Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Vàng giảm mạnh, liệu có cơ hội lập đỉnh mới?
Thùy Vinh - 14/08/2020 09:52
 
Giá vàng điều chỉnh mạnh những ngày gần đây do ảnh hưởng bởi sắc lệnh mới của Tổng thống Donald Trump về gói hỗ trợ thất nghiệp cho người dân Mỹ. Liệu mặt hàng này còn cơ hội đi lên?

Dưới đây là chia sẻ của ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần Đầu tư và Kinh doanh vàng Việt Nam (VGB).

.
Ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần Đầu tư và Kinh doanh vàng Việt Nam (VGB).

Giá vàng thế giới đã nhanh chóng đảo chiều, theo ông, nguyên nhân do đâu?

Sau chuỗi ngày dài leo thang và lập đỉnh mới 2.070 USD/ounce, giá vàng quốc tế đã nhanh chóng điều chỉnh, giảm mạnh chỉ còn 1.921,7 USD/ounce trong ngày thứ tư tuần này.

Nguyên nhân được cho là do Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo ký sắc lệnh hành pháp mở rộng gói hỗ trợ thất nghiệp cho người dân Mỹ bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Theo sắc lệnh này, mỗi người Mỹ bị thất nghiệp sẽ được nhận khoản tiền hỗ trợ 400 USD/tuần. Trả lời phóng viên trong cuộc họp báo, Tổng thống Donald Trump cho biết, đây là một trong hàng loạt sắc lệnh hỗ trợ nhằm hạn chế tác động của Covid-19, trong đó có sắc lệnh hỗ trợ khoản nợ của sinh viên, tạm ngừng thu thuế tiền lương, hỗ trợ người dân không bị tịch thu tài sản.

Tổng thống Donald Trump vẫn giữ lời hứa sẽ có hành động hành pháp nếu Quốc hội Mỹ không đạt được đồng thuận về các biện pháp kích thích. Ông Trump đã ký 4 sắc lệnh hành pháp vào Chủ nhật liên quan đến cứu trợ kinh tế, trợ cấp thất nghiệp, hoãn thuế tạm thời, bảo vệ trục xuất và liên quan đến các khoản vay cho sinh viên. Tuy nhiên, mức trợ cấp trên vẫn thấp hơn kỳ vọng của người lao động thất nghiệp Mỹ trước đó là 600 USD/tuần.

USD bật tăng hơn 1% sau khi các tin tức về việc làm tốt hơn dự kiến và dữ liệu về bảng phi nông nghiệp được công bố vào tối thứ 6 tuần trước. Bộ Lao động Mỹ cho biết, nền kinh tế nước này đã tạo ra thêm 1,763 triệu việc làm trong tháng 7, cao hơn dự báo tăng 1,4 triệu việc làm của các chuyên gia kinh tế tham gia cuộc thăm dò của Dow Jones. Tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ cũng tốt hơn dự kiến, giảm xuống 10,2%. Báo cáo việc làm tháng 5 và tháng 6 cũng được điều chỉnh cao hơn. Những yếu tố này đã khiến vàng mất điểm trong ngắn hạn, nhưng vẫn trên 2.000 USD/ounce.

Liệu vàng có cơ hội lập đỉnh mới trong thời gian tới đây, thưa ông?

Tôi cho rằng, trong xu thế ngắn hạn, mặt hàng kim loại quý này còn có cơ hội tăng và ở mức cao, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhất là căng thẳng trong quan hệ Mỹ - Trung tiếp tục leo thang. Các nhà đầu tư đang theo dõi căng thẳng Mỹ - Trung sau khi Mỹ áp đặt lệnh trừng phạt đối với các quan chức cấp cao của Hồng Kông và Trung Quốc, bao gồm cả Trưởng đặc khu Hồng Kông, vào thứ sáu tuần vừa rồi.

Các quan chức hai bên vẫn dự kiến gặp nhau để thảo luận về thương mại vào cuối tuần này (ngày 15/8). Quan hệ Mỹ - Trung căng thẳng đã ảnh hưởng lâu dài đến nền kinh tế lớn nhất thế giới. Đáng chú ý là trong thời kỳ nước Mỹ đang trong cuộc chạy đua bầu cử Tổng thống nhiệm kỳ tới.

Chính điều này sẽ tác động lên thị trường vàng và khả năng mặt hàng kim loại quý này còn tăng trong thời gian tới. Các dự báo đưa ra, vàng sẽ lập đỉnh cao hơn vừa rồi cho đến khi dịch bệnh có vắc-xin kiểm soát, cũng như căng thẳng Mỹ - Trung lắng dịu.

Theo ông, giá trong nước vẫn cao hơn quốc tế 4-5 triệu đồng/lượng, có phải do mặt hàng này đang bị làm giá?

Trong thời gian vàng tăng mạnh gần đây, thị trường nội địa có hiện tượng giá cao hơn vàng quốc tế đến hàng triệu đồng/lượng. Điều này cũng dễ hiểu vì nguồn cung vàng miếng trong nước khan hiếm kể từ khi Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý thị trường vàng đi vào cuộc sống. Việc khan hiếm nguồn cung vàng miếng cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến chênh lệch giá vàng trong và ngoài nước ngày càng nới rộng.

Tâm lý của nhà đầu tư trong nước phần nào đã khác trước. Nhiều người nhanh chóng chốt lời khi giá lên 2.070 USD/ounce. Do đó, trong ngày 10/8, khi giá vàng quốc tế giảm về 2.030 USD/ounce, thì giá vàng trong nước lại thấp hơn 500.000 đồng/lượng. Cầu bán vàng tăng, nên các doanh nghiệp kinh doanh niêm yết giá vẫn kéo rộng biên độ mua - bán lên trên dưới 2 triệu đồng/lượng, do nguồn cung lúc này gia tăng đáng kể. Vì thế, không phải cứ vàng tăng là nhà đầu tư trong nước thắng đậm, mà rủi ro luôn đi kèm, bởi thị trường vàng trong nước khó liên thông với quốc tế.

Giao dịch vàng trong nước vẫn được cho là khá yếu. Theo ông, Ngân hàng Nhà nước hoàn toàn có đủ lực để can thiệp thị trường vàng lúc cần thiết?

Vàng tăng cao, thu hút người dân mua bán, bởi thói quen của người Việt Nam lâu nay vẫn thích giữ vàng. Tuy nhiên, chênh lệch giá trong và ngoài nước lớn đang khiến nhà đầu tư trong nước thiệt thòi. Để can thiệp thị trường khi cần thiết, Ngân hàng Nhà nước có thể cấp hạn ngạch dập vàng miếng cho doanh nghiệp bằng nguồn nguyên liệu phân kim ở trong nước.

Được biết, Ngân hàng Nhà nước khẳng định, hiện nay giá vàng trong nước vẫn đang diễn biến theo giá thị trường nên chưa cần thiết phải can thiệp.

Biến động giá vàng: Thế giới lập kỷ lục mới, trong nước lấy lại mốc 62 triệu
Giá vàng thế giới giao dịch đầu ngày 7/8 vẫn trên đà đi lên khi chạm ngưỡng 2.080 USD/ounce và đang tiến sát mốc 2.100 USD/ounce, do ảnh hưởng của...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư