó tốt đẹp hơn.

Hoạt động của doanh nghiệp đã và đang mang lại những bước tiến vượt bậc trong khoa học và công nghệ cũng như mở ra các cơ hội tăng trưởng kinh tế trên toàn thế giới. Vậy tại sao chúng ta lại không thể tạo ra một mô hình kinh doanh mới, mà ở đó doanh nghiệp vẫn được hưởng lợi nhuận, doanh nghiệp vẫn được thỏa sức sáng tạo nhưng trái đất và con người lại được bảo vệ!

Nếu chúng ta tận dụng được những mặt tích cực của việc kinh doanh - như tinh thần doanh nghiệp, tính đổi mới và tinh thần doanh nhân giúp cải tiến chất lượng cuộc sống và tạo ra những tiến bộ thần kỳ về khoa học và công nghệ - chúng ta có thể tạo ra một kỷ nguyên mới chưa từng có với sự phát triển bền vững và thịnh vượng chung cho tất cả.

Cửa sổ cơ hội này đang đóng rất nhanh, nhưng không phải là quá muộn. Chúng ta đã có những khởi đầu rất tuyệt vời. Phong trào doanh nhân xoay sở để tìm ra các cách thức kinh doanh có lợi cho con người và trái đất đang phát triển ngày càng mạnh. Và tôi rất vui mừng được đến Việt Nam hôm nay với mong muốn được tận dụng thời gian của tôi để học hỏi và gặp gỡ các doanh nhân Việt Nam, những người mong muốn chung tay giải quyết các thách thức toàn cầu và cùng tôi xoay chuyển các hoạt động kinh doanh theo hướng vì lợi ích của xã hội, môi trường và kinh tế".

Tỉ phú RICHARD BRANSON sinh ngày 18/7/1950, người Anh. Ông là nhà sáng lập của Virgin Group, bao gồm 400 doanh nghiệp hoạt động đa ngành nghề.
Khi mới 16 tuổi, ông khởi nghiệp bằng cách thành lập tạp chí Student. Năm 1970, ông thành lập một công ty bán băng đĩa nhạc và xây dựng nó trở thành 1 chuỗi các cửa hàng bán băng đĩa vào năm 1972, tên là Virgin Records, về sau đổi tên thành Virgin Megastores.
Thương hiệu Virgin của ông bùng nổ những năm 1980 khi ông thành lập hãng máy bay Virgin Atlantic đồng thời mở rộng hoạt động kinh doanh của Virgin Records.
Theo tạp chí Forbes đánh giá, tài sản của ông khoảng 4,9 tỷ USD và là một trong 12 người giàu nhất nước Anh.

Tập đoàn của tỷ phú Indonesia thâu tóm nhà máy chế biến bột mỳ tại Việt Nam
Tập đoàn Interflour, thuộc sở hữu của tỷ phú Indonesia Anthony Salim, mới đây đã mua lại một nhà máy chế biến bột mỳ ở thành phố Đà Nẵng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư