Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 24 tháng 04 năm 2024,
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xử phạt PVFI hơn 400 triệu đồng
Huệ Nguyễn - 28/09/2022 11:43
 
Công ty cổ phần Đầu tư tài chính công đoàn dầu khí Việt Nam (PVIF) bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xử phạt 420 triệu đồng do vi phạm quy định về thị trường chứng khoán.

Trước đó, ngày 23/9/2022, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ban hành Quyết định số 715/QĐ-XPHC về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán đối với Công ty cổ phần Đầu tư tài chính công đoàn dầu khí Việt Nam (Công ty), địa chỉ: Tầng 1 Tòa nhà Tập đoàn Dầu khí, 18 Láng Hạ, phường Thành Công, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội.

Quyết định nêu rõ: Phạt tiền 70.000.000 đồng (bảy mươi triệu đồng) theo quy định tại điểm a khoản 4 Điều 42 Nghị định số 156/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán (Nghị định số 156/2020/NĐ-CP) do không công bố đối với thông tin phải công bố theo quy định pháp luật (Công ty không công bố thông tin trên trang thông tin điện tử của Công ty và trên hệ thống công bố thông tin của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước theo quy định các tài liệu: Báo cáo tài chính (BCTC) Quý 4/2014; BCTC các quý 1, 2, 3, 4 năm 2015; BCTC quý 1/2016; BCTC đã được kiểm toán các năm 2014, 2015; Báo cáo thường niên các năm 2014, 2015, 2021; Báo cáo tình hình quản trị công ty các năm 2014, 2015; Báo cáo tình hình quản trị công ty 6 tháng đầu năm của 2015, 2021; Nghị quyết, biên bản và tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2015.

Công ty công bố thông tin trên hệ thống công bố thông tin của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước không đúng thời hạn về BCTC các quý 2, 3, 4 năm 2017; BCTC các quý 1, 2, 3, 4 năm 2018; BCTC các quý 2, 4 năm 2020; BCTC các quý 1, 2, 3 năm 2021; BCTC năm 2017, 2019, 2020, 2021 đã được kiểm toán; Báo cáo thường niên các năm 2017, 2019, 2020; Báo cáo tình hình quản trị công ty năm 2021; Nghị quyết, biên bản và tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên các năm 2017, 2018; Nghị quyết họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2021; thư mời họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2021 và tài liệu đại hội; thư mời họp ĐHĐCĐ bất thường năm 2020).

Ủy ban Chứng khoán xử phạt PVFI hơn 400 triệu đồng.

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng phạt tiền 350.000.000 đồng (ba trăm năm mươi triệu đồng) theo quy định tại điểm e khoản 3 Điều 18 Nghị định số 156/2020/NĐ-CP do không đăng ký giao dịch, niêm yết chứng khoán (Công ty đăng ký hồ sơ công ty đại chúng với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trước ngày 01/01/2016, nhưng đến nay, Công ty vẫn chưa thực hiện đăng ký giao dịch/niêm yết chứng khoán). Buộc nộp hồ sơ đăng ký giao dịch, niêm yết chứng khoán cho Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam và công ty con trong thời hạn tối đa 60 ngày đối với hành vi không đăng ký giao dịch, niêm yết chứng khoán, theo quy định tại điểm a khoản 7 Điều 18 Nghị định số 156/2020/NĐ-CP.

Như vậy, tổng số tiền PVFI bị phạt là 420 triệu đồng.

Về tình hình kinh doanh, PVFI liên tục lỗ khiến vốn âm 173 tỷ, kiểm toán từ chối đưa ra ý kiến vì loạt vấn đề. Cụ thể, trong báo cáo tài chính kiểm toán năm 2021, doanh thu hoạt động tài chính giảm mạnh gần 39% về còn gần 2 tỷ đồng. Trong khi đó chi phí quản lý chiếm tới hơn 3 tỷ đồng nên PVFI lỗ ròng 495 triệu đồng trong năm 2021, trong khi năm trước vẫn có lãi 837 triệu đồng. Chính mức lỗ này nâng lỗ luỹ kế của PVFI lên con số gần 477 tỷ đồng, kéo vốn chủ sở hữu âm nặng 173 tỷ đồng.

Tại thời điểm cuối năm 2021, nợ ngắn hạn của PVFI gần gấp đôi tài sản ngắn hạn khi chiếm 357 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là phải trả ngắn hạn 257 tỷ đồng. PVFI đã chi 204 tỷ đồng vào chứng khoán kinh doanh, song phải trích dự phòng giảm giá chứng khoán lên tới 196 tỷ đồng.

Công ty cổ phần Đầu tư Tài chính Công đoàn Dầu khí Việt Nam (PVFI) chính thức hoạt động theo Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh do Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hà Nội cấp lần đầu ngày 01/6/2007.
Khi mới thành lập PVFI có vốn điều lệ 300 tỷ đồng. Trong đó, Công đoàn Dầu khí Việt Nam đóng góp 15 tỷ đồng, chiếm 5%; PVN đóng góp 105 tỷ đồng, chiếm 35%; Cán bộ, công nhân viên PVN đóng góp 105 tỷ đồng, chiếm 35%; Ngân hàng Dầu khí Toàn cầu (GPBank) đóng góp 33 tỷ đồng; chiếm 11%; Công ty Chứng khoán Dầu khí (PSI) đóng góp 17,595 tỷ đồng chiếm 6%; Các cổ đông khác đóng góp 24,405 tỷ đồng, chiếm 8%.
Chứng khoán An Bình bị xử phạt liên quan tới phát hành lô trái phiếu Tân Hoàng Minh
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) ban hành Quyết định số 697/QĐ-XPHC về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty cổ phần Chứng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư