Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Giá vàng sắp chạm mốc 2.000 USD/ounce?
Mai Ly (Theo TTXVN) - 26/07/2020 14:35
 
Giá vàng đã phá ngưỡng 1.900 USD/ounce trong bối cảnh bất ổn địa chính trị và quan ngại về cuộc khủng hoảng kinh tế do dịch COVID-19 tiếp tục củng cố xu hướng tăng giá vàng trong tuần vừa qua.

Tuần qua, giá vàng ước tăng 5%, mức tăng cao nhất kể từ tuần kết thúc ngày 27/3, chủ yếu được thúc đẩy khi quan hệ ngoại giao giữa Mỹ và Trung Quốc đang trong giai đoạn tồi tệ nhất hàng chục năm qua.

Đáng chú ý, giá kim loại quý này liên tục thiết lập các mức cao mới, đạt “đỉnh” trong 9 năm vào phiên 21/7 - ở mức 1.842,52 USD/ounce, giữa bối cảnh giới đầu tư bán tháo đồng USD, đồng thời bày tỏ tin tưởng vào việc các chính phủ sẽ tăng quy mô hỗ trợ sự phục hồi của các nền kinh tế bị tác động bởi dịch bệnh.

Đến phiên cuối tuần 24/7, giá vàng giao ngay tăng 0,7% lên 1.899,68 USD/ounce. Trước đó, trong cùng phiên, giá kim loại quý này đã có thời điểm tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 9/2011 là 1.905,99 USD/ounce. 

Giá vàng Mỹ giao kỳ hạn cũng tiến thêm 0,4% lên 1.897,5 USD/ounce.

Như vậy, đây là tuần thứ bảy kim loại quý này kéo dài xu hướng đi lên, đà tăng dài nhất kể từ năm 2011. Giá vàng có thể tăng lên mức cao kỷ lục vào đầu tuần tới, một nhà giao dịch tại RJO Futures ở Chicago dự báo.

Nhà phân tích Rhona O’Connell của StoneX cho rằng, yếu tố duy nhất có thể làm suy yếu đà tăng giá vàng là sự phát triển nhanh chóng của vắc-xin ngừa COVID-19. Giá vàng đã tăng hơn 25% từ đầu năm đến nay, hưởng lợi nhờ chính sách lãi suất thấp và các biện pháp kích thích kinh tế từ các ngân hàng trung ương. 

Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet

Theo chuyên gia Tai Wong thuộc công ty môi giới đầu tư BMO, lo ngại về nguy cơ tăng trưởng kinh tế toàn cầu giảm tốc do căng thẳng Mỹ-Trung leo thang được cho là yếu tố thúc đẩy các chính phủ trên thế giới duy trì chính sách hỗ trợ nền kinh tế lâu hơn. Kim loại quý này thường được coi là “bùa hộ mệnh” chống lạm phát và rủi ro đồng tiền mất giá.

Đà tăng giá vàng có thể kéo dài đến năm 2021, khi đồng bạc xanh suy yếu do rủi ro địa chính trị gia tăng trong môi trường lãi suất thấp hơn, theo nhận định của Long Eily Ong, một nhà phân tích tại Bloomberg Intelligence. Tập đoàn tài chính UBS Group AG của Thụy Sỹ đã dự đoán giá vàng có thể phá mốc 2.000 USD/ounce vào cuối tháng 9.

Liên quan đến căng thẳng Mỹ-Trung, Bắc Kinh đã yêu cầu Đại sứ quán Mỹ đóng cửa Tổng lãnh sự tại thành phố Thành Đô, thuộc tỉnh Tứ Xuyên, Tây Nam Trung Quốc. Đây được cho là động thái đáp trả của Trung Quốc sau khi chính quyền Mỹ yêu cầu Tổng lãnh sự quán Trung Quốc tại Houston, bang Texas, phải đóng cửa trong vòng 72h với cáo buộc đây là trung tâm của các hoạt động gián điệp và những hoạt động thu thập trái phép các bí mật thương mại của doanh nghiệp Mỹ.

Trong khi đó, tình hình dịch bệnh COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp với tổng số người nhiễm tại Mỹ đã vượt mốc 4 triệu và trên thế giới con số này là 15,58 triệu ca.

Jeffrey Halley, nhà phân tích thị trường của OANDA, cũng cho rằng với căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc gia tăng, lợi suất trái phiếu Mỹ tiếp tục giảm xuống và đồng USD yếu đi, những yếu tố này củng cố triển vọng giá vàng tiếp tục tăng cao hơn do làm tăng sức hấp dẫn của các tài sản trú ẩn an toàn. 

Giới quan sát cũng cho rằng, hỗ trợ đà tăng của giá vàng là kỳ vọng của nhà đầu tư vào khả năng Mỹ tiếp tục tung ra các biện pháp kích thích kinh tế do con đường phục hồi vẫn còn bất ổn. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ nhóm họp vào tuần tới để thảo luận về các biện pháp bổ sung nếu cần thiết.

Chuyên gia Phan Dũng Khánh: Đà tăng của giá vàng chưa dừng lại
Ông Phan Dũng Khánh, chuyên gia tư vấn đầu tư trao đổi với Baodautu.vn về diễn biến giá vàng sắp tới, giải đáp câu hỏi có nên tiếp tục mua vàng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư