Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 27 tháng 11 năm 2024,
Vàng “bốc hơi” cả triệu đồng mỗi lượng
Tùng Linh - 13/04/2024 18:09
 
Cú rơi của vàng thế giới sau khi vượt mốc 2.400 USD/ounce trong những giờ giao dịch cuối cùng của tuần qua đã khiến thị trường vàng trong nước “chao đảo”. Vàng miếng SJC và vàng nhẫn nhiều nơi đều đồng loạt giảm trên 1 triệu đồng mỗi lượng.

Tại Công ty Vàng bạc Đá quý Sài gòn (SJC), giá vàng miếng SJC khép lại tuần qua ở mức 80,6 triệu đồng/lượng (mua vào ) và 83,1 triệu đồng/lượng (bán ra), giảm lần lượt 1,9 triệu đồng/lượng chiều mua vào và 1,4 triệu đồng/lượng chiều bán ra so với hôm qua. Các hãng trên đều giảm mạnh giá vàng sau khi yết giá cao vọt chiều qua. Giá thu mua vàng của DOJI giảm tới 2,2 triệu đồng/lượng so với hôm qua.

Chênh lệch giá mua - bán hiện ở mức 2,5 triệu đồng/lượng. Tương tự SJC, Tập đoàn DOJI và PNJ đều đang yết mức giá và chênh lệch như trên. Trong khi đó, một số hãng đang chấp nhận “ăn” chênh lệch mua - bán ít hơn đối với sản phẩm vàng miếng SJC. Tại Hà Nội, Bảo tín Minh châu mua vào với giá 80,8 triệu đồng/lượng trong khi bán ra 82,9 triệu đồng/lượng. Còn Vàng Mi Hồng tại TP.HCM chấp nhận thu mua ở mức 81,3 triệu đồng/lượng.

Trong tuần, đã có thời điểm giá bán ra vàng miếng SJC chạm mốc 85 triệu đồng/lượng vào cuối giờ sáng thứ Sáu. So với con số kỷ lục trên, giá vàng miếng đã “bốc hơi” gần 2 triệu đồng. Với các nhà đầu tư đổ xô đi mua, thậm chí phải xếp hàng chờ trong buổi sáng thứ Sáu, khoản lỗ phải chịu nếu bán lại cho cửa hàng vàng lên tới 4,4 triệu đồng/lượng.

Giá vàng nhẫn cũng điều chỉnh trong ngày cuối tuần. Tại Công ty Vàng bạc Đá quý Sài gòn (SJC), giá vàng nhẫn yết ở mức 74,3 triệu đồng/lượng (mua vào) và 76,2  triệu đồng/lượng (bán ra), lần lượt giảm 1,05 triệu đồng/lượng (mua vào) và 950.000 đồng/lượng (bán ra). Chênh lệch giá mua - bán qua đó nới lên 1,9 triệu đồng mỗi lượng.

Tại Bảo Tín Minh Châu, giá vàng nhẫn cũng dịu lại sau khi leo đỉnh  78 triệu đồng/lượng. Hãng vàng này đang yết giá mua ở mức 74,08 triệu đồng/lượng, trong khi giá bán là 76,08 triệu đồng/lượng.

Nhịp điều chỉnh lần này có sự hỗ trợ lớn từ cú rơi của vàng trên thị trường quốc tế. Ngay trong phiên khép lại tuần giao dịch đầy biến động, vàng thực tế đã chinh phục mốc 2.400 USD/ounce, thậm chí vút lên mức 2.430 USD/ounce. Áp lực chốt lời kéo vàng quay đầu, giảm tới 90 USD/ounce từ mức cao nhất trong phiên.

Khép lại tuần qua, giá vàng giao ngay ở mức 2.342,9 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 6/2024 trên sàn Comex New York giao dịch tại 2.360 USD/ounce. Dù vậy, nhìn lại cả tuần, vàng thế giới cũng tiếp tục ghi nhận thêm một tuần tăng, xấp xỉ 1,43%. Nhu cầu trú ẩn an toàn mạnh mẽ đã “lu mờ” những lo ngại về khả năng Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) trì hoãn cắt giảm lãi suất.

Tương tự vàng thế giới, vàng trong nước cũng tiếp  tục có thêm một tuần tăng giá. Tính chung trong cả tuần, giá vàng miếng SJC thu mua vẫn tăng 1,1 triệu đồng, trong khi tăng 1,2 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra, tương đương mức tăng khoảng 1,47%. Vàng miếng SJC cũng giảm nhưng tốc độ giảm chậm hơn thị trường quốc tế. Chênh lệch giữa giá vàng miếng SJC và vàng thế giới quy đổi hiện khoảng 10,7 triệu đồng mỗi lượng, chưa thể thu hẹp lại so với cuối tuần trước.

Cú rơi của vàng miếng SJC trong nhịp điều chỉnh lần này nhanh và mạnh hơn vàng nhẫn. Một phần cũng bởi nhà đầu tư chờ đợi các biện pháp quản lý thị trường vàng, đặc biệt là sản phẩm vàng miếng.

Trong Thông báo số 160/TB-VPCP ngày 11/4/2024 kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp về các giải pháp quản lý thị trường vàng trong thời gian tới do Văn phòng Chính phủ vừa ban hành, Thủ tướng đã giao Ngân hàng Nhà nước chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tập trung thực hiện nghiêm các quy định tại Nghị định số 24/2012/NĐ-CP trong đó theo dõi sát diễn biến giá vàng thế giới, trong nước và theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh cần khẩn trương thực hiện ngay các biện pháp, công cụ theo quy định pháp luật, nhất là Nghị định 24 để quản lý, điều hành chặt chẽ, hiệu quả, kịp thời nguồn cung cho sản xuất vàng miếng, vàng trang sức mỹ nghệ, phù hợp với diễn biến thị trường, bảo đảm hoạt động, giao dịch trên thị trường được quản lý, kiểm soát chặt chẽ bằng các công cụ đã có, không ảnh hưởng đến tỷ giá, dự trữ ngoại hối nhà nước, không để xảy ra tình trạng trục lợi, đầu cơ, thao túng, đẩy giá…

Ngay trong ngày 12/4, Phó thống đốc Phạm Thanh Hà trả lời báo chí và khẳng định Ngân hàng Nhà nước chuẩn bị sẵn sàng các phương án can thiệp, đồng thời thực hiện công tác kiểm tra hoạt động kinh doanh vàng của các doanh nghiệp.

“Ngân hàng Nhà nước sẽ thực hiện tăng cung để xử lý tình trạng chênh lệch cao của giá vàng trong nước với giá thế giới; tiếp tục tạo điều kiện tối đa đối với thị trường vàng trang sức, mỹ nghệ nhằm đảm bảo đủ nguyên liệu cho các hoạt động sản xuất để xuất khẩu vàng trang sức mỹ nghệ và phối hợp với các bộ, ngành liên quan để yêu cầu doanh nghiệp triển khai sử dụng hoá đơn điện tử trong các giao dịch mua bán, vàng”, các biện pháp cụ thể đã được đại diện Ngân hàng Nhà nước chỉ rõ.

Trước đó, trong kiến nghị mới đây, Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam (VGTA) đã xin cấp giấy phép nhập khẩu vàng nguyên liệu cho 3 doanh nghiệp, bao gồm DOJI, SJC và PNJ nhập khẩu vàng nguyên liệu để chế tác vàng nữ trang với lượng nhập khẩu trước là 1,5 tấn vàng/năm.

Sẽ tăng cung vàng miếng, thanh tra hiện tượng đầu cơ, trục lợi giá vàng ngay trong tháng 4
Phó thống đốc Phạm Thanh Hà cho biết, Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh chuẩn bị sẵn sàng các phương án can thiệp, đồng thời thực hiện công tác...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư