Chủ Nhật, Ngày 20 tháng 07 năm 2025,
Uống rượu khi đã xơ gan: Nguy cơ tử vong cao, nhiều bệnh nhân rơi vào nguy kịch
D.Ngân - 20/07/2025 09:02
 
Tại Trung tâm Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, thời gian gần đây ghi nhận nhiều ca bệnh nhập viện trong tình trạng nguy kịch do hậu quả từ việc lạm dụng rượu kéo dài trên nền xơ gan.

Các bác sỹ cảnh báo, ở những người đã bị tổn thương gan, việc tiếp tục sử dụng rượu, dù chỉ với liều lượng nhỏ, có thể là “giọt nước tràn ly”, dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng, thậm chí tử vong.

Bệnh nhân bị xơ gan đang điều trị tại cơ sở y tế.

Một trường hợp điển hình là cụ bà L.T.T, 74 tuổi, trú tại Tuyên Quang. Bà có tiền sử uống rượu hơn 10 năm với lượng trung bình từ 500 đến 700 ml mỗi ngày. Dù đã được chẩn đoán xơ gan từ một thập kỷ trước, bà vẫn không từ bỏ thói quen uống rượu hàng ngày.

Trước khi nhập viện khoảng 10 ngày, bà xuất hiện các triệu chứng mệt mỏi, yếu nửa người và méo miệng, những dấu hiệu điển hình của đột quỵ.

Tại bệnh viện địa phương, bệnh nhân được chẩn đoán viêm màng não và nhồi máu não trên nền xơ gan mất bù. Sau ba ngày điều trị không có cải thiện, bà được chuyển đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương trong tình trạng lơ mơ, phải thở máy và đặt nội khí quản.

Thạc sỹ, bác sỹ Hà Việt Huy, Trung tâm Hồi sức tích cực, cho biết bệnh nhân nhập viện trong tình trạng suy đa cơ quan, vùng não bị nhồi máu lớn kèm theo phù não tiến triển. Dịch não tủy cho thấy nhiều bất thường, các chỉ số viêm tăng rất cao.

Ngoài ra, bệnh nhân bị vàng da nặng, tiểu cầu giảm sâu và rối loạn đông máu nghiêm trọng. Đây là trường hợp điển hình của viêm màng não do vi khuẩn kết hợp đột quỵ trên nền xơ gan nặng, hệ miễn dịch bị phá hủy nghiêm trọng sau nhiều năm nghiện rượu.

Không chỉ riêng cụ bà L.T.T, nhiều bệnh nhân khác cũng rơi vào tình trạng tương tự. Ông N.V.C, 53 tuổi, trú tại Bắc Ninh, nhập viện ban đầu do thoát vị rốn và được chỉ định phẫu thuật tại tuyến dưới.

Sau phẫu thuật, ông nhanh chóng rơi vào sốc nhiễm trùng và được chuyển lên Trung tâm Hồi sức tích cực do nền gan xơ nặng. Bệnh nhân có tiền sử uống rượu trong suốt 10-15 năm với lượng khoảng 300-500 ml mỗi ngày.

Dù tình trạng nhiễm trùng ban đầu được kiểm soát, nhưng đến ngày điều trị thứ ba, ông bất ngờ nôn ra máu ồ ạt và tụt huyết áp nhanh, nguy cơ giãn vỡ tĩnh mạch thực quản, một biến chứng nguy hiểm ở người xơ gan.

Việc cùng lúc đối mặt với sốc nhiễm khuẩn và mất máu cấp khiến bệnh nhân rơi vào tình trạng nguy kịch. Dù được hồi sức tích cực, tiên lượng sống rất thấp và gia đình đã xin đưa bệnh nhân về.

Một trường hợp nghiêm trọng khác là ông T.V.G, 56 tuổi, trú tại Hưng Yên. Ông có tiền sử uống gần 1 lít rượu mỗi ngày trong suốt hơn 20 năm, được chẩn đoán xơ gan từ 7 năm trước, nhưng không điều trị.

Hai ngày trước khi nhập viện, ông xuất hiện khó thở, tụt huyết áp và lơ mơ. Tại tuyến dưới, bệnh nhân được đặt nội khí quản, sau đó chuyển đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương trong tình trạng sốc nhiễm trùng nặng, cần dùng thuốc vận mạch liều cao.

Các xét nghiệm cho thấy ông bị rối loạn đông máu nghiêm trọng, tiểu cầu giảm sâu, chỉ số viêm (CRP, Pro-calcitonin) tăng đến mức tối đa, kèm theo xuất huyết tiêu hóa, dấu hiệu rõ ràng của suy gan mất bù và tổn thương đa cơ quan trên toàn cơ thể.

Theo bác sỹ Huy, với những bệnh nhân xơ gan nặng do rượu, hệ miễn dịch và các cơ chế tự bảo vệ hầu như đã bị xóa sổ. Khi xảy ra nhiễm khuẩn hoặc xuất huyết, cơ thể không còn khả năng chống đỡ, khiến quá trình điều trị và hồi sức gặp nhiều khó khăn.

Các chuyên gia cảnh báo, người đã được chẩn đoán xơ gan tuyệt đối không nên uống rượu, kể cả với liều lượng rất nhỏ.

Việc tiếp tục uống rượu trong khi gan đã bị tổn thương có thể gây ra hàng loạt biến chứng nguy hiểm như viêm màng não, xuất huyết tiêu hóa, suy gan cấp, nhiễm trùng huyết, thậm chí tử vong.

Những dấu hiệu như mệt mỏi kéo dài, vàng da, phù chân, xuất huyết dưới da, thay đổi ý thức… là những “tín hiệu báo động đỏ” cho thấy gan đang bị tổn thương nghiêm trọng và cần được can thiệp y tế kịp thời.

“Xơ gan không điều trị giống như một ngòi nổ chực chờ. Chỉ cần một yếu tố kích hoạt như nhiễm trùng hay xuất huyết là đủ để đẩy bệnh nhân vào nguy kịch, thậm chí không thể cứu được”, bác sỹ Huy cảnh báo.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư