Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Vẫn còn loạt ý kiến ngoại trừ của kiểm toán, VEAM khó lòng chuyển sàn
Thanh Thủy - 31/08/2020 16:35
 
Báo cáo soát xét do VACO đảm nhận kiểm toán nêu ra một loạt ý kiến ngoại trừ. Điều này khiến cửa chuyển sàn ngay trong năm 2020 này của VEAM gần như đã đóng lại.

Vẫn còn loạt cơ sở cho ý kiến ngoại trừ

Tổng công ty Máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM – mã VEA) vừa công bố báo cáo tài chính soát xét. Tương tự như báo cáo kiểm toán năm 2019, công ty kiểm toán vẫn đưa ra ý kiến kết luận ngoại trừ với 3 cơ sở cùng 3 vấn đề cần nhấn mạnh.

Trong đó, theo công ty kiểm toán Vaco, khả năng thu hồi đối với các khoản phải thu về hỗ trợ vốn (126,6 tỷ đồng) không đảm bảo tính đầy đủ và thích hợp;dự phòng tồn kho đối với một số mặt hàng chậm luân chuyển có giá trị 1.175 tỷ đồng và khoản chi phí trả trước của một công ty con (gần 290 tỷ đồng) không thu thập được đầy đủ bằng chứng thích hợp.

Ngoài ra, liên quan đến hạch toán doanh thu giao dịch bán 450 xe Mighty năm 2017 trong kết quả năm năm 2018 dù thời gian bàn giao là năm 2019, Deloite từng  xác định đây là bút toán “không phù hợp với chuẩn mực kế toán” báo cáo kiểm toán năm trước. Tuy nhiên, theo báo cáo soát xét bán niên, đây là 1 nội dung nằm trong vấn đề khác. Vaco nhận định vấn đề xảy ra trong quá khứ này không còn ảnh hưởng đến bảng cân đối kế toán năm 2020, chỉ ảnh hưởng đến số liệu so sánh trên báo cáo kết quả kinh doanh.

Các kết luận của kiểm toán viên sẽ tác động trực tiếp đến khả năng chuyển sàn của VEAM. Đây cũng là một nội dung liên tục được các cổ đông đặt ra ở các kỳ đại hội gần đây. Ở cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2020, ban lãnh đạo dự kiến cổ phiếu VEA sẽ có cơ hội được niêm yết trên sàn HNX trong năm nay, thay vì sàn HOSE. Nhưng điều kiện niêm yết của cả hai sàn này đều là tuân thủ quy định của pháp luật về kế toán báo cáo tài chính. VEAM vì vậy khó có “cửa” sang niêm yết ngay năm nay.

Cổ phiếu VEA đã chào sàn UPCoM từ tháng 7/2018 và nhanh chóng tăng giá mạnh hơn một năm sau đó bất chấp xu hướng điều chỉnh của thị trường chung giai đoạn này. Tuy nhiên, giá cổ phiếu quay đầu giảm từ giữa năm 2019 và hiện giao dịch ở mức 49.300 đồng/cp.

Thu hẹp quy mô hoạt động, gửi tiền ngân hàng kỳ hạn dài hơn

Nửa đầu năm 2020, kết quả kinh doanh của VEAM giảm so với cùng kỳ với lợi nhuận sau thuế đạt gần 2.277 tỷ đồng, giảm 31,5% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, điều này chủ yếu bởi phần lãi từ đầu tư công ty liên kết nửa đầu năm nay giảm 42%, chỉ đạt 1.936 tỷ đồng. VEAM đang nắm giữ vốn góp tại hai liên doanh Honda Việt Nam và Ô tô Toyota Việt Nam. Lợi nhuận hàng kỳ của VEAM phụ thuộc nhiều vào thời điểm quyết định chi trả cổ tức của hai liên doanh được ví như con gà đẻ trứng vàng này.

Tuy nhiên, nếu không tính khoản lãi từ liên doanh, kết quả kinh doanh nửa đầu năm 2020 lại khá tích cực. Quy mô doanh thu thu hẹp lại nhưng biên lợi nhuận cải thiện từ 1,19% lên 10,12%, kéo lợi nhuận gộp tăng lên 178,6 tỷ đồng. Cùng đó, VEAM  giảm mạnh lượng tiền và tương đương tiền vào ngày 30/6 xuống 277 tỷ đồng, mức thấp nhất ở thời điểm cuối quý kể từ khi cổ phần hóa.

Thay vì để nhiều tiền mặt/ tiền gửi tiết kiệm kỳ hạn dưới 3 tháng, công ty gửi kỳ hạn dài hơn (3 -12 tháng), trong đó tăng mạnh tiền gửi tại Agribank, BIDV, SeABank... Nhờ đó, doanh thu tài chính nửa đầu năm nay đạt 483 tỷ đồng, tăng 31% so với cùng kỳ.

Cập nhật mới của VEAM tại báo cáo soát xét bán niên, công ty cho biết Ô tô Toyota sẽ nhận khoản cổ tức 876,2 tỷ đồng trong khoản cổ tức tổng cộng 4.381 tỷ đồng của liên doanh theo quyết định ban hành ngày 30/6/2020.

VEAM có 8 công ty liên kết, một nửa trong số này báo lãi nửa đầu năm nay. Đáng chú ý, Ford Việt Nam kỳ này cũng báo lỗ. Kiểm toán viên cũng cho biết thêm công ty liên kết Golden City – CKV cùng một số khoản đầu tư góp vốn khác như Mekong Auto, Năm sao Hà Nội, VEAM Korea Corp đều không thu thập được báo cáo tài chính nửa đầu năm.

HĐKD các công ty liên kết nửa đầu năm: Ford Việt Nam bất ngờ thua lỗ
HĐKD các công ty liên kết nửa đầu năm: Ford Việt Nam bất ngờ thua lỗ
Nhiều sai phạm trong công tác tổ chức cán bộ và sử dụng vốn tại VEAM
Quá trình quản lý, điều hành tại Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam – CTCP (VEAM) và một số đơn vị thành viên còn tồn tại...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư