Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
TPP sẽ là thuốc thử cho ngành nông nghiệp
Gia Huy - 21/11/2015 08:13
 
Đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn khi trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư. Theo ông Tuấn, việc gia nhập Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ giúp ngành nông nghiệp phát triển, nhưng ngành này cần tái cơ cấu và tập trung vào việc nâng cao năng suất nông sản hàng hóa, nâng sức cạnh tranh, đưa ra chiến lược phát triển thị trường hợp lý.

“Khi TPP được áp dụng, với lợi thế về thương mại hàng hóa, thuế xuất nhập khẩu thấp, cùng với vị trí thuận lợi về đường biển, đường hàng không, Việt Nam sẽ tăng độ hấp dẫn trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Vấn đề quan trọng là chúng ta phải điều tiết, hấp thụ vốn FDI vào những lĩnh vực có hiệu quả nhất cho sự phát triển, nâng tầm năng suất và chất lượng nông sản”, ông Tuấn cho biết thêm.

Hiện ngành nông nghiệp Việt Nam có khoảng 3.500 doanh nghiệp, chiếm 1,01% tổng số doanh nghiệp cả nước, hầu hết thuộc nhóm doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ. Đồng thời, cả nước hiện có 11,9 triệu hộ sản xuất nông nghiệp, trong đó 35% số hộ có diện tích canh tác dưới 0,2 ha, 69% số hộ có diện tích dưới 0,5 ha và 80% số hộ nông dân có diện tích canh tác dưới 1 ha, chỉ 20% lớn hơn 1 ha…

.
.

Việt Nam mới xuất khẩu nông sản chủ yếu ở dạng nguyên liệu thô, hoặc qua sơ chế, nên giá cả, chất lượng, giá trị gia tăng rất thấp. Nông sản cũng đang đối mặt với khó khăn về những rào cản phi thuế quan trong tiêu thụ một số mặt hàng nông sản. Vì vậy, nếu vẫn duy trì cách quản lý chất lượng như hiện nay, thì các doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn rất nhiều khi tham gia TPP.

“Theo tôi, trước mắt, cần sớm công bố rộng rãi những quy định của TPP. Bên cạnh đó, cần rà soát để hài hòa các quy định của pháp luật trong nước với TPP, tiếp tục tập trung cao độ thực hiện chương trình tái cơ cấu, nâng cao hiệu quả nông nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển chuỗi cung ứng nông sản để có thể sẵn sàng đón nhận cơ hội khi TPP có hiệu lực”, ông Tuấn nói.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Nguyễn Minh Đức, đại diện Công ty xuất khẩu thủy sản Hùng Hậu cho rằng, cái khó nhất của những doanh nghiệp thủy sản nói riêng và doanh nghiệp ngành nông nghiệp nói chung hiện nay là chưa biết gì về những quy định mà họ phải thực hiện khi tham gia TPP. “Những quy định này chưa được phổ biến tới các doanh nghiệp, nên chúng tôi như ‘người mù’ với TPP”, ông Đức nói.

Lo ngại về vấn đề nguồn lao động của Việt Nam khi tham gia TPP, ông Nguyễn Tiến Dũng, Hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế luật TP.HCM cho rằng, khi TPP được thực hiện, Việt Nam sẽ cần một số lượng lớn lao động có trình độ. “Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã đáp ứng được tiêu chuẩn lao động cao, nhưng an toàn vệ sinh lao động tại đa số các doanh nghiệp chưa được đảm bảo. Việc lao động trẻ mới ra trường không đáp ứng được nhu cầu, trình độ công việc mà nhà tuyển dụng cần cũng là vấn đề lớn hiện nay”, ông Dũng nói.

Hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế luật TP.HCM cho rằng, Việt Nam cần chú trọng đào tạo nghề, nâng cao kỹ năng, tác phong của người lao động khi TPP có hiệu lực. Đồng thời, Nhà nước cũng cần đẩy mạnh việc điều chỉnh những quy định về pháp luật để phù hợp với những cam kết trong TPP, tránh tình trạng vi phạm cam kết và không được miễn thuế thu nhập, như vậy chúng ta sẽ không thu được lợi ích gì từ TPP.

Hiệp định TPP sẽ chính thức được ký kết vào ngày 4/2/2016
Kết thúc cuộc họp bên lề hội nghị thượng đỉnh APEC ngày 18/11 ở Philippines, lãnh đạo các nước tham gia Hiệp định đối tác kinh...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư