Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Vàng, tỷ giá “căng như dây đàn” và loạt động thái của nhà điều hành
Tùng Linh - 22/04/2024 08:14
 
Xung đột ở Trung Đông bùng nổ, loạt đồng tiền mất giá trước sức mạnh của USD. Còn vàng - tài sản được coi là hầm trú ẩn an toàn tiếp tục được đánh giá cao và neo giá trên đỉnh lịch sử.

Vàng neo trên đỉnh lịch sử, đồng tiền nhiều nước châu Á trượt sâu

Vào 10h sáng nay (22/4), phiên đấu thầu bán vàng miếng SJC đầu tiên sẽ được tổ chức với khối lượng vàng miếng dự kiến đấu thầu là 16.800 lượng. Đến thời điểm này, có khoảng 15 đơn vị trong tổng cộng 26 đơn vị bao gồm cả ngân hàng thương mại và doanh nghiệp kinh doanh vàng thiết lập quan hệ giao dịch vàng miếng với Ngân hàng Nhà nước đủ điều kiện tham gia đấu thầu.

Khối lượng đấu thầu tối thiểu một thành viên được phép đặt thầu là 14 lô (tương đương 1.400 lượng) và tối đa là 20 lô (tương đương 2.000 lượng). Các thành viên tham gia đấu thầu sẽ đặt cọc với tỷ lệ 10%. Giá tham chiếu để tính đặt cọc là 81,80 triệu đồng/lượng (giá này chỉ tính để đặt cọc). Như vậy, để đặt mua lượng tối thiểu (1.400 lượng vàng), bên tham gia đấu thầu cần đặt cọc 11,452 tỷ đồng.

Việc đấu thầu vàng được tổ chức lại sau hơn 11 năm trong bối cảnh giá vàng trong nước và thế giới, cũng như giá mua và bán vàng trong nước chênh lệch lớn. Việc tổ chức đấu thầu nhằm tăng cung vàng miếng cho thị trường.

Thông tin tăng cung vàng miếng SJC thông qua đấu thầu chưa giúp vàng trong nước “hạ nhiệt” trong tuần vừa qua. Thị trường trong nước đi ngang và vẫn đang neo cao. Giá vàng miếng SJC tại Công ty Vàng bạc Đá quý Sài gòn (SJC), giá vàng miếng SJC đóng cửa tuần qua ở mức 82 triệu đồng/lượng (mua vào ) và 84 triệu đồng/lượng (bán ra), lần lượt tăng 1,4 triệu đồng/lượng chiều mua và 900.000 đồng/lượng chiều bán. Một số hãng vàng khác yết giá giao dịch thấp hơn 200.000 - 300.000 đồng/lượng.

Tại Công ty Vàng bạc Đá quý Sài gòn (SJC), giá vàng nhẫn yết ở mức 74,8 triệu đồng/lượng (mua vào) và 76,7  triệu đồng/lượng (bán ra), tăng 500.000 đồng/lượng so với tuần trước. Trong khi đó, vàng nhẫn tại Bảo tín Minh Châu tăng nhẹ hơn nhưng giá bán ra đã xấp xỉ 77 triệu đồng/lượng.

Diễn biến giá vàng tại Bảo tín Minh Châu trong tháng 4/2024.

Giá vàng thế giới vẫn đang phả hơi nóng vào thị trường trong nước. Vàng đã tăng lên mức cao nhất mọi thời đại trên 2.400 USD/ounce. Mức chênh lệch giữa vàng miếng SJC và giá vàng miếng quy đổi hiện thu hẹp về dưới 10 triệu đồng/lượng nhờ vàng trong nước đi ngang tuần qua và tỷ giá cũng đã tăng rất mạnh.

Trong hơn nửa năm qua, trước đà tăng nóng của giá vàng thế giới và trong nước, Chính phủ rất sốt ruột trước những các diễn biến trên thị trường vàng và liên tiếp ban hành hơn chục văn bản chỉ đạo, đôn đốc về quản lý thị trường vàng. Ngoài việc tăng cung vàng miếng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Công an, Bộ Tài chính, Bộ Công thương, Thanh tra Chính phủ và các cơ quan chức năng cũng được giao tiếp tục thực hiện nghiêm công tác nắm tình hình, thanh tra, kiểm tra, giám sát…, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật như buôn lậu vàng qua biên giới, trục lợi, đầu cơ, thao túng, lợi dụng chính sách găm hàng đẩy giá của các tổ chức, cá nhân liên quan, gây mất ổn định, an toàn thị trường vàng. Cùng đó, việc tổng kết và sửa đổi Nghị định 24/2012/NĐ-CP, Ngân hàng Nhà nước đã lấy ý kiến các bộ ngành và dự kiến có những thay đổi thời gian tới.

Giá vàng tăng “điên loạn” không phải câu chuyện của riêng Việt Nam. Sức nóng của giá vàng còn đang khiến các nhà đầu tư Trung Quốc tăng mạnh giao dịch trên thị trường kim loại quý này. Sàn giao dịch vàng Thượng Hải và sàn giao dịch tương lai Thượng Hải (SHFE) gần đây đều đã tăng yêu cầu ký quỹ đối với một số hợp đồng nhằm ngăn việc chấp nhận rủi ro quá mức của các đầu tư.

Động thái của diễn ra sau khi khối lượng giao dịch hàng ngày tăng vọt lên mức cao nhất trong 5 năm. Giá vàng tại sàn giao dịch vàng Thượng Hải dù xuất hiện vài nhịp điều chỉnh nhẹ đã tiếp tục xác lập kỷ lục mới khi giao dịch vượt mốc 570 nhân dân tệ/gram, tăng 18,9% từ đầu năm đến nay. Theo hãng tin Bloomberg, chênh lệch so với giá vàng thế giới cũng ghi nhận biến động bất thường khi có thời điểm tăng lên 89 USD/ounce vào đầu tháng 4, trong khi mức trung bình trong năm qua là 35 USD và mức trung bình lịch sử chỉ là 7 USD.

Trong khi giá trị của vàng bị đẩy lên cao nhanh chóng, chỉ số US Dollar Index (DXY) đo sức mạnh đồng bạc xanh vẫn neo ở mức cao, quanh 106 điểm, khiến các nhà điều hành chính sách tiền tệ loạt quốc gia châu Á phải “đau đầu” tuần qua.

Tuyên bố của G7 gồm bảy quốc gia công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới giữa tuần trước tái khẳng định cam kết về chính sách ngoại hối, khi đề cập đến những tác động tiêu cực tiềm ẩn của biến động tỷ giá hối đoái quá mức và cung cấp cho các quốc gia thành viên một số quyền để bảo vệ đồng tiền của họ trước sức mạnh của USD.

Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc đã đồng ý "tham vấn chặt chẽ" về thị trường ngoại hối trong cuộc đối thoại tài chính ba bên ngày 17/4, nhằm xoa dịu những lo ngại từ Nhật bản và Hàn Quốc về sự sụt giảm mạnh gần đây của đồng nội tệ.

Thêm đó, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản Kazuo Ueda tuần qua đã đề cập đến khả năng Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) có thể tăng lãi suất một lần nữa nếu đồng yên yếu dẫn đến giá tăng liên tục do chi phí nhập khẩu cao hơn.

Là một trong rổ 6 đồng tiền để tính toán chỉ số US Dollar Index, đồng yên Nhật giảm giá nhanh cũng góp phần chính kéo DXY tăng và neo cao thời gian qua. Đồng yên Nhật hiện xuống mức thấp nhất trong 34 năm khi cần tới 154,6 yên Nhật Bản mới đổi một đô la Mỹ. Lo ngại về tốc độ điều chỉnh chính sách trong tương lai dự kiến chậm và không thể so sánh với tốc độ của các ngân hàng trung ương lớn khác trong chu kỳ thắt chặt gần đây khiến đồng nội tệ của quốc gia này mất giá bất chấp động thái mới nhất của các nhà điều hành.

Đồng rupee của Ấn Độ sắp chạm mức thấp kỷ lục vào cuối tuần qua. Tại Hàn Quốc, đồng won chạm mức thấp nhất trong 17 tháng so với đồng đô la. Nhà điều hành chính sách tiền tệ Hàn Quốc đã cam kết sẽ phản ứng ngay lập tức trước sự biến động quá mức của thị trường tiền tệ. Cũng trong tuần qua, vào ngày 19/4, Ngân hàng Trung ương Indonesia đã tăng cường can thiệp để hỗ trợ đồng rupiah và kêu gọi các doanh nghiệp quốc doanh hậu thuẫn tránh mua những khoản mua lớn bằng đô la.

Còn tại Việt Nam, tỷ giá cũng đã có một tuần tăng chóng mặt với hàng loạt kỷ lục mới được xác lập. Ngân hàng Nhà nước tuần qua cũng đã chính thức thực hiện bán can thiệp ngoại tệ cho các tổ chức tín dụng có trạng thái ngoại tệ âm để chuyển trạng thái ngoại tệ về 0, bắt đầu từ thứ Sáu tuần trước (19/4).

Động thái can thiệp mới trên được đưa ra sau khi tỷ giá USD bứt lên chạm trần vào thứ Hai đầu tuần và liên tục tăng kịch mức trần quy định ở các ngày sau.

Thời gian trước đó, Ngân hàng Nhà nước đã phát hành tín phiếu nhằm giảm bớt dư thừa thanh khoản tiền đồng, qua đó giảm bớt áp lực trong ngắn hạn đối với tỷ giá. Dù đã từng giúp tỷ giá hạ nhiệt trong giai đoạn tháng 9-11/2023, biện pháp này không còn chặn được xu hướng tăng của tỷ giá. Các lô tín phiếu phát hành một tháng trước đã đến thời điểm đáo hạn. Cùng đó, liên tục từ ngày 12/4 đến nay, Ngân hàng Nhà nước còn bơm ròng thông qua mua kỳ hạn tín phiếu kỳ hạn 7 ngày, lãi suất 4%/năm trên nghiệp vụ thị trường mở. Lãi suất liên Ngân hàng kỳ hạn qua đêm đến nay cũng đã tăng lên 4,95%/năm; trong khi chỉ giao dịch quanh mức 2,5%/năm vào cuối tháng 3/2024.

Phụ thuộc vào diễn biến quốc tế

Dù các nhà điều hành tại nhiều quốc gia đang can thiệp mạnh hơn để bảo vệ đồng nội tệ, thay đổi kỳ vọng về thời điểm hạ lãi suất điều hành của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đang hỗ trợ USD mạnh và tiếp tục neo cao.

Theo ông Vassili Serebrikov - chiến lược gia ngoại hối tại UBS ở New York, dữ liệu kinh tế của Mỹ tiếp tục ủng hộ cho khả năng Fed sẽ không sớm cắt giảm lãi suất.

“Thật sự rất khó để chống lại sức mạnh của đồng bạc xanh vào thời điểm này. Chúng tôi bắt đầu nhận thấy nhiều sự khác biệt về chính sách tiền tệ giữa Mỹ và các quốc gia khác. Khi nhìn vào sự chênh lệch lãi suất thực trong 10 năm giữa Mỹ và châu Âu, những chênh lệch đó đã gia tăng theo hướng có lợi cho USD”, vị chiến lược gia này cho hay.

Chỉ số DXY neo cao quanh mức 106 điểm.

Tuyên bố của các quan chức Fed gần đây nhắc đến nhiều hơn về khả năng không hạ lãi suất năm nay, thậm chí còn đề cập đến “một đợt tăng lãi suất khác”. Chủ tịch Fed Minneapolis, ông Neel Kashkari kêu gọi sự kiên nhẫn trong việc giảm lãi suất. Ông cho rằng, động thái hạ lãi suất đầu tiên có thể không diễn ra cho đến năm 2025. Chủ tịch Fed New York, ông John Williams đề cập rằng, “một đợt tăng lãi suất khác” không phải là trường hợp cơ bản của ông, nhưng vẫn có thể xảy ra nếu xuất hiện rủi ro lạm phát.

Cuộc họp Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) thuộc Fed gần nhất sẽ diễn ra vào ngày 1/5. Giới đầu tư từng đặt nhiều kỳ vọng vào khả năng Fed hạ lãi suất điều hành lần đầu vào cuộc họp tháng 6/2024. Tuy nhiên, đến nay, tỷ lệ đặt cược vào khả năng này chỉ còn hơn 15%. Khả năng hạ lãi suất trong tháng 9/2024, theo các nhà giao dịch, cũng chưa vượt trên mức quá bán.

Những thách thức mới từ diễn biến xung đột ở Trung Đông và lạm phát “nóng” trở lại cũng là nguyên nhân khiến các nhà đầu tư tìm đến vàng như một kênh trú ẩn an toàn/ Đến nay, trên thị trường thế giới, kim loại quý đang có tuần tăng thứ ba liên tiếp do Ngân hàng Deutsche Bank hôm thứ Ba đã tăng dự báo giá vàng lên 2.400 USD/ounce vào cuối năm và 2.600 USD/ounce vào cuối năm 2025. Phía ngân hàng cho biết dự báo này cập nhật dựa trên việc thay đổi dòng vốn đầu tư gần đây có tác động lâu dài đến giá cả.

Đấu thầu vàng chỉ là giải pháp tình thế
Theo dự kiến, Ngân hàng Nhà nước(NHNN) sẽ tổ chức đấu thầu vàng để tăng cung cho thị trường, nhằm giảm chênh lệch giá vàng miếng giữa trong...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư