Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 27 tháng 04 năm 2024,
Vàng miếng SJC đã tăng hơn 7% kể từ khi ngưỡng tâm lý 2.000 USD/oz bị phá vỡ
Thanh Thủy - 07/08/2020 11:09
 
Chênh lệch giá vàng trong nước và giá thế giới quy đổi ngày càng nới rộng, hiện ở mức hơn 4,3 triệu đồng. Giá mua vào và bán ra có nơi tăng lên 2 triệu đồng.
TIN LIÊN QUAN

Vàng thế giới tiếp tục xác lập kỷ lục mới trong phiên giao dịch đêm qua khi có thời điểm nhảy lên mức 2.078 USD/oz. Đà tăng của thị trường vẫn đang được hỗ trợ bởi kỳ vọng về gói kích thích tài khóa của Mỹ để hỗ trợ nền kinh tế chống lại ảnh hưởng của dịch Covid-19 . Số ca nhiễm tại quốc gia này từ hôm qua đã chính thức cán mốc 5 triệu trường hợp, số ca nhiễm mới tiếp tục tăng nhanh chưa thể kiểm soát. Ngoài ra, đồng đôla vẫn đang ở vùng đáy 2 năm. Dù nhích nhẹ, chỉ số US Dollar Index vẫn chưa trở lại mốc 93 điểm, đang giao dịch ở mức 92,985 điểm.

Hiện giá vàng giao ngay giao dịch tại 2.066 USD/oz, tăng 3,2 USD/oz tương đương mức tăng 0,15% so với một ngày trước. Vàng giao tháng 12/2020 tăng mạnh hơn (0,4%) lên 2.077,8 USD/oz. Trong khi đó, vàng trong nước lại tăng mạnh tới gần 2% chỉ sau một đêm và đang ngày càng bỏ xa giá vàng thế giới quy đổi.

Kể từ lúc giá vàng vượt mốc 2.000 USD/oz hôm 4/8, vàng thế giới mới tăng hơn 3,5% nhưng vàng trong nước đã tăng tới hơn 7%. So với giá thế giới quy đổi chưa gồm thuế phí (57,89 triệu đồng/lượng), vàng trong nước đã tăng lên 4,3 triệu đồng mỗi lượng.

Vàng đã tăng mạnh trong tháng 7 và tuần đầu tiên của tháng 8/2020
Vàng đã tăng mạnh trong tháng 7 và tuần đầu tiên của tháng 8/2020

“Cơn say” trên thị trường vàng đã khiến giá vàng dao động với biên độ rất lớn trong ngày hôm qua. Lúc cao điểm nhất, giá vàng đã vượt mốc 62 triệu đồng/lượng vào đầu giờ chiều, tăng 3 triệu đồng so với hôm liền trước đó. Nhưng vài tiếng sau, thị trường vàng đã điều chỉnh mạnh, giá vàng miếng bán ra đóng cửa phổ biến ở mức 61-61,4 triệu đồng.

Tuy nhiên, sự nhích lên của vàng thế giới lại “thổi bùng” đà tăng của vàng trong nước sáng nay. Tính đến 10h sáng nay, phần lớn các hãng vàng đều nâng giá bán ra lên 62,2 triệu đồng/lượng, riêng Tập đoàn Phú Quý đang bán ở mức 62 triệu đồng/lượng. Chênh lệch giá mua bán khá khác biệt ở mỗi hãng vàng. Trong đó, DOJI là hãng vàng đang giữ khoảng chênh này ở mức lớn nhất, lên tới 2 triệu đồng mỗi lượng. Trong khi đó, Công ty Vàng bạc Đá quý Sài gòn chấp nhận mua vàng từ dân cư với giá 60,6 triệu đồng. Bảo tín Minh Châu và Phú Quý đều đang mua vào ở mức 61 triệu đồng/lượng. Với đà tăng này, bên bán vàng để “chốt lời” hôm qua đã bán hớ vài trăm nghìn đồng mỗi lượng.

Khoảng chênh giá mua bán lên tới 1,2-2 triệu đồng, cao nhất theo thống kê từ năm 2012 đến nay.

Theo nhận định của Ngân hàng Nhà nước mới đây, mức tăng của giá vàng miếng SJC trong nước phù hợp với mức tăng của giá vàng quốc tế. Ngoài ra, NHNN cho rằng giá vàng thế giới có thể còn biến động khó lường, chủ yếu phụ thuộc vào diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 trên toàn cầu, cũng như tình hình địa chính trị trên thế giới. Đồng thời, cơ quan quản lý cũng khẳng định sẽ có các giải pháp và đủ nguồn lực để bình ổn thị trường nếu có diễn biến bất thường.

Trong khi thị trường vàng gặp "sóng" lớn, tỷ giá USD/VND vẫn bình lặng nhờ đà suy yếu của đồng USD. Bám sát đồng đôla, VND cũng đang yếu đi đáng kể so với nhiều ngoại tệ khác. Mỗi euro hay bảng Anh đều đang được bán ra với mức giá cao hơn, lần lượt là 28.201 đồng và 30.928 đồng, theo cập nhật tại Vietcombank. Tỷ giá JPY/VND cũng tăng mạnh, mỗi yên Nhật hiện đổi 224 đồng, tăng 1,9% so với cuối quý II/2020.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư