Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Vai trò của tổ chức quốc tế trong cải cách kinh doanh
Lê Quang Mạnh - 24/10/2013 21:43
 
Bên cạnh những nỗ lực to lớn của các cơ quan quản lý và doanh nghiệp trong nước, sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế đã đóng vai trò tích cực trong quá trình cải cách môi trường kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục gia nhập thị trường, góp phần khơi thông các nguồn lực phục vụ công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và nâng cao vị thế quốc gia trên trường quốc tế. >>> >>>
Thời gian qua, công tác cải cách đăng ký kinh doanh đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận

Đối với công tác cải cách đăng ký kinh doanh, những kết quả tích cực của quá trình cải cách là minh chứng cho thấy sự phối hợp, chia sẻ và hỗ trợ hiệu quả giữa cơ quan quản lý nhà nước và các tổ chức quốc tế.

Trong những năm qua, với những quyết sách đúng đắn, phù hợp với yêu cầu thực tiễn và thông lệ quốc tế về đơn giản hóa thủ tục và minh bạch hóa môi trường kinh doanh, đặc biệt là trong công tác đăng ký kinh doanh, Chính phủ Việt Nam đã nhận được sự đồng thuận và hỗ trợ tích cực từ phía cộng đồng quốc tế.

Các nhà tài trợ quốc tế như Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên Hợp Quốc (UNIDO), Cơ quan Hợp tác phát triển Na Uy (NORAD) và Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ (SECO) đã luôn sát cánh với cơ quan quản lý nhà nước trong mỗi bước tiến của quá trình cải cách. Những nhà tài trợ quốc tế đã trở thành những đối tác tin cậy cùng chia sẻ tầm nhìn cải cách và những định hướng dài hạn, để hướng tới mục tiêu đưa công tác đăng ký kinh doanh tại Việt Nam ngang tầm với các nước tiên tiên trên thế giới.

Trong quá trình thực hiện mục tiêu cải cách này, các tổ chức quốc tế, các nhà tài trợ đã hết sức thành công trong vai trò là cầu nối, là chất xúc tác cho việc chia sẻ, chuyển giao kinh nghiệm, kiến thức về các mô hình cải cách thành công trên thế giới cho các cơ quan hoạch định chính sách về đăng ký kinh doanh Việt Nam tham khảo học tập.

Những thiết kế cấu trúc cơ bản của hệ thống pháp luật về đăng ký kinh doanh của Na Uy, nguyên tắc phân phối thông tin theo cơ chế thị trường của Hồng Kông, Singapore; những giải pháp số hóa tài liệu và ứng dụng chữ ký điện tử trong đăng ký qua mạng của Thụy Điển, Ấn Độ… là những bài học quý báu, đã được tiếp thu, hoàn thiện và áp dụng thành công cho trong Chương trình cải cách đăng ký kinh doanh của Việt Nam.

Không chỉ dừng lại ở hỗ trợ về tài chính, bên cạnh việc chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm, các nhà tài trợ NORAD, SECO, UNIDO đã luôn quan tâm, hỗ trợ một cách hiệu quả cho việc nâng cao năng lực của hệ thống cơ quan đăng ký kinh doanh từ trung ương đến địa phương, cả về quy trình pháp lý, kỹ năng nghiệp vụ và hệ thống hạ tầng kỹ thuật. Các nhà tài trợ đã tích cực hỗ trợ cho quá trình chuyển giao công nghệ và mang những kỹ thuật tiên tiến nhất tới Việt Nam.

Hệ thống Thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia của Việt Nam đã được xây dựng và phát triển dựa trên nền tảng của Hệ thống đăng ký kinh doanh Na Uy - quốc gia có quy trình đăng ký doanh nghiệp hiện đại trên thế giới. Để làm được điều đó, các kỹ sư tin học của cơ quan đăng ký kinh doanh Việt Nam đã làm việc trực tiếp với các kỹ sư nước ngoài trong thời gian dài với cường độ làm việc cao và chuyên nghiệp để kịp thời xây dựng, phát triển và hoàn thiện Hệ thống, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu của cộng đồng doanh nghiệp.

Từ năm 2011, Hệ thống Thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia đã chính thức được đưa vào vận hành trên phạm vi toàn quốc và kể quý II năm nay, Hệ thống này đã thực sự được hoàn thiện với khả năng cung cấp hàng loạt dịch vụ công hiện đại, tiên tiến, như đăng ký điện tử qua mạng, cung cấp thông tin pháp lý về doanh nghiệp, bố cáo điện tử qua mạng, tra soát trực tiếp tên doanh nghiệp đã đăng ký, chỉnh sửa hiệu đính thông tin doanh nghiệp qua mạng…

Về việc nâng cao khả năng chuyên môn và nhận thức của đội ngũ cán bộ đăng ký kinh doanh, các chương trình bồi dưỡng, đào tạo của các nhà tài trợ về môi trường kinh doanh, nghiệp vụ đăng ký, hỗ trợ thủ tục gia nhập thị trường cho doanh nghiệp đã tạo được sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của đội ngũ cán bộ làm công tác đăng ký kinh doanh, từng bước tạo dựng một nền hành chính phục vụ, chuyên nghiệp, hiện đại, được doanh nghiệp và cộng đồng quốc tế ghi nhận.


Những đóng góp của các tổ chức quốc tế đối với công tác đăng ký kinh doanh
tại Việt Nam là rất cơ bản và toàn diện

Như vậy, những đóng góp của các tổ chức quốc tế đối với công tác đăng ký kinh doanh tại Việt Nam là rất cơ bản và toàn diện, mang một tầm ý nghĩa lớn. Vượt ngoài những bổn phận và cam kết chính trị, đó còn thể hiện sự trân trọng và mong muốn chân thành của những người bạn quốc tế đối với sự phát triển của Việt Nam.

Với những đóng góp đó, công tác cải cách đăng ký kinh doanh đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận trong thời gian qua, thể hiện cụ thể qua nhiều khía cạnh.

Về mặt pháp lý, một khung khổ pháp lý mới về đăng ký kinh doanh đã được xây dựng phù hợp với thông lệ quốc tế, trong đó, hợp nhất thủ tục đăng ký kinh doanh và đăng ký thuế tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp khi gia nhập thị trường, tạo căn cứ pháp lý để tin học hóa hoàn toàn nghiệp vụ đăng ký kinh doanh, xây dựng và hoàn thiện Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.

Về mặt hạ tầng kỹ thuật, đã thực hiện tin học hóa nghiệp vụ đăng ký doanh nghiệp, ứng dụng triệt để công nghệ thông tin trong xử lý nghiệp vụ đăng ký kinh doanh. Với Hệ thống thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia, các cơ quan đăng ký kinh doanh có thể nâng cao đáng kể hiệu suất công tác, đồng thời, tự động hóa hoàn toàn các quy trình nghiệp vụ, qua đó giảm thiểu sự can thiệp của cán bộ làm công tác đăng ký kinh doanh trong các quá trình ra các quyết định hành chính.

Về minh bạch hóa thông tin, việc hoàn thiện Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp tạo điều kiện cho các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp tiếp cận được thông tin có giá trị pháp lý về doanh nghiệp. Đây là một bước đi quan trọng trong việc minh bạch hóa môi trường kinh doanh của Việt Nam và góp phần đảm bảo thực thi chức năng quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp. Với việc công khai hóa thông tin doanh nghiệp, cộng đồng xã hội sẽ được cung cấp thêm công cụ giám sát các hoạt động của doanh nghiệp. Đồng thời, công cụ này sẽ góp phần nâng cao ý thức và trách nhiệm tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp.

Nhìn chung, các cải tiến nêu trên cùng với việc liên tục đơn giản hóa thủ tục gia nhập thị trường cho doanh nghiệp đã tạo được sự chuyển biến tích cực về môi trường kinh doanh cho cộng đồng doanh nghiệp. Điều này góp phần quan trọng trong việc huy động nguồn lực nhàn rỗi của dân cư cho sản xuất - kinh doanh, phát triển kinh tế; đồng thời nâng cao hình ảnh của Việt Nam nói chung trước cộng đồng trong nước và quốc tế, nâng cao vị trí xếp hạng của Việt Nam về tính minh bạch, cải thiện môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh.

Trong tương lai, công tác cải cách đăng ký kinh doanh sẽ hướng tới xây dựng một môi trường kinh doanh bình đẳng cho mọi loại hình kinh tế khi gia nhập thị trường, không phân biệt nguồn vốn trong và ngoài nước.

Đây cũng là định hướng được các tổ chức quốc tế đồng thuận và hoan nghênh. Với sự phối hợp chặt chẽ và mối quan hệ hợp tác lâu dài, Cục Quản lý đăng ký kinh doanh tin tưởng rằng, những định hướng đúng đắn, phù hợp với yêu cầu tất yếu của thị trường sẽ luôn được các tổ chức quốc tế quan tâm, ủng hộ và hỗ trợ tích cực.

300.000 đồng/lần công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp
Từ hôm nay (1/10) phí công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp sẽ được áp dụng mức 300.000 đồng/lần. Đăng bố cáo điện tử được hỗ trợ chi...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư