Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
VAMC tiên phong đòi nợ, ngân hàng rục rịch theo
Hà Tâm - 23/08/2017 08:24
 
Đầu tuần này, Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) chính thức “siết nợ” trường hợp đầu tiên theo tinh thần của Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu. Cùng lúc, nhiều ngân hàng cũng ráo riết đưa ra kế hoạch xử lý những con nợ khó đòi trong năm nay.

VAMC “nổ súng” tiên phong

Sau đúng 1 tuần kể từ khi Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu có hiệu lực (15/8), ngày 21/8, VAMC đã tiến hành thu giữ tài sản bảo đảm của Công ty cổ phần Sài Gòn One Tower. Đây là trường hợp đầu tiên, VAMC thu giữ tài sản đảm bảo theo Nghị quyết 42/2017/QH14.

Trước đó, khoản nợ xấu 7.000 tỷ đồng này đã được VAMC mua lại từ một số ngân hàng. VAMC đã đòi nợ nhiều lần, nhưng khách hàng không trả nợ và cũng không chịu bàn giao tài sản đảm bảo. Lãnh đạo VAMC khẳng định, toàn bộ quá trình thu giữ đã tuân thủ theo đúng trình tự quy định tại Điều 7, Nghị quyết 42/2017/QH14.

Dự án của Công ty Saigon One Tower tại TP.HCM.
Dự án của Công ty Saigon One Tower tại TP.HCM (bên phải)

Đại diện VAMC cho biết, việc thu giữ tài sản đảm bảo trên không chỉ để nhằm đẩy nhanh xử lý nợ xấu, mà còn cảnh báo những khách hàng có nợ xấu để nâng cao ý thức trả nợ của khách hàng cho VAMC cũng như các tổ chức tín dụng.

Theo các chuyên gia ngân hàng, trước đây, các con nợ chây ỳ, không chịu trả nợ vì dù ngân hàng khởi kiện ra tòa thì cũng rất khó thu giữ tài sản đảm bảo. Vì vậy, việc VAMC thu giữ thành công khoản nợ đầu tiên theo trình tự của Nghị quyết 42/2017/QH14 không chỉ tạo động lực cho các ngân hàng mạnh tay vận dụng nghị quyết này để xử lý nợ xấu, mà còn khiến các con nợ giật mình và nâng cao ý thức trả nợ.

Ông Nguyễn Tiến Đông, Chủ tịch Hội đồng Quản trị VAMC thông tin thêm, sau khi thu hồi khoản nợ 7.000 tỷ đồng nói trên, ngoài việc tăng cường thu giữ tài sản đảm bảo theo quy định, VAMC sẽ lập danh sách những khoản nợ khó đòi, gửi sang Tòa án và đề nghị áp dụng thủ tục rút gọn để đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu.

Ngoài ra, VAMC cũng đang xây dựng danh mục các tài sản đảm bảo bất động sản khả thi để chào bán tới các nhà đầu tư.

Với cách làm đồng bộ như vậy, cộng với việc cho phép bán nợ xấu dưới giá trị sổ sách, chắc chắn, kho nợ của VAMC sẽ vợi bớt thời gian tới.

Ngân hàng rậm rịch vào cuộc

Không chỉ VAMC, mà các ngân hàng thương mại cũng đang nghiên cứu kỹ Nghị quyết 42/2017/QH14 và rốt ráo lên phương án xử lý những khoản nợ xấu khó đòi. Thực tế, có những khoản nợ xấu mà nếu không có Nghị quyết 42/2017/QH14, thì sẽ không bao giờ xử lý được.

Đơn cử, theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đầu tư, hiện nay, Khách sạn Hoàng Cung – Imperia Huế đang nợ 3 ngân hàng là VietinBank, Vietcombank và Agribank số tiền lên tới gần 300 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến nay, sau 5 năm quá hạn, doanh nghiệp vẫn chưa trả nợ và vẫn không chịu bàn giao tài sản đảm bảo để ngân hàng xử lý nợ.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Lý Hoàng Vũ, Giám đốc Vietcombank Huế cho biết, ngân hàng đang “mất ăn mất ngủ” vì trường hợp này. Hiện tại, Vietcombank đã kiện ra tòa để đòi nợ và tòa đã thụ lý. Tuy nhiên, do các cổ đông của doanh nghiệp trên cũng đang kiện nhau ra tòa vì tranh chấp về người đại diện pháp luật (đã xử 3 lần và đã trả hồ sơ điều tra lại từ đầu), nên vụ kiện đòi nợ của Vietcombank bị tòa hoãn lại.

Theo các luật sư, với trường hợp trên, tòa án vẫn có thể xử lý 2 vụ kiện độc lập. Việc đòi nợ của Vietcombank không ảnh hưởng bởi vụ tranh chấp nội bộ của công ty trên. Chưa kể, với những trường hợp tương tự như vậy, không loại trừ khả năng khách hàng sử dụng chiêu trò để kéo dài thời gian xử lý nợ. Do đó, với trường hợp trên, nếu không áp dụng Nghị quyết 42/2017/QH14, thì việc xử lý nợ có thể sẽ còn kéo dài nhiều năm nữa.

“Chúng tôi rất mong mỏi tòa án các cấp sớm áp dụng xét xử rút gọn để ngân hàng sớm đẩy nhanh quá trình xử lý nợ”, ông Lý Hoàng Vũ nói.

Không chỉ Vietcombank, mà hầu hết các ngân hàng hiện nay đều rơi vào tình trạng tương tự khi hàng ngàn vụ việc đang “ngâm” tại tòa án hoặc tại cơ quan thi hành án. Theo đó, nhiều vụ việc khởi kiện ra tòa sau 2 năm mới có phiên hòa giải đầu tiên, sau 5 năm mới có bản án và sau 7 - 8 năm vẫn chưa được thi hành án.

Đại diện Techcombank cho hay, ngân hàng này còn tồn nhiều khoản nợ đã có bản án có hiệu lực từ năm 2012 - 2014, nhưng chưa thể thi hành để thu hồi nợ.

Lãnh đạo nhiều ngân hàng mong mỏi, Hội đồng Thẩm phán, Tòa án Nhân dân Tối cao sớm có văn bản hướng dẫn chi tiết về trình tự rút gọn cụ thể về mặt hồ sơ, thời gian thụ lý… theo Nghị quyết 42/2017/QH14 để các ngân hàng có thể dễ dàng áp dụng, nhanh chóng đẩy nhanh tốc độ xử lý nợ xấu.

Agribank khởi động chiến dịch phá băng nợ xấu
Agribank là ngân hàng đầu tiên công bố “chiến dịch” bài bản về “giải cứu” nợ xấu với quyết tâm cùng ngành ngân hàng xử lý nhanh, dứt...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư