Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
VBF 2016: Cuộc đối thoại được chờ đợi
Bảo Duy - 05/12/2016 14:37
 
Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên năm 2016 (VBF 2016) khai mạc sáng nay (5/12) đang gánh một trọng trách lớn.

Đây là cuộc đối thoại chính thức đầu tiên giữa liên minh VBF - gồm 16 hiệp hội doanh nghiệp trong nước và nước ngoài - với Chính phủ mới. Hẳn sẽ có nhiều dư địa để Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp trao đổi, chia sẻ, tìm kiếm thêm sự đồng thuận, nhất là trong bối cảnh đang có khá nhiều thay đổi về cơ chế, chính sách liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng như môi trường đầu tư - kinh doanh.

Song, cuộc đối thoại được chờ đợi còn là bởi cộng đồng doanh nghiệp đang rất sốt ruột trước những điểm yếu trong năng lực cạnh tranh của khu vực tư nhân trong nước, những chệch choạc trong mối liên kết giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài. Họ muốn gửi mối lo này tới Chính phủ mới.

.
.

Thực ra, đây là vấn đề rất cũ, được đặt ra từ gần 30 năm trước, ngay khi Luật Đầu tư nước ngoài được ban hành vào năm 1987, cho tới Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư áp dụng chung cho các thành phần kinh tế hiện nay. Hệ thống chính sách hỗ trợ, thúc đẩy kết nối doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài cũng liên tục được bổ sung, chỉnh sửa. Đến giờ, những kiến nghị về chính sách mới không còn quá nhiều, nỗ lực của doanh nghiệp thực sự không hề nhỏ, song mối liên kết giữa hai khu vực này vẫn còn mờ nhạt, thậm chí khoảng cách đang tăng lên.

Nhiều dấu hỏi về tính khả thi, sự phù hợp của các quy định này với nhu cầu phát triển, kết nối của các doanh nghiệp, gồm cả doanh nghiệp trong nước và nước ngoài. Thậm chí, cũng đã có kiến nghị rằng, mục tiêu và phương thức thực hiện của không ít cơ chế, chính sách xuất phát nhiều từ mong muốn chủ quan của các cơ quan quản lý nhà nước hơn là nhu cầu doanh nghiệp, theo quy luật thị trường… Thực tế này khiến câu chuyện thực thi luôn là một trong những vướng mắc khó giải.

Ở góc độ cạnh tranh, có ý kiến cho rằng, khu vực FDI không chờ đợi sự cải thiện năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là khu vực tư nhân, để dễ bề lấn át. Hơn thế, lâu nay, khu vực FDI không chịu tác động nhiều bởi thể chế trong nước, nên họ cũng không mặn mà với các mối liên kết với doanh nghiệp Việt. Thậm chí, xu hướng rất rõ là các nhà đầu tư sẽ chọn hình thức doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài khi thành doanh nghiệp tại Việt Nam, thay vì các hình thức, liên doanh, liên kết với doanh nghiệp nội, trừ khi pháp luật bắt buộc.

Tuy nhiên, ở góc độ kinh tế, khu vực doanh nghiệp FDI chắc chắn sẽ hưởng lợi từ sự lớn mạnh của khu vực kinh tế tư nhân trong nước. Đơn giản là, khi kinh tế trong nước mạnh, cầu tiêu dùng trong nước tăng, doanh nghiệp FDI sẽ có được dung lượng thị trường tiêu thụ lớn, có chuỗi cung ứng tại chỗ phát triển, chi phí kinh doanh giảm, sự chủ động trong kinh doanh tăng lên… Khi khu vực kinh tế tư nhân trong nước chuyên nghiệp hơn, cả nền kinh tế sẽ trở nên hiệu quả, doanh nghiệp FDI sẽ được hoạt động trong một môi trường kinh doanh tốt hơn, tận dụng được cao nhất các lợi thế của Việt Nam trong hội nhập.

Ở góc độ tổng thể, nền kinh tế Việt Nam sẽ được lợi khi có khu vực doanh nghiệp trong nước tự chủ hơn, có khả năng kết nối với kinh tế thế giới, chuỗi giá trị toàn cầu; có khu vực kinh tế đầu tư nước ngoài gắn kết với kinh tế trong nước…

Đây là lý do các doanh nghiệp FDI không muốn đứng ngoài đòi hỏi lớn lên, mạnh hơn của doanh nghiệp Việt Nam, không muốn đừng ngoài những cuộc cải cách của nền kinh tế Việt Nam.

VCCI gửi 6 kiến nghị tới Chính phủ tại VBF 2016
Quan ngại lớn về những khó khăn của doanh nghiệp trong năm 2017, cộng đồng doanh nghiệp trong nước thông qua Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư