Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 27 tháng 11 năm 2024,
Vào TPP, chăn nuôi theo tập quán sẽ bị đào thải
Công Sang - 26/11/2015 09:09
 
Đại diện các doanh nghiệp kinh doanh sản phẩm gia cầm trong nước khẳng định, TPP không tạo áp lực đối với mặt hàng trứng và thịt gia cầm, nhưng các hộ chăn nuôi theo tập quán có thể sẽ bị đào thải trong cuộc chơi lớn.

Trứng gia cầm: bình chân như vại

Theo ông Trương Chí Thiện, Giám đốc Công ty cổ phần Vĩnh Thành Đạt, đối với mặt hàng trứng gà, mức giá ở Việt Nam chênh lệch không nhiều so với các nước có lượng sản xuất lớn trong khu vực nên sẽ ít bị ảnh hưởng hơn nếu các nước ồ ạt xuất trứng sang Việt Nam. Bên cạnh đó, khả năng nhập khẩu trứng cũng rất thấp vì trứng là mặt hàng nếu để đông lạnh sẽ không ngon như trứng tươi và việc vận chuyển cũng khó khăn hơn.

Còn đối với các mặt hàng trứng gia cầm khác, ông Thiện cho rằng, không vấp phải nhiều sự cạnh tranh từ nước ngoài vì vừa khó làm, trong khi mức tiêu thụ của thị trường cũng không mấy hấp dẫn.

Giá trứng gà ở Việt Nam chênh lệch không nhiều so với các nước trong khu vực 	ảnh: đức thanh
Giá trứng gà ở Việt Nam chênh lệch không nhiều so với các nước trong khu vực. Ảnh: Đức Thanh

Điển hình là Vĩnh Thành Đạt, từ năm 2012 Công ty đã liên kết với các hộ chăn nuôi theo mô hình của Công ty để sản xuất trứng gá ác, hiện Vĩnh Thành Đạt sở hữu khoảng 150.000 con gà đẻ, năng suất 100.000 quả/ngày. Tuy sức mua trứng gà ác có tăng, nhưng không mạnh vì đây là sản phẩm ăn chơi chứ không phổ biến như trứng gà công nghiệp, vốn được sử dụng trong bữa sáng, để làm bánh…

Trứng vịt ta cũng gặp tình trạng tương tự như trứng gà ác, vừa không phổ biến, giá thành lại cao và khó bảo quản, vận chuyển.

“Nếu như cách đây 5 năm, tổng lượng tiêu thụ trứng gia cầm của Vĩnh Thành Đạt là 50% trứng gà, 50% trứng vịt, thì nay trứng gà chiếm đến 70%”, ông Thiện nói.

Bên cạnh đó, cùng với việc liên kết với các hộ chăn nuôi gà ta lấy trứng để cạnh tranh với trứng gà công nghiệp, trong 2 năm vừa qua, Công ty Vĩnh Thành Đạt đầu tư cho việc lai tạo con giống gà ta, vừa cho năng suất, chất lượng trứng cao, lại phù hợp với điều kiện khí hậu Việt Nam.

Tương tự, bà Phạm Thị Huân, Giám đốc Công ty TNHH Ba Huân cũng cho biết, “chưa thấy ảnh hưởng đối với trứng gà Ba Huân khi Việt Nam gia nhập TPP”.

Tuy nhiên, để tăng lợi thế cạnh tranh, bà Huân đã đầu tư máy móc, công nghệ từ nhiều năm trước. Cuối năm ngoái, Công ty Ba Huân đã đưa vào hoạt động nhà máy chế biến thực phẩm sạch (với các sản phẩm thị gà tươi, lạp xưởng gà, xúc xích gà…) tại Long Anh. Trước đó, Công ty Ba Huân cũng đã đầu tư 320 tỷ đồng xây dựng trang trại chăn nuôi và sản xuất thức ăn chăn nuôi.

Thịt gia cầm: sẽ loại bỏ hộ chăn nuôi nhỏ lẻ

Hiện nay, có nguồn tin chưa cho biết, nhiều hộ chăn nuôi ở Đồng Nai, Bình Phước chuyển từ nuôi gà lấy thịt sang gà lấy trứng. Sự chuyển hướng đó là bởi, hồi tháng 9 vừa qua, các nhà phân phối sản phẩm đùi gà Mỹ nhập khẩu đã bán phá giá gần 30% so với hàng Việt Nam.

Việc chuyển hướng này được dự đoán, sẽ làm gia tăng nguồn cung trứng gà trong thời gian tới, trong khi cầu không đổi, dẫn đến giảm giá thành sản phẩm.

Bà Huân cho biết, việc người nông dân bỏ nuôi gà thịt vì theo tập quán sẽ chỉ là nhất thời và tính chất cục bộ, bởi theo tập quán ẩm thực, người Việt Nam vẫn ưa gà tươi, sống hơn là hàng đông lạnh. Vì thế, việc giảm cung thịt, dẫn tới tăng cung trứng có thể sẽ không diễn ra trên diện rộng và ít nhất là trong khoảng thời gian trước mắt. Tuy nhiên, bà Huân cho rằng, thay vì chăn nuôi theo tập quán, có nhiều hộ dân chuyển sang mô hình trang trại để phát triển chăn nuôi theo hướng công nghiệp. “Hội nhập sẽ ảnh hưởng lớn đến các hộ nông dân chăn nuôi gà theo tập quán, khi cho gia cầm ăn các loại thực phẩm chưa đúng quy định, nên sản phẩm có thể gây mất an toàn sức khỏe của người tiêu dùng”, bà Huân nói.

Theo tiến độ đầu tư của Cargill Việt Nam, Công ty chuyên sản xuất các sản phẩm và dịch vụ nông nghiệp, thực phẩm, có thể thấy, nhận định của Bà Huân là đúng với thực tế, khi Cargill mới công bố các khoản đầu tư trị giá 40 triệu USD vào Việt Nam để mở rộng các hoạt động kinh doanh tập trung vào lĩnh vực thức ăn chăn nuôi.

Với khoản đầu tư mới nêu trên đã nâng tổng số nhà máy của Cargill tại Việt Nam là 12, với mức đầu tư hơn 180 triệu USD, hằng năm công ty này xuất ra thị trường khoảng 1,3 triệu tấn thức ăn chăn nuôi.

Trong trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, lý giải việc Cargill Việt Nam nâng công suất sản xuất thức ăn chăn nuôi tại thời điểm này, khi TPP có hiệu lực, lợi thế về giá của thịt gà, bò, heo của các nước có ngành chăn nuôi phát triển có thể giết chết ngành chăn nuôi trong nước, ông Chánh Trương, Trưởng đại diện Tập đoàn Cargill tại Việt Nam cho biết, Công ty tăng năng lực sản xuất dựa trên nghiên cứu về cung và cầu ở thị trường Việt Nam trong tương lai 4 năm tới.

Vào TPP, nhiều CEO DNNN “bỏ của chạy lấy người”
TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế cho rằng, yêu cầu minh bạch tuyệt đối của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) với doanh nghiệp nhà...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư