Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Vàng thế giới vượt đỉnh lịch sử, SJC cũng quay đầu tăng
Thanh Thủy - 27/07/2020 09:35
 
Ghi nhận trong vài giờ đầutiên của phiên giao dịch đầu tuần mới, giá vàng đã có thời điểm giao dịch ở mức 1.922,1 USD/oz, vượt qua đỉnh lịch sử 1.920 USD/oz thiết lập năm 2011.

Sau một tuần “dậy sóng” trước xu hướng yếu đi của đồng đôla, giá vàng vẫn tiếp tục đà tăng. Trên thị trường quốc tế, giá vàng ngay sáng nay đã vượt mức cao nhất mọi thời đại xác lập hồi tháng 9/2011. Số liệu của Kitco cho thấy giá vàng đã lên mức kỷ lục mới 1.922,1 USD/oz. 

Tại thời điểm 9h sáng, giá vàng giao ngay đang giao dịch ở mức 1.920,28 USD/oz, tăng hơn 19 USD/oz so với cuối tuần trước. Giá vàng giao tháng 8/2020 cũng tăng mạnh 18,4 USD/oz lên 1.915,9 USD/oz.

Giá vàng tiếp tục đà tăng
Giá vàng tiếp tục xu hướng tăng, chính thức vượt qua đỉnh lịch sử 1.920 USD/oz

Đà tăng của giá vàng đã diễn ra trong 7 tuần liên tiếp, dài nhất kể từ năm 2011. Từ đầu năm 2020 đến nay, giá vàng thế giới đã tăng 25,6%. Còn tại thị trường trong nước, so với mức giá bán ra chỉ xấp xỉ 43 triệu đồng/lượng hồi cuối năm trước, vàng miếng SJC cũng đã tăng hơn 30%.

Sau nhịp điều chỉnh trong các phiên giao dịch cuối tuần, vàng trong nước quay đầu tăng trở lại. Các hãng vàng khá thận trọng khi chỉ tăng mạnh ở chiều bán ra, kéo chênh lệch giá mua – bán hiện quanh khoảng 1,3 triệu đồng/lượng.

Tại Công ty vàng bạc đá quý Sài gòn (SJC), vàng miếng của thương hiệu này được giao dịch ở mức 54,6 triệu đồng/lượng (mua vào) và 56,1 triệu đồng/lượng (bán ra). Đây cũng là giá bán ra cao nhất trên thị trường, thấp hơn 300.000 đồng/lượng so với mức đỉnh đạt được ở tuần trước.

Tập đoàn Phú Quý cũng nâng giá bán lên 56 triệu đồng/lượng. Tại Bảo tín Minh châu và Tập đoàn DOJI, vàng miếng SJC đang được bán ra ở mức thấp hơn, lần lượt là 55,9 triệu đồng và 55,8 triệu đồng/lượng. Trong khi đó, giá mua vào các tại các hãng vàng không khác nhau nhiều, nằm trong khoảng 54,65 – 54,7 triệu đồng/lượng. Giá mua tăng khá dè dặt khiến mức chênh lệch mua – bán hiện lên tới 1,15 – 1,3 triệu đồng/lượng.

Các hãng vàng vẫn đang ghìm giá mua, trong khi tăng mạnh giá bán. Một phần bởi vàng trong nước đang cao hơn vài triệu đồng so với giá vàng thế giới quy đổi (khoảng 53,8 triệu đồng/lượng).

Lo ngại về nguy cơ tăng trưởng kinh tế toàn cầu giảm tốc do căng thẳng Mỹ-Trung leo thang được cho là yếu tố thúc đẩy các chính phủ trên thế giới duy trì chính sách hỗ trợ nền kinh tế lâu hơn. Theo một nhà phân tích tại Bloomberg Intelligence, đà tăng giá vàng có thể kéo dài đến năm 2021, khi đồng bạc xanh suy yếu do rủi ro địa chính trị gia tăng trong môi trường lãi suất thấp hơn.

Việc USD giảm giá mạnh cũng là nguyên nhân hỗ trợ đà tăng của vàng thế giới tuần qua. Hiện chỉ số US Dollar Index đo sức mạnh đồng bạc xanh với rổ 6 tiền tệ mạnh cũng chưa ghi nhận tín hiệu hồi phục và đang rơi xuống còn 94 USD/oz, mức thấp nhất kể từ tháng 9/2018. Đồng euro và bảng Anh đều lên giá đáng kể so với đôla. Tỷ giá USD/CNY hiện vẫn quanh mức 7 nhân dân tệ đổi 1 đôla.

Tại Việt Nam, tỷ giá USD/VND đang duy trì ở mức thấp với tỷ giá bán ra chủ yếu giao dịch quanh mức 23.260 – 23.270 đồng/USD. Áp lực từ đồng đôla yếu, tỷ giá trung tâm được NHNN giảm 5 đồng trong sáng nay, xuống còn 23.216 đồng/USD. Với biên độ 3%, tỷ giá trên thị trường được phép giao dịch trong khoảng 22.519 đồng/USD – 23.912 đồng/USD.

Điều gì đang xảy ra với giá vàng?
Giá vàng đã phá vỡ mức cản lịch sử để đi lên, khiến nhiều người đứng ngồi không yên.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư