Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 08 tháng 05 năm 2024,
Ưu tiên hiện tại là đảm bảo duy trì sản xuất
Khánh An - 09/04/2020 14:33
 
Lúc này, chắt chiu những cơ hội và nguồn lực để hỗ trợ đúng thời điểm, đúng mục tiêu cho các doanh nghiệp, người kinh doanh và người lao động đang là yêu cầu cấp bách.
doanh nghiệp rất mong các biện pháp hỗ trợ sớm được thực thi để vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Doanh nghiệp rất mong các biện pháp hỗ trợ sớm được thực thi để vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Tính toán để tồn tại

Tổng hợp tiền mặt, kiểm tra tài sản, hàng hóa lỗi hỏng, không sử dụng hay sử dụng ít để tính phương án thanh lý, hạn chế tối đa mua mới, nhập mới; rà soát số lao động, dự kiến kế hoạch sản xuất quý II/2020 để tính phương án lao động...

Thay vì gửi thông tin qua hệ thống quản lý online như thông lệ, ông Trần Anh Vương, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư Bắc Việt gửi cho các giám đốc yêu cầu cần báo cáo cho cuộc họp đầu tuần qua hệ thống tin nhắn. Cùng với đó, các kế hoạch làm việc với các đối tác cũng liên tục được lên lịch bất kể ngày đêm.

“Lúc này, doanh nghiệp phải tính có thể trụ được bao lâu. Quý I/2020, chúng tôi giảm khoảng 30% đơn hàng, nhưng với tình hình hiện tại, quý tới có thể giảm gấp đôi. Các khoản thanh toán từ bên nước ngoài hiện vẫn còn cho các đơn hàng xuất khẩu đang giao, nhưng tới đây khi họ không bán được hàng thì cũng đành phải chấp nhận không có đơn hàng mới... Lúc này, chúng tôi phải tính toán để thắt chặt mọi chi phí. Nhưng cũng phải thú thật, trong doanh nghiệp sản xuất, chi phí lao động thường lớn nhất và cũng khó giảm nhất”, ông Vương chia sẻ.

Phải nói thêm, trong khảo sát tuần trước của Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, khoảng 75% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho rằng, chỉ có thể trụ được trong khoảng 6 tháng. Trong phương án tốt nhất, dịch bệnh kết thúc vào tháng 6/2020, thì các doanh nghiệp cũng phải mất hai năm để quay lại.

Đây không chỉ là chuyện của các doanh nghiệp tư nhân. Trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ mới đây của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp về ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của 19 tập đoàn, tổng công ty thuộc Ủy ban, những khoản doanh thu đã sụt giảm và tình trạng gần như đóng băng của nhiều lĩnh vực như hàng không, vận tải, lo ngại khả năng không hoàn thành kế hoạch, thậm chí thua lỗ của một số doanh nghiệp nhà nước quy mô lớn như Vietnam Airlines, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam...

Phương án điều chỉnh tiêu chí sản xuất, kinh doanh cho phù hợp với tình hình đang được Ủy ban đưa ra, cùng với các giải pháp cơ cấu lại nguồn tài chính doanh nghiệp, tính toán cụ thể các khoản nợ đến hạn, khả năng trả nợ, tăng cường sử dụng nguyên liệu trong nước. Một số khoản đầu tư, mua sắm sẽ phải hoãn lại.

Không để doanh nghiệp phải chờ đợi

“Nếu doanh nghiệp dừng sản xuất vào thời điểm này, chi phí để khởi động lại khi dịch kết thúc sẽ vô cùng lớn”, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nói khi nhìn vào con số 80% doanh nghiệp sợ rằng, doanh thu năm 2020 sẽ suy giảm.

Đây là lý do Chủ tịch VCCI cho rằng, ưu tiên hiện tại là đảm bảo thuận lợi cho doanh nghiệp duy trì sản xuất.

“Kể cả trong trường hợp phải siết chặt các biện pháp cách ly và phong toả, cần dự liệu các phương án để doanh nghiệp được tiếp tục sản xuất và lưu thông hàng hóa, nhất là đối với hàng hóa tiêu dùng thiết yếu. Đặc biệt, việc thực hiện các cơ chế, chính sách, chỉ đạo phải rõ ràng, thống nhất. Vừa rồi, một số doanh nghiệp, công trường xây dựng bị đình chỉ do bị hiểu sai lệnh yêu cầu cách ly của Thủ tướng ở một số địa phương chỉ là một ví dụ, nhưng cần phải được để tâm”, ông Lộc nói.

Thực tế, khoảng cách giữa cơ chế, chính sách và thực thi luôn là lo ngại đầu tiên mà doanh nghiệp nhắc tới khi đánh giá hiệu quả các cơ chế, chính sách. Báo cáo từ các hiệp hội đều cho thấy, việc tiếp cận và được hưởng các cơ chế hỗ trợ không thống nhất ở các địa phương và cũng không dễ để thực hiện.

Bà Ninh Thị Ty, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần May Hồ Gươm lo ngại, nếu phải làm các thủ tục thống kê số lượng lao động tạm thời nghỉ việc, xác định giá trị tài sản bị thiệt hại... để được tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội quá phức tạp, mất thời gian, thì thực sự càng làm doanh nghiệp khó hơn.

“Lúc này, các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp đều đã được đưa ra, chỉ cần thực hiện ngay, với thủ tục đơn giản nhất”, bà Ty đề nghị.

Đây cũng là điều mà các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp đang nhắc đến nhiều nhất vào thời điểm hiện nay.

Thậm chí, ông Lê Duy Bình, Giám đốc Công ty Economica Việt Nam nhấn mạnh, sự phục hồi của các doanh nghiệp và của cả nền kinh tế sẽ phụ thuộc nhiều vào những quyết sách được đưa ra trong giai đoạn này.

Đắk Nông xem xét miễn giảm tiền thuê đất cho doanh nghiệp khó khăn do dịch Covid-19
UBND tỉnh Đắk Nông giao Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh xem xét, chỉ đạo các Ngân hàng thương mại hỗ trợ lãi vay, gia hạn thời gian đáo hạn...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư