Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
VAFI: Cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt bằng phương pháp hỗn hợp không đảm bảo yếu tố cạnh tranh
Như Loan - 09/11/2023 14:09
 
Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) tiếp tục có văn bản lần hai phản biện các quan điểm ủng hộ việc tính thuế tiêu thụ đặc biệt bằng phương pháp hỗn hợp và cho rằng cách tính này không đảm bảo yếu tố cạnh tranh.

Trong công văn mới nhất của VAFI đầu tháng 11/2023 gửi tới Thủ tướng, Phó thủ tướng và các bộ liên quan, ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó chủ tịch VAFI cho rằng, cách tính thuế hỗn hợp không đảm bảo yếu tố cạnh tranh và bày tỏ lo ngại việc doanh nghiệp lớn nhất ngành bia ở vị trí thống lĩnh thị trường sẽ được hưởng nhiều lợi thế hơn về ưu đãi thuế và cạnh tranh nếu chuyển đổi cách tính thuế sang phương pháp hỗn hợp.

Ông Hải nhấn mạnh: "Chính sự mất công bằng vô lý này sẽ làm cho các doanh nghiệp ngành bia Việt Nam lâm vào cảnh thua lỗ, dẫn tới phá sản và không còn động lực đầu tư".

Trong công văn số 2 mới nhất, ông Hải phân tích, trong ngành sản xuất bia Việt Nam, cho dù là dòng bia đại chúng giá phổ thông hay bia phân khúc trên phổ thông giá cao đều có quy trình sản xuất với máy móc, thiết bị dây chuyền sản xuất theo các quy chuẩn giống nhau, nên mang lại sản phẩm đạt chất lượng và an toàn thực phẩm như nhau, nồng độ cồn thấp (99% các sản phẩm bia tiêu thụ tại Việt Nam có độ cồn phổ biến từ 4,0% đến 5,3%).

Về đảm bảo chất lượng, 4 công ty bia lớn tại Việt Nam như: Heineken, Sabeco, Habeco hay Carlsberg chiếm 92% thị phần bia Việt Nam luôn tuân thủ quy định pháp luật và phấn đấu để đạt được các tổ chức quốc tế chứng nhận về đảm bảo chất lượng cao nhất xuyên suốt quá trình sản xuất của mình.

Hơn nữa, trong văn bản phản biện các quan điểm ủng hộ việc tính thuế tiêu thụ đặc biệt bằng phương pháp hỗn hợp, VAFI cho rằng, trong các tờ trình của Bộ Tài chính có nói việc các nước phát triển áp dụng phương pháp thuế tuyệt đối là do sản phẩm của các hãng bia không có sự chênh lệch lớn về giá bán, nên không gây mất công bằng trong nghĩa vụ nộp thuế, điều này chỉ đúng với các doanh nghiệp lớn, nhưng chưa chính xác với khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Ông Hải dẫn chứng, 30/38 quốc gia OECD (Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế) áp dụng thuế tuyệt đối thấp hơn đối với các nhà máy sản xuất bia quy mô vừa và nhỏ. Với cơ chế áp thuế tuyệt đối lũy tiến tăng dần theo sản lượng hàng năm họ áp dụng mức thuế tuyệt đối thấp cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, còn mức thuế tuyệt đối này được tăng lũy tiến theo sản lượng tiêu thụ.

"Thuế tuyệt đối thấp nhất chỉ bằng 60% so với mức tuyệt đối cao nhất dành cho các doanh nghiệp sản xuất bia có sản lượng lớn", ông Hải nói.

Theo Phó Chủ tịch VAFI, các nước tiên tiến trên thế giới đều có chính sách kiểm soát độc quyền, chống cạnh tranh không lành mạnh, đặc biệt bảo vệ khu vực doanh nghiệp yếu bằng việc áp dụng mức thuế tuyệt đối thấp hơn.

"Chúng ta có nên ban hành một chính sách mà vô tình chỉ làm lợi cho một doanh nghiệp mà thiệt hại cho cả ngành sản xuất bia thương hiệu Việt và thiệt hại cho cả ngân sách Nhà nước, người tiêu dùng hay không", ông Hải đặt vấn đề.

Trước những lo ngại của các doanh nghiệp bia Việt, VAFI cho rằng, trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn, nên giữ nguyên phương pháp tính thuế tiêu thụ đặc biệt tương đối như hiện nay.

Lo ngại cá lớn nuốt cá bé nếu ngành bia rượu bị áp thuế tiêu thụ đặc biệt tuyệt đối
Nếu một chai rượu nội vài trăm nghìn đồng và một chai rượu ngoại vài triệu đồng được áp thuế tuyệt đối bằng nhau, tình trạng lũng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư