Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 28 tháng 04 năm 2024,
Vàng miếng SJC "bất động" dù thế giới giảm sâu, tỷ giá Vietcombank vọt lên 23.910 đồng/USD
Phạm Anh - 09/08/2023 10:54
 
Giá vàng SJC tiếp tục bật chế độ "bất động", bất chấp với sự trồi sụp của thị trường vàng quốc tế. Tỷ giá ghi nhận diễn biến đáng chú ý khi Vietcombank yết tăng mạnh 15 đồng mỗi chiều, đưa tỷ giá vượt trội so với mặt bằng chung.

Tại hệ thống cửa hàng Công ty Vàng bạc Đá quý Sài gòn (SJC), giá vàng miếng yết ở mức 66,65 - 67,25 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), giữ nguyên ở cả hai chiều mua và bán ra. Chênh lệch giữa hai chiều mua - bán duy trì ở mức khoảng 600.000 đồng/lượng.

Chênh lệch giữa giá vàng SJC trong nước và thế giới rơi vào khoảng gần 12 triệu đồng/lượng.

Trong phiên giao dịch ngày hôm nay, đã có thời điểm giá vàng quốc tế rơi xuống mức thấp nhất trong vòng 1 tháng rồi sau đó mới hồi phục trước áp lực của đồng USD và lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ. Ngoài ra, giới đầu tư cũng đang chờ đợi dữ liệu về tình hình lạm phát tại Mỹ sẽ được công bố trong tuần này để tìm thêm manh mối về phương hướng lập trường chính sách trong thời gian tới của cơ quan quản lý.

Ở thời điểm hiện tại, giá vàng giao ngay tăng 0,22% lên 1.929,31 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 12/2023 trên sàn Comex New York tăng 0,12% lên 1.962,8 USD/ounce.

Theo đó, thị trường vàng đang bị ảnh hưởng trước dữ liệu thương mại kém triển vọng từ Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đồng thời là quốc gia tiêu thụ vàng lớn nhất.

Số liệu chính thức được công bố ngày 8/8 cho thấy xuất khẩu của Trung Quốc đã ghi nhận mức giảm mạnh nhất trong hơn ba năm qua vào tháng 7. Xuất khẩu của Trung Quốc đã giảm 14,5% trong tháng 7 so với cùng kỳ năm ngoái, đánh dấu tháng giảm thứ ba liên tiếp. Mức giảm nói trên cũng lớn hơn dự đoán và là mức giảm mạnh nhất kể từ khi xuất khẩu của nước này giảm 17,2% vào đầu năm 2020.

Trong khi đó, nhập khẩu của Trung Quốc cũng giảm mạnh hơn dự đoán, ở mức 12,4%, đánh dấu tháng giảm thứ chín liên tiếp.

Nguy cơ suy thoái kinh tế tại Mỹ và châu Âu, cùng với tình trạng lạm phát cao, đã góp phần khiến nhu cầu toàn cầu đối với hàng hóa của Trung Quốc yếu đi trong những tháng gần đây.

Giới chức nước này đang chịu áp lực ngày càng gia tăng trong việc phải đưa ra các biện pháp kích thích mới sau nhiều tháng liên tục ghi nhận các số liệu kinh tế kém khả quan.

Mặt khác, các chuyên gia kinh tế cũng đang lo ngại chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của nước này sẽ được công bố trong ngày 9/8 sẽ giảm 0,4% so với cùng kỳ năm trước, đồng nghĩa với việc Trung Quốc sẽ trở thành quốc gia đầu tiên trong Nhóm các Nền Kinh tế Phát triển và Mới nổi Hàng đầu Thế giới (G20) có nguy cơ rơi vào tình trạng giảm phát, kể từ lần cuối cùng Nhật Bản công bố tăng trưởng CPI âm vào hai năm trước.

Ở một diễn biến khác, số liệu từ Văn phòng Thống kê Liên bang (Destatis) công bố ngày 8/8 cho biết lạm phát của Đức trong tháng 7/2023 là 6,2%. Chỉ số giá tiêu dùng ở Đức dù đã giảm nhưng trên thực tế vẫn cao hơn so với mức trung bình của toàn bộ Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone).

Nếu không bao gồm giá lương thực và năng lượng trong số liệu thống kê, lạm phát trong tháng 7/2023 của Đức sẽ ở mức 5,5%.

Trước đó vào cuối tháng 7, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã nâng lãi suất tiền gửi thêm 0,25 điểm phần trăm lên mức cao nhất trong 23 năm là 3,75%. Đây cũng là lần thứ 9 liên tiếp ECB tăng lãi suất trong vòng một năm qua, nhằm kiềm chế tình trạng lạm phát.

Ngoài ra, theo các chuyên gia của Kitco nhận định, thị trường vàng còn đón nhận thông tin không tốt từ báo cáo của Hội đồng Vàng Thế giới (WGC). Trong báo cáo được đưa ra vào ngày 8/8, số lượng nắm giữ vàng của các quỹ ETF toàn cầu đã chứng kiến tháng thứ 4 liên tiếp suy giảm, với số lượng 34 tấn, trị giá khoảng 2,3 tỷ USD. 

Trong tuần này, giới đầu tư đang chờ đợi thông tin về báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ dự kiến được công bố vào thứ Năm (10/8) và chỉ số giá sản xuất tháng 7 sẽ được công bố vào thứ Sáu (11/8).

Giới chuyên gia đang dự đoán CPI tháng 7 dự kiến ​​sẽ tăng 3,3% so với cùng kỳ năm ngoái, tăng nhẹ một chút so với mức 3,0% của tháng 6. Chỉ số PPI trong tháng 7 cũng được dự đoán sẽ tăng nhẹ so với tháng 6.

Chỉ số DXY - đo lường biến động của USD so với rổ 6 đồng tiền chủ chốt trên thế giới đã giảm 0,08% xuống 102,44 điểm.

Tỷ giá trung tâm hôm nay, ngày 9/8 được Ngân hàng Nhà nước công bố là 23.831 đồng/USD, tăng 29 đồng so với phiên trước.

Với biên độ +/-5% theo quy định, biên độ dao động của tỷ giá USD tương ứng là 22.640 - 25.022 đồng/USD.

Tại Vietcombank, tỷ giá hiện đang được yết ở mức 23.570 đồng/USD (mua vào) và 23.910 đồng/USD (bán ra). Tỷ giá USD tại ngân hàng lớn này đang cao hơn khá nhiều so với mặt bằng chung. Hầu hết các ngân hàng vẫn đang yết tỷ giá bán ra dưới mốc 23.900 đồng/USD. 

Ba lý do khiến tỷ giá khó sốt trở lại, dư địa giảm lãi suất vẫn còn
TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế cho rằng, lãi vay vẫn còn cao là một trong các rủi ro lớn của nền kinh tế. Dù vậy, áp lực tỷ giá giảm là cơ hội...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư