Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 18 tháng 04 năm 2024,
Vẫn băn khoăn hợp đồng bảo hiểm, bảo hiểm vi mô khi sửa luật
Nguyễn Lê - 28/09/2021 16:55
 
Chiều 28/9, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội họp phiên toàn thể thứ hai, thẩm tra dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi).
.
Phiên họp toàn thể chiều 28/9 của Uỷ ban Kinh tế.

Phát biểu khai mạc, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, sau khi Thường trực Ủy ban họp mở rộng thẩm tra sơ bộ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến, hồ sơ dự án luật đã được hoàn thiện thêm một bước, chỉnh sửa một số nội dung quan trọng.

Doanh nghiệp phải xác định tỷ lệ an toàn vốn

Trình bày tờ trình, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, lần sửa đổi này sẽ cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm, kết hợp với việc cải cách toàn diện công tác quản lý, kiểm tra, thanh tra chuyên ngành, bảo đảm thực hiện có hiệu quả công tác quản lý nhà nước và phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật về kinh doanh bảo hiểm; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư, khách hàng, sự an toàn của cả hệ thống, tiết giảm chi phí xã hội.

Gồm 8 chương, 156 điều, Dự thảo luật cụ thể hóa 7 nhóm chính sách về hợp đồng bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, bảo hiểm vi mô, đại lý bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm, dịch vụ phụ trợ bảo hiểm, quản lý tài chính, doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, quản lý nhà nước về kinh doanh bảo hiểm.

Lần sửa đổi này đối tượng áp dụng mở rộng so với luật cũ là tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô, nguyên tắc cung cấp và sử dụng dịch vụ bảo hiểm cũng được sửa đổi để phù hợp với quy định pháp luật hiện hành, tập quán quốc tế và các cam kết quốc tế Việt Nam tham gia.

Quy định các loại hình bảo hiểm thành 3 loại cơ bản theo thông lệ quốc tế là bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm phi nhân thọ và bảo hiểm sức khỏe và bảo hiểm bắt buộc, giới hạn lại để phản ánh đúng bản chất của loại hình bảo hiểm này.

Về các quy định cụ thể có một số điểm mới đáng chú ý như, mở rộng đối tượng nhà đầu tư nước ngoài, cho phép các tập đoàn tài chính có hoạt động kinh doanh bảo hiểm; đơn giản điều kiện cho các doanh nghiệp bảo hiểm đã được cấp giấy phép tại Việt Nam muốn thành lập doanh nghiệp bảo hiểm mới; bổ sung việc đăng ký kinh doanh; cho phép doanh nghiệp bảo hiểm cung cấp sản phẩm thuộc lĩnh vực bảo hiểm khác.

Bảo hiểm vi mô được quy định mới bao gồm nội dung về đặc trưng bảo hiểm vi mô và các tổ chức được cung cấp sản phẩm bảo hiểm vi mô (doanh nghiệp bảo hiểm, tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô).

Dự luật cũng sửa đổi, bổ sung quy định về quản lý tài chính đối với doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm theo hướng chuyển đổi sang quản lý vốn trên cơ sở rủi ro. Theo đó, dự thảo Luật yêu cầu doanh nghiệp phải xác định tỷ lệ an toàn vốn, quản lý vốn tương ứng với quy mô và mức độ rủi ro của doanh nghiệp.

Nhà nước phải kiểm soát hợp đồng mẫu

Đánh giá cao quá trình hoàn thiện dự luật của Bộ Tài chính - cơ quan chủ trì soạn thảo, song các ý kiến tại phiên họp còn khá nhiều băn khoăn về hợp đồng bảo hiểm, bảo hiểm vi mô, về quy định quản lý nhà nước, quy định chuyển tiếp....

Về hợp đồng bảo hiểm, khi thẩm tra sơ bộ, Thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng, việc quy định như Dự thảo là chưa phù hợp, chưa công bằng với bên mua bảo hiểm và chưa thống nhất với quy định về hậu quả của việc hủy bỏ hợp đồng tại Bộ luật Dân sự.

Khi thảo luận  tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong phiên họp tháng 9/2021 một số ý kiến nhận xét rằng, quy định về hợp đồng bảo hiểm tại Dự thảo còn nặng về bảo vệ quyền lợi người bán hơn là người mua bảo hiểm.

Hồ sơ dự án luật mới nhất cho thấy những góp ý trên đã được tiếp thu, chỉnh sửa. Tuy nhiên, theo chuyên gia Đỗ Văn Sinh, vẫn rất cần cơ quan nhà nước phải kiểm soát hợp đồng mẫu, để đảm bảo quyền lợi cho bên mua bảo hiểm, nhất là bảo hiểm nhân thọ.

Hiện có hơn 10 triệu người tham gia loại bảo hiểm này, mà hợp đồng có khi dài đến hơn trăm trang thì không biết người mua có đủ thời gian đọc để hiểu hay không, ông Sinh băn khoăn.

Cũng băn khoăn về việc ai sẽ bảo vệ người mua bảo hiểm, Ủy viên Ủy ban Kinh tế, đại biểu Vũ Tiến Lộc đề nghị mỗi sản phẩm bảo hiểm nhân thọ trước khi ban hành thì cần báo cáo Bộ Tài chính.

Nhận xét dự thảo luật còn có đến 21 vấn đề giao cho Chính phủ quy định và 21 vấn đề giao Bộ Tài chính hướng dẫn, ông Lộc cho rằng có cảm giác đây vẫn là luật khung.

Khẳng định quá trình soạn thảo văn bản dưới luật sẽ kém minh bạch hơn đưa ra Quốc hội xem xét ngay trong luật, ông Lộc đề nghị luật này liên quan rất lớn đến người dân, nên cần đưa đến gần dân hơn. Cần quy định chi tiết để dân đọc là hiểu được, nên đưa quy định giấy yêu cầu bảo hiểm, chứng nhận bảo hiểm,  hướng dẫn khi xảy ra tổn thất thì thông báo như thế nào, hồ sơ cần gì, nếu không chi trả thì doanh nghiệp phải từ chối như thế nào...vào ngay trong luật, ông Lộc góp ý.

Một nội dung nữa khiến nhiều đại biểu băn khoăn là quy định về bảo hiểm vi mô, một vấn đề mới nhưng chỉ được quy định rất ngắn tại 2 điều và sau nhiều vòng thảo luận Chính phủ vẫn xin giữ nguyên dự thảo.

Chuyên gia Đỗ Văn Sinh phân tích, luật này là luật kinh doanh bảo hiểm, vậy thì khi đưa ra quy định về bảo hiểm vi mô không thể loại bỏ được tính chất kinh tế ở đây. Nhưng hiện nay chỉ có Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam đang thực hiện, năm 2020 thu hơn 8 tỷ mà chi có hơn một tỷ thôi, so với quy mô của nền kinh tế quá bé nhỏ, nhưng chi phí rất lớn.

Đồng tình, đại biểu Vũ Tiến Lộc nhận xét quy định về bảo hiểm vi mô khá sơ sài và lạc lõng, cần bổ sung mô hình hoạt động, thủ tục thành lập, khả năng thanh toán... về bảo hiểm vi mô vào dự thảo.

Chỉ có 2 điều mà lại giao cho Chính phủ quy định thì vô hình chung quay lại như ngày xưa, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng - An ninh Trịnh Xuân An nhận xét.

Hồi âm ý kiến đại biểu, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, sẽ nghiên cứu tiếp thu để hoàn thiện Dự thảo.

Liên quan đến hợp đổng bảo hiểm, ông Phớc nói rõ, Dự thảo đã quy định chi tiết nội dung hợp đồng và dữ liệu sẽ được tập hợp có hệ thống, khi có tranh chấp thì theo chức năng Bộ Tài chính hoặc tòa án sẽ xử lý. Về bảo hiểm vi mô, ông Phớc cho rằng mang tính xã hội nhiều hơn, hiện bảo hiểm vi mô đang phát triển rộng nên cần có bộ máy chuyên nghiệp, hiện nay chủ yếu là cán bộ nhà nước kiêm nhiệm. Vấn đề này Ban soạn thảo sẽ tiếp thu và đưa ra những quy định cụ thể hơn về hợp đồng, giải thể, phá sản... Bộ trưởng nói.

Nhấn mạnh đây là luật lớn, khó, được toàn dân quan tâm, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ yêu cầu sửa luật phải để các doanh nghiệp bảo hiểm phát triển nhưng cũng phải để dân hiểu, tự nguyện tham gia, thị trường phát triển nhưng phải an dân.

Đây là lĩnh vực đặc biệt, phải phòng ngừa rủi ro từ xa, hạn chế đổ vỡ, đảm bảo quyền lợi của dân, Phó chủ tịch lưu ý.

Dịch bệnh covid - 19 tác động đến doanh nghiệp bảo hiểm như thế nào, liên quan đến việc sửa luật ra sao cũng là vấn đề Phó chủ tịch đề nghị có đánh giá sâu sắc. 

Dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp thứ hai, khai mạc ngày 20/10 tới, dự kiến có hiệu lực từ 1/7/2023.

Sẽ áp dụng hệ số an toàn vốn với doanh nghiệp bảo hiểm
Từ chỗ chỉ giám sát thông qua biên khả năng thanh toán, cơ quan quản lý sẽ áp dụng tỷ lệ an toàn vốn với các doanh nghiệp bảo hiểm từ năm 2023,...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư