Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 13 tháng 10 năm 2024,
VCCI đề nghị kéo dài thời gian hỗ trợ doanh nghiệp đến tháng 6/2022
Khánh An - 06/08/2021 16:03
 
Gọi khó khăn của các doanh nghiệp Việt Nam đang đối mặt là cực kỳ nghiêm trọng và chưa từng có, VCCI đề nghị các giải pháp hỗ trợ cần phải mạnh mẽ chưa từng thấy.
.
VCCI đề nghị mở rộng hỗ trợ giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp có quy mô doanh thu năm 2021 dưới 300 tỷ đồng. 

Hôm nay, 6/8, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc ký văn bản gửi Bộ Tài chính góp ý vào Dự án Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về ban hành một số giải pháp về thu ngân sách nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch Covid-19.

Nhiều đề xuất được đề nghị bổ sung theo hướng mở rộng phạm vi và quy mô khoản hỗ trợ từ ngân sách cho các doanh nghiệp. Lý do, theo VCCI, khó khăn của các doanh nghiệp Việt Nam hiện đang đối mặt là cực kỳ nghiêm trọng và chưa từng có do vậy các giải pháp hỗ trợ cần phải mạnh mẽ chưa từng thấy. 

Tăng thời gian hỗ trợ

Cho rằng, những khó khăn của doanh nghiệp trong đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ tư rất nặng nề, VCCI đề nghị kéo dài thời gian các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp tới tháng 6/2022.

Trong Dự thảo Nghị quyết do Bộ Tài chính được giao nhiệm vụ hoàn thiện, giải pháp giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2021 đối với trường hợp người nộp thuế thu nhập doanh nghiệp có tổng doanh thu năm 2021 không quá 200 tỷ đồng.

Việc giảm thuế giá trị gia tăng đối với doanh nghiệp trong một số ngành, lĩnh vực cũng được đề xuất thời hạn đến 31/12/2021.

Các hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh cũng được đề nghị hỗ trợ giảm số thuế phải nộp phát sinh từ hoạt động sản xuất, kinh doanh của các tháng trong quý III và quý IV/2021.

Như vậy, có thể thấy, thời hạn áp dụng cho các giải pháp hỗ trợ này chỉ giới hạn trong năm 2021. VCCI cho rằng, thời hạn này cần được xem xét lại vì hai lý do.

Một là, đợt dịch bùng phát từ tháng 4/2021 trở lại đây đang ảnh hưởng rất nặng nề đến tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Hai là, theo kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm chủng, dự kiến đến hết quý I/2022, 70% dân số được tiêm vắc xin phòng Covid-19 - mức đạt miễn dịch cộng đồng.

Như vậy, sớm nhất thì phải đến quý I/2022, các hoạt động kinh tế sẽ trở lại trạng thái bình thường mới, doanh nghiệp sẽ dần khôi phục được tình hình sản xuất, kinh doanh của mình.

“Do đó, để đảm bảo tính hiệu quả và ổn định của chính sách hỗ trợ, để những chính sách này có hiệu lực thực tế, đề nghị điều chỉnh thời hạn áp dụng các biện pháp hỗ trợ sang đến hết tháng 6/2022”, VCCI kiến nghị trong văn bản gửi Bộ Tài chính.

Cùng với đề xuất trên, VCCI đề nghị mở rộng mức giảm thuế VAT cho các loại hình dịch vụ (như du lịch, nhà hàng, khách sạn, vận tải, chiếu phim…) lên 50%, thay vì 30% như Dự thảo.

Mở rộng đối tượng được giảm thuế thu nhập doanh nghiệp 

Theo Dự thảo, đối tượng được hưởng chính sách giảm thuế thu nhập doanh nghiệp là các doanh nghiệp có tổng doanh thu của năm 2020 không quá 200 tỷ đồng.

VCCI cho rằng, mức giới hạn này chưa thật hợp lý và sẽ loại bỏ một số doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa ra khỏi đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ này.

Vì, theo quy định tại Điều 4 Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa 2017, thì một trong những tiêu chí xác định doanh nghiệp nhỏ và vừa là có tổng doanh thu của năm trước liền kề không quá 300 tỷ đồng.

Mặt khác, cũng theo Báo cáo Đánh giá tác động của dịch Covid-19 đối với doanh nghiệp Việt Nam do VCCI thực hiện, có tới 65% doanh nghiệp tư nhân và 62% doanh nghiệp FDI bị giảm doanh thu năm 2020 so với năm 2019.

Mức giảm doanh thu trung bình với doanh nghiệp tư nhân là 36% và doanh nghiệp FDI là 34%. Doanh nghiệp tư nhân quy mô siêu nhỏ, nhỏ và vừa có mức giảm doanh thu trung bình cao hơn so với những doanh nghiệp quy mô lớn. Cụ thể, mức giảm doanh thu của doanh nghiệp tư nhân siêu nhỏ, nhỏ, vừa và lớn lần lượt ở mức 39%, 33%, 32% và 30%.

Với các doanh nghiệp FDI, các doanh nghiệp quy mô siêu nhỏ, nhỏ có mức giảm doanh thu ở mức 36% và 35%, các doanh nghiệp quy mô vừa, lớn có mức giảm doanh thu ở mức 31% và 30%.

Như vậy, có thể thấy các doanh nghiệp có quy mô siêu nhỏ, nhỏ và vừa có mức giảm doanh thu khá lớn và chịu tác động nặng nề bởi dịch Covid-19.

"Do đó, để đảm bảo tính hiệu quả của chính sách hỗ trợ này, đề nghị Ban soạn thảo xác định đối tượng được hưởng chính sách giảm thuế thu nhập doanh nghiệp là các doanh nghiệp có tổng doanh thu của năm 2020 không quá 300 tỷ đồng", VCCI đề xuất cụ thể.

Hỗ trợ chi phí liên quan đến phòng chống dịch bệnh

Hiện nay, để thực hiện mục tiêu kép vừa phòng chống dịch bệnh vừa thúc đẩy phát triển kinh tế nhiều doanh nghiệp đang cố gắng cầm cự hoạt động và chịu rất nhiều chi phí liên quan đến phòng chống dịch bệnh như chi phí xét nghiệm định kỳ, chi phí tổ chức sản xuất theo mô hình 3 tại chỗ, 1 cung đường 2 địa điểm 

Theo phản ánh từ các doanh nghiệp thì các chi phí phòng chống dịch bệnh này quá lớn, doanh nghiệp không thể có hiệu quả kinh doanh, vốn tự có của doanh nghiệp đang bị ăn mòn dần. Việc doanh nghiệp cố gắng cầm cự, duy trì sản xuất, đặc biệt tại các địa phương đang bị phong toả, giãn cách theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ là nỗ lực để tạo công ăn việc làm cho người lao động và giữ được khách hàng.

VCCI đã viết như trên trong công văn gửi Bộ Tài chính. Đây là cơ sở để VCCI đề nghị bổ sung các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp các chi phí về phòng chống dịch bệnh trong quá trình duy trì sản xuất, ít nhất là tại các địa phương và trong thời kỳ giãn cách tại một số nơi theo Chỉ thị 16.

Cụ thể, khoản chi phí này được xác định là khoản được hỗ trợ từ ngân sách, được khấu trừ trong các khoản nộp ngân sách kỳ tiếp sau.

“Đây là giải pháp hỗ trợ trực tiếp và thiết thực dành cho các doanh nghiệp gặp khó khăn về dịch bệnh nhất. Chính sách này cũng rất công bằng, những doanh nghiệp nào cố gắng cao nhất để thực hiện chủ trương của Chính phủ về duy trì mục tiêu kép thì sẽ được Nhà nước hỗ trợ và doanh nghiệp nào nỗ lực duy trì được càng nhiều việc làm thì được Nhà nước hỗ trợ càng lớn”, VCCI kiến nghị.

Thủ tướng Chính phủ sẽ làm việc với các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp

Văn phòng Chính phủ vừa gửi Công điện tới các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp về cuộc làm việc của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.
Cụ thể, vào Chủ nhật 8/8/2021, Thủ tướng Chính phủ sẽ chủ trì Hội nghị trực tuyến của Thủ tướng Chính phủ làm việc với đại diện doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp và các địa phương về các gói giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch. Cùng dự với Thủ tướng có các Phó thủ tướng.

Theo yêu cầu của Thủ tướng, tham dự Hội nghị, ngoài lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, VCCI, Liên minh hợp tác xã Việt Nam, Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV), sẽ có đại diện các hiệp hội doanh nghiệp trong nước, hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam, đại diện doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp nhà nước...

Bài viết triển khai thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, đảm bảo trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh dịch Covid-19.

Xem thêm nội dung TẠI ĐÂY!

Với doanh nghiệp, tạm gián đoạn có thể là đứt gãy thực sự
Nhiều đứt gãy trong sản xuất, lưu thông hàng hóa, lao động do dịch bệnh có thể không nối lại được. Ông Phan Đức Hiếu, đại biểu Quốc hội...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư