Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
VBF giữa kỳ 2017: Doanh nghiệp sốt ruột với thực thi pháp luật
Bảo Duy - 20/06/2017 09:50
 
Làm thế nào để nâng cao hiệu quả thực thi và thi hành pháp luật hiện hành đã được VBF giữa kỳ 2017 chọn là 1 trong 3 nội dung thảo luận chính. Các doanh nghiệp đang rất sốt ruột.
Ông Tetsu Funayama, Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản (đứng giữa) và các doanh nghiệp tại  VBF giữa kỳ năm 2017.
Ông Tetsu Funayama, Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản (đứng giữa) và các doanh nghiệp tại VBF giữa kỳ năm 2017.

Từ những đề nghị… vô lý

Không phải ngẫu nhiên mà Tiểu nhóm công tác đất đai của VBF lại tiếp tục nhắc tới một đề nghị tưởng như rất vô lý. Đó là có một nghị định hoặc thông tư làm rõ khái niệm doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Nhiều thành viên trong Tiểu nhóm công tác này là luật sư, nên họ hiểu rất rõ nguyên tắc áp dụng pháp luật của Việt Nam. Ngay trong bản đề nghị, các thành viên của nhóm cũng đã nhắc tới khái niệm doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang được quy định tại Luật Đầu tư.

Hơn thế, tháng 2/2017, Bộ Xây dựng cũng đã có văn bản trả lời về đề xuất này của VBF, khẳng định rằng Luật Kinh doanh bất động sản không cần thiết phải đưa ra các quy định liên quan đến doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài do Luật Đầu tư đã có quy định.

Tuy nhiên, đề xuất này vẫn được đưa ra với một cơ sở rất khó phản bác, đó là sự thiếu chắc chắn trong cách hiểu và áp dụng nhà đầu tư trong nước, nước ngoài khi Luật Kinh doanh bất động sản không có quy định liên quan.

Đây là khúc mắc rất lớn với các doanh nghiệp. Vì theo Luật Kinh doanh bất động sản, có sự khác biệt rõ rệt trong chính sách áp dụng cho doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp trong nước trong kinh doanh bất động sản. Chẳng hạn, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài không được phép chuyển nhượng quyền sử dụng đất dưới hình thức phân lô, bán nền hoặc mua nhà và công trình xây dựng để bán, cho thuê hoặc cho thuê mua. Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chỉ được phép thu tối đa 50% giá trị hợp đồng mua bán hoặc hợp đồng thuê mua bất động sản được hình thành trong tương lai, trong khi tỷ lệ áp dụng dành cho doanh nghiệp trong nước là 70%...

Trong các trường hợp này, quyền lợi của doanh nghiệp bị ảnh hưởng rất lớn khi các cơ quan thực thi phân vân xác định thế nào là nhà đầu tư trong nước hay nước ngoài.

“Chúng tôi cần một văn bản ghi rõ các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản có tỷ lệ sở hữu nước ngoài dưới 51% nên được xem là doanh nghiệp trong nước”, Báo cáo của Tiểu nhóm công tác đất đai ghi rõ.

… đến lo ngại diễn giải từ ngữ bất lợi

Bà Hương Vũ, Trưởng Tiểu nhóm công tác thuế của VBF đã phải đưa ra kiến nghị dành riêng cho các công chức thực thi.

“Đề nghị cơ quan thuế, hải quan thường xuyên tổ chức tập huấn để phổ biến và cập nhật chính sách thuế và hải quan đến cán bộ hành thu nhằm đảm bảo rằng các chính sách được hiểu một cách thấu đáo và được tôn trọng trong quá trình thực hiện”, bà Hương nói.

Hơn thế, Tiểu nhóm công tác thuế còn gửi tới các cơ quan thuế yêu cầu có vẻ như thừa. Đó là cơ quan thuế phải có trách nhiệm với những kết luận, quyết định mình đưa ra.

“Với mỗi văn bản ở bất cứ cấp nào nên có quy định về thưởng, phạt rõ ràng để cán bộ thuế cân nhắc kỹ hơn và có trách nhiệm hơn trước khi đưa ra kết luận, quyết định”, bà Hương Vũ cụ thể quy định của Tiểu nhóm.

Nhưng, việc doanh nghiệp dành thời gian sít sao của VBF giữa kỳ 2017 để kiến nghị các vấn đề mang tính can thiệp trực tiếp vào hoạt động của các cơ quan thực thi pháp luật chứng tỏ đang có quá nhiều bức xúc trong thực thi, khiến doanh nghiệp không thể kiên nhẫn hơn.

“Văn bản pháp luật đã có những phân biệt hình thức xử phạt đối với hành vi phạm hành chính, hành vi cố ý khai sai nhằm mục đích trốn thuế. Khâu thực thi cần được thực hiện trên tinh thần tôn trọng luật pháp, tôn trọng người nộp thuế, hợp tác và tháo gỡ khó khăn. Cơ quan thuế và hải quan cần xem xét bản chất của giao dịch và thực tiễn hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp để đánh giá hành vi vi phạm và xử phạt đúng với hành vi vi phạm. Không nên căn cứ vào lỗi sai hành chính để nghiêm trọng hóa thành hành vi trốn thuế hay lấy đi quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp”, bà Hương Vũ nói.

Trên thực tế, đã có  lý do doanh nghiệp không đánh dấu vào chỉ tiêu chốt số thuế được hoàn hay việc sử dụng sai mẫu kê khai thuế giá trị gia tăng đầu vào mà doanh nghiệp bị từ chối hoàn thuế.

Trong những tình huống này, các doanh nghiệp cho rằng, cơ quan thuế cần có sự phối hợp đồng hành để gỡ rối cho doanh nghiệp chứ không thể vin vào những lỗi sai hành chính của doanh nghiệp mà lấy đi quyền lợi chính đáng của họ.

Đề xuất cơ chế giải quyết khi có do dự

Ông Tetsu Funayama, Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản (JBAV) đã gửi đề xuất thành lập một tổ chức mới để hỗ trợ rút ngắn khoảng cách giữa quy định và thực thi.

“Tô đề nghị thành lập tổ chức độc lập thuộc Chính phủ, có thẩm quyền để giải quyết triệt để các vấn đề phát sinh do dự không rõ ràng trong thực thi. Khi doanh nghiệp gặp khó khăn do sự trì hoãn trong thực thi chính sách, tổ chức này sẽ đóng vai trò trung gian giải quyết”, ông Tetsu Funayama đề xuất.

Thậm chí, ông này cũng đề nghị xây dựng cơ chế “Công văn chính thức”, nhằm giúp các doanh nghiệp có thể dễ dàng diễn giải một cách chính thức và thống nhất các điều luật.

“Không ít quy định của pháp lệnh không rõ ràng, nên có trường hợp không chỉ rõ được cơ sở vận dụng pháp lệnh đó hoặc không có giải thích thống nhất về pháp lệnh đó, dẫn tới việc các doanh nghiệp tư nhân không thể biết trước các hoạt động của mình có vi phạm pháp lệnh hay không”, ông Tetsu Funayama nói.

Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) giữa kỳ năm 2017: Gỡ rào cản để cùng tiến
Sáng nay (16/6), cộng đồng doanh nghiệp và các cơ quan Chính phủ sẽ đối thoại, bàn cách “Cùng nhau tiến về phía trước - khu vực đầu tư nước...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư