Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Vàng tăng trước tình hình địa chính trị thế giới căng thẳng, cận trọng mua vàng Thần Tài
Vân Linh - 09/02/2022 09:46
 
Giá vàng giao ngay trên thị trường quốc tế sáng nay tăng 5 USD/ounce lên 1.825 USD/ounce khi nhà đầu tư tìm đến tài sản an toàn trước áp lực lạm phát và căng thẳng giữa Nga - phương Tây.

Triển vọng vàng quốc tế tăng

Giá vàng trên thị trường quốc tế tiếp tục tăng trong bối cảnh nhu cầu đối với tài sản an toàn vẫn cao, giá dầu tăng dữ dội, lên mức cao nhất trong nhiều tháng qua khi đạt trên 93 USD/thùng.

Nguyên nhân, bất ổn địa chính trị diễn ra ở nhiều nơi trên thế giới, trong đó điểm nóng Ukraine vẫn tiếp tục gia tăng căng thẳng giữa Nga và phương Tây.

Lầu Năm Góc cho rằng, có tới 70% khả năng Nga sẽ tấn công Ukraine. Những thông tin mới nhất cho thấy, Nga và Ukraine liên tục tập trận phô trương lực lượng. Trong khi đó, phương Tây liên tục gửi hỗ trợ quân sự đến Kiev (thành phố quan trọng của Ukraine).

Riêng trong tháng 1, Mỹ đã chuyển giao 79 tấn khí tài quân sự cho Ukraine, trong đó có khoảng 300 hệ thống chống tăng Javelin. Anh cũng gửi một lượng lớn vũ khí.

Nga hiện tập trung khoảng 100.000 quân ở khu vực gần biên giới Ukraine, nhưng Moscow phủ nhận cáo buộc của phương Tây cho rằng nước này đang có ý định tấn công quốc gia láng giềng.

Hiện các lãnh đạo Trung Quốc và Đài Loan cũng đang theo dõi sát cuộc đối đầu Nga - Ukraine và đây được xem là một phép thử đối với quyết tâm của Mỹ đối với căng thẳng eo biển Đài Loan.

Không chỉ căng thẳng địa chính trị trên thế giới đang hỗ trợ tích cực cho vàng mà áp lực lạm phát Mỹ tăng cao cũng khiến hầm trú ẩn an toàn là vàng đắt giá hơn.

Chỉ số giá tiêu dùng tháng 1/2022 của Mỹ dự kiến được công bố vào hôm nay thứ Năm (10/2), với các chuyên gia dự báo mức tăng hàng năm là 7,3%, mức cao nhất kể từ năm 1982.

Tuy nhiên, giá vàng đã bị mắc kẹt trong biên độ hẹp kể từ đầu năm khi giao dịch quanh ngưỡng 1.800 - 1.825 USD/ounce, vì lo lạm phát gia tăng và kỳ vọng ngày càng lớn đối với việc tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).

Dữ liệu lạm phát cao có thể làm tăng áp lực buộc Fed phải thắt chặt chính sách tiền tệ nhanh hơn, theo đó tăng chi phí cơ hội của việc nắm giữ tài sản không sinh lời như vàng.

Các thị trường tương lai đang định giá 1/3 cơ hội Fed sẽ tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản vào tháng 3 năm 2022 và kỳ vọng này đã giúp đồng Đô la tăng giá.

Chỉ số USD Index, thước đo sức mạnh của đồng bạc xanh so với các đồng tiền đối thủ đã tăng lên 95,59 điểm, khiến vàng thỏi trở nên đắt đỏ đối với những người mua bằng ngoại tệ khác, trong khi lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Mỹ lên mức cao nhất trong hơn hai năm. 

Cẩn trọng mua vàng SJC cầu Thần Tài

Trước xu hướng tăng của giá vàng quốc tế, vàng SJC trong nước cũng liên tục tăng trong tuần đầu sau Tết Nhâm Dần 2022. Đáng chú ý trước ngày vía Thần Tài (10/2) và ngày lễ Tình Nhân (14/2), nhiều khách hàng đã sớm mua vàng cầu may.

Doanh số bán vàng và nữ trang vàng của các doanh nghiệp trong những ngày gần đây cũng tăng trưởng đáng kể. Thậm chí, SJC còn công bố hết loại vàng miếng 1 chỉ, 2 chỉ, 5 chỉ nên người mua chỉ còn sự lựa chọn là vàng nhẫn, vàng miếng hình Thần tài, chúa sơn lâm.

Nhận định về triển vọng của giá vàng trước tình hình địa chính trị thế giới căng thẳng, lạm phát tăng, ông Huỳnh Trung Khánh, cố vấn cấp cao Hội đồng vàng thế giới tại Singapore, Indonesia và Việt Nam cho rằng, giá vàng thế giới có thể đạt ngưỡng 2.000 USD/ounce. 

Theo ông Khánh, nếu cuộc đối đầu Nga - Ukraine tiếp tục căng thẳng, giá vàng quốc tế có khi nhảy vọt 50 USD/ounce/ngày và thậm chí còn cao hơn.

Đồng thời, áp lực lạm phát Mỹ và toàn cầu đang tăng cũng là yếu tố tác động tích cực đến mặt hàng kim quý vàng. Bởi vàng luôn được xem là hầm trú ẩn an toàn của nhà đầu tư trước áp lực lạm phát.

Cho dù Fed đã đưa ra lộ trình tăng lãi suất cơ bản USD, với mức tăng khoảng 0,5%, song theo ông Khánh cũng không đáng ngại đối với vàng, vì thị trường đã đón nhận thông tin này từ cuối năm 2021 và thực tế vàng vẫn tăng. 

Thêm vào đó, tình hình dịch bệnh tiếp tục ảnh hưởng đến giá vàng trong thời gian qua và kể cả thời gian tới là tình hình dịch bệnh, kể cả với omicron.

Cho dù thế giới đã có vắc - xin Covid-19 phổ biến, nhưng tình hình lây lan của biến chủng omicron toàn cầu vẫn tác động đến kinh tế thế giới, do đó một khi kinh tế suy thoái thì vàng vẫn được hưởng lợi. 

Đối với thị trường vàng trong nước, sức mua đang tăng mạnh trong dịp Thần Tài và lễ Tình Nhân cùng với nhu cầu vàng phục vụ cưới hỏi gia tăng sau thời gian giãn cách.

Cùng với đà tăng của già vàng quốc tế theo ông Khánh, khả năng giá vàng trong nước sẽ cán mốc 65 triệu đồng/lượng trong năm 2022 nếu các yếu tố trên tiếp tục duy trì.

Tuy nhiên, các nhà phân tích lĩnh vực vàng cũng khuyến cáo người dân không nên đỗ xô mua vàng giá cao đón đầu ngày vía Thần Tài và các dịp lễ đầu năm mới.

Thông thường các năm trước, giá vàng cận ngày vía Thần Tài liên tục tăng mạnh do nhu cầu lên cao, nhiều người muốn mua vàng để cầu may, mong muốn một năm làm ăn thuận lợi, sung túc.

Thậm chí vào đúng ngày Thần Tài, không khó bắt gặp hàng dài người đứng xếp hàng trước các cửa hiệu kinh doanh vàng lớn, nhiều người đến mua từ 4-5h sáng. 

Vì tranh thủ khi nhu cầu vàng ngày Thần Tài tăng, các cửa hàng kinh doanh vàng, thậm chí ngay cả ngân hàng bán vàng cũng "thổi" giá vàng SJC lên cao và nới rộng biên độ giữa mua - bán vàng. 

Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) là đơn vị đưa ra mức giá khủng nhất vào sáng 8/2 khi niêm yết mua vào vàng miếng SJC lên 63,2 triệu đồng/lượng, còn chiều bán ra lên 64,4 triệu đồng/lượng, nhưng sau đó nhanh chóng điều chỉnh giảm.

Chỉ trong ngày 8/2, SCB đã giảm giá bán vàng miếng hơn 2 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên, sáng nay, SCB tiếp tục niêm yết giá bán vàng SJC lúc 9h20 ở mức 62,1-62,9 triệu đồng/lượng. Biên độ mua - bán tiếp tục nới rộng lên 800 đồng/lượng.

Trong khi đó, vàng SJC do Công ty SJC niêm yết cùng thời điểm 9h20 sáng nay ở mức 61,7-62,45 triệu đồng/lượng, tăng 50.000 - 100.000 đồng/lượng (mua-bán). 

Doanh nghiệp Phú Quý cũng điều chỉnh tăng 100.000 đồng/lượng mua vào và tăng 200.000 đồng/lượng bán ra. Tương tự, giá vàng SJC tăng 100.000 đồng/lượng cho cả hai chiều giao dịch tại hệ thống PNJ. 

Nhưng quy đổi theo tỷ giá của ngân hàng Vietcombank, mỗi lượng vàng SJC chênh lệch với thế giới hơn 12,5 triệu đồng/lượng (chưa bao gồm thuế, phí). Chính điều này khiến thị trường vàng trong nước kém hấp dẫn nhà đầu tư trong thời gian dài vừa qua. 

Các nhận định đưa ra, khả năng giá vàng SJC còn bị "làm giá" và nhảy loạn xạ trong hôm nay và hết ngày vía Thần Tài ngày mai (10/2), nên người mua vàng cầu may đầu năm cũng nên tỉnh táo để tránh bị "móc túi". 

Ngày 9/2, tỷ giá trung tâm do Ngân hàng Nhà nước công bố là 23.104 đồng/USD, tăng 5 đồng so với hôm qua. Giá USD tại Vietcombank tăng 70 đồng, đưa giá mua USD lên 22.570 VND/USD và bán ra 22.880 VND/USD.

Vàng bật tăng lên 1.820 USD/ounce, giá SJC "thổi" lên cao trước ngày Thần Tài
Giá vàng giao ngay trên thị trường quốc tế sáng nay bật tăng thêm 10 USD/ounce lên hơn 1.820 USD/ounce trước áp lực lạm phát và rủi ro địa chính trí...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư