Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 17 tháng 09 năm 2024,
Ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong ngành bảo hiểm: Cần vượt qua nghi ngại
 
Dù vẫn còn những nghi ngại về ứng dụng AI trong ngành bảo hiểm, nhưng để tăng trải nghiệm khách hàng, cũng như phục vụ khách hàng tốt hơn, việc áp dụng những công nghệ mới như AI là cần thiết.

“Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang tác động đến nhiều ngành nghề, trong đó có bảo hiểm. Tại Việt Nam, hiện có khoảng 50% dân số sử dụng điện thoại thông minh, nên việc đẩy nhanh quá trình chuyển đối số cho ngành bảo hiểm là nhu cầu tất yếu.

Tuy nhiên, sự chuyển đổi sẽ khiến ngành bảo hiểm nói chung và doanh nghiệp bảo hiểm nói riêng gặp nhiều thách thức trong hoạt động điều hành, quản lý rủi ro, cũng như bảo vệ thông tin khách hàng”, ông Huỳnh Quang Hải, Thứ trưởng Bộ Tài chính nhấn mạnh tại Diễn đàn và Triển lãm quốc gia về Bảo hiểm Việt Nam 2019 lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam. 

Sự kiện là cái nhìn toàn cảnh về ngành bảo hiểm Việt Nam trước bối cảnh cuộc cách mạng 4.0, với những cập nhật mới về xu hướng ứng dụng và các công nghệ số mới nhất trong ngành, cũng như hướng tới hoạch định chiến lược, cơ chế và chính sách phát triển ngành bảo hiểm, sản phẩm - dịch vụ bảo hiểm đáp ứng được nhu cầu của khách hàng hiện đại…

Trong đó, câu chuyện về ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào bảo hiểm là vấn đề được quan tâm.

Không còn là câu chuyện quá mới, nhưng ứng dụng AI tại Việt Nam, đặc biệt trong ngành bảo hiểm vẫn còn có tâm lý dè chừng.

Tuy nhiên, với xu thế ứng dụng công nghệ số đang phát triển mạnh mẽ tại thị trường Việt Nam nhằm phục vụ khách hàng ngày càng tốt hơn, thì việc ứng dụng AI kỳ vọng sẽ được đẩy nhanh hơn.

Thực tế, năm 2017, Prudential Việt Nam đã có những bước thử nghiệm đầu tiên khi ra mắt thị trường công cụ tư vấn trực tuyến PruBot tích hợp AI để trò chuyện với khách hàng và công cụ Matchbook giúp khách đặt lịch hẹn với chuyên viên tư vấn ưa thích.

Một số công ty bảo hiểm sau này cũng đã triển khai những ứng dụng mới trên nền tảng công nghệ này...

Thông tin mới nhất từ AIA Việt Nam cho biết, nhà bảo hiểm này đã áp dụng thí điểm thành công AI trong thẩm định bồi thường, chi trả quyền lợi hỗ trợ viện phí.

Theo AIA Việt Nam , với công nghệ AI, khách hàng chỉ cần ngồi tại nhà cũng có thể nhận được tiền bồi thường trong vòng 15 phút.

Trước đây, một hồ sơ yêu cầu bồi thường phải trải qua nhiều công đoạn, từ khâu tiếp nhận chứng từ, nhập liệu, đến thẩm định.

Quy trình này kéo dài trong vài ngày. AIA Việt Nam bắt đầu thử nghiệm AI từ cuối năm 2017 với sự hỗ trợ của một tổ chức quốc tế, trước khi chính thức đưa vào vận hành từ cuối năm 2018.

Với gần 30.000 hồ sơ được thử nghiệm thẩm định qua AI (chi trả quyền lợi, hỗ trợ viện phí…), kết quả chính xác tới 99% (chỉ cho sai số dưới 1% - PV). Dự kiến trong thời gian tới, AIA Việt Nam sẽ áp dụng rộng rãi tại các quầy dịch vụ khách hàng ở các văn phòng tổng đại lý để tăng trải nghiệm cho khách hàng.

Cách mạng 4.0 hay cách mạng số diễn ra từ những năm 2000, thông qua các công nghệ như Internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), thực tế ảo (VR), tương tác thực tại ảo (AR), mạng xã hội, điện toán đám mây, di động, phân tích dữ liệu lớn (SMAC)... để chuyển hóa toàn bộ thế giới thực thành thế giới số. Cuộc cách mạng này đang ảnh hưởng sâu rộng đến các ngành nghề kinh doanh, trong đó có bảo hiểm.

Dù vẫn còn những nghi ngại về ứng dụng AI trong ngành bảo hiểm, đặc biệt trong chi trả bồi thường, nhưng để tăng trải nghiệm khách, thỏa mãn tối đa nhu cầu ngày càng đa dạng của khách hàng trẻ, hiện đại, việc ứng dụng những công nghệ mới như AI là cần thiết.

Theo các chuyên gia trong ngành, ứng dụng AI vào thị trường bảo hiểm là không dễ dàng, ngay cả với các thị trường đã phát triển, chứ không riêng Việt Nam. Bởi muốn phát triển AI, cần phải có lượng dữ liệu (data) rất lớn, trong khi đây là hạn chế không nhỏ tại thị trường Việt Nam.

Ðó là chưa kể, ứng dụng AI cần chi phí đầu tư lớn, trong khi thu hồi vốn chậm và đặc biệt, việc đào tạo nguồn nhân lực đảm bảo vừa phân tích, sử dụng và quản lý tốt dữ liệu, vừa am hiểu về bảo hiểm là vấn đề nan giải.

Bên cạnh đó, ngành bảo hiểm là ngành kinh doanh có điều kiện, chịu sự quản lý, giám sát chặt chẽ của Nhà nước.

Nếu các quy định pháp luật liên quan không theo kịp với sự phát triển của công nghệ, thì đây cũng là một thách thức đối với các doanh nghiệp bảo hiểm muốn áp dụng công nghệ mới.

Nhân sự ngành bảo hiểm: Cung - cầu chưa gặp nhau
Tại Hội nghị các nhà tuyển dụng Khoa Tài chính năm 2018 do trường Đại học kinh tế TP.HCM (UEH) tổ chức mới đây, nhà tuyển dụng là các doanh...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư