Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 26 tháng 04 năm 2024,
Ưu tiên tăng trưởng theo hướng nào?
Bảo Duy - 25/05/2013 10:55
 
Trong thời điểm hiện tại, ưu tiên tăng trưởng là đúng, nhưng quan trọng là phải làm rõ tăng trưởng theo hướng hiệu quả, năng suất.

Tuần rồi, nghị trường nóng lên bởi sự nôn nóng của từng đại biểu quốc hội khi bàn về tình hình kinh tế Việt Nam.

Bởi, như đại biểu Trương Trọng Nghĩa nhận định, báo cáo về tình hình kinh tế xã hội của Chính phủ chưa cho thấy sự tương xứng của một bên là những bức xúc của nhân dân, các chuyên gia, các nhà khoa học và một bên là Quốc hội với thông tin của Chính phủ.

Cũng dễ hiểu, sau 5 tháng, với hàng loạt các giải pháp được nhận định là đúng hướng, kịp thời của Nghị quyết 01 và 02, các chỉ số kinh tế vĩ mô vừa được công bố, được baodaut.vn cập nhật liên tục trong tuần, vẫn lình xình, chưa có dấu hiệu tích cực rõ rệt.

Tỷ lệ doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, đóng cửa, giải thể vẫn tăng, dù tốc độ có chậm lại đôi chút. Cầu giảm mạnh khiến CPI tháng 5 tăng trưởng âm so với 1 tháng trước đó, khiến khả năng hoàn thành mục tiêu kiềm chế lạm phát có thể dự báo sớm. Đặc biệt, tình hình này khiến sự giảm xuống đôi chút của tỷ lệ tồn kho trong ngành công nghiệp không làm chuyên gia trong ngành cảm thấy bớt lo ngại.

Ông Huỳnh Đắc Thắng, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ Công thương) thậm chí còn cho rằng, đây không phải là tín hiệu tích cực, bởi nhiều khả năng, tỷ lệ tồn kho giảm là do các doanh nghiệp ngừng sản xuất, tập trung bán hàng trong kho…

Rõ ràng, yêu cầu của các đại biểu quốc hội về việc phải thúc đẩy các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, kích cầu, giải quyết đầu ra cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp… là đúng đắn và cấp bách.

Tuy nhiên, trong bối cảnh này, những lo ngại về sự dẫm chân tại chỗ về mục tiêu cải cách, đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế lại nổi lên.

Bởi lẽ, nhìn vào khá nhiều đề xuất hiện tại, ông Nguyễn Đình Cung, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế quản lý Trung ương bình luận, dường như yêu cầu phân bổ lại nguồn lực theo hướng hiệu quả hơn vẫn chưa được thể hiện. Đặc biệt, hệ thống động lực để tạo nên sự thay đổi theo mục tiêu của Đề án tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế dường như ít được nhắc tới.

“Ưu tiên tăng trưởng là đúng nhưng quan trọng nhất là phải xác định rõ tăng trưởng ở đây theo hướng nào. Nếu không làm rõ, mô hình tăng trưởng thâm dụng vốn, năng suất thấp mà chúng ta đã xác định là phải thay đổi, sẽ tiếp tục kéo dài”, ông Cung lo ngại và cho rằng, nếu điều đó xảy ra, cơ hội để nền kinh tế Việt Nam bứt ra khỏi những khó khăn nội tại sẽ thu hẹp và thời gian sẽ kéo dài ra.

Ngay cả sự chậm trễ trong sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước cũng thể hiện rất rõ những lúng túng trong thực hiện. Bởi lẽ, nếu không có cơ chế tháo gỡ trách nhiệm bảo toàn vốn với yêu cầu thoái vốn đầu tư ngoài ngành, cổ phần hóa của các doanh nghiệp nhà nước, thì hàng loạt khoản đầu tư thua lỗ, những tài sản chỉ còn xác định được tên trong các các bảng kê khai tài sản tiếp tục là gánh nặng của không chỉ một vài doanh nghiệp nhà nước. Điều quan trọng là với sự chậm trễ này, mục tiêu phân bổ lại nguồn lực sẽ khó đạt được.

Đặc biệt, đúng như các chuyên gia trong các ngành, lĩnh vực đã phát biểu thẳng thắn tại Hội nghị giao ban tình hình sản xuất kinh doanh, dịch vụ và đầu tư tháng 5/2013 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa tổ chức cuối tuần này, giải pháp quan trọng nhất vào thời điểm này chính là… thực hiện nghiêm túc và nhanh chóng những giải pháp đã được thống nhất, trên quan điểm thống nhất là hướng tới mô hình tăng trưởng mới.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư