Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Về hưu bị kỷ luật: Đề xuất cắt giảm lương hưu, tước bỏ danh xưng
Kỳ Thành - 24/10/2019 15:23
 
Đại biểu Nguyễn Văn Hiển (Lâm Đồng) cho rằng, không nên quy định hình thức xử lý kỷ luật xoá tư cách chức vụ đã đảm nhiệm mà thay vào đó là hình thức kỷ luật giảm hoặc truất lương hưu vĩnh viễn.

Phát biểu tại phiên thảo luận sáng 24/10 kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV, Đại biểu Nguyễn Văn Hiển (Lâm Đồng) cho rằng, Điểm b khoản 5 Điều 84 dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức, quy định hình thức xử lý là xoá tư cách chức vụ đã đảm nhiệm là chưa thật hợp lý.

Theo ông Hiển, việc xoá tư cách chức vụ đã đảm nhiệm về mặt pháp lý rất khó giải thích thế nào là tư cách chức vụ. Trong các văn bản bổ nhiệm các chức vụ hiện nay không có chỗ nào dùng từ khái niệm là tư cách chức vụ.

Bên cạnh đó, quy định hình thức xử lý kỷ luật trên không tương thích và thống nhất với các quy định về trách nhiệm hình sự trong Bộ luật Hình sự và các quy định về xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức đương chức.

Đại biểu Nguyễn Văn Hiển, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Đại biểu Nguyễn Văn Hiển, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Ông Hiển ví dụ, theo Bộ luật Hình sự hiện hành, nếu một cán bộ, công chức giữ chức vụ, quyền hạn cao bị xử lý kỷ luật, bị xử lý hình sự với các hình phạt nghiêm khắc nhất như tù có thời hạn, tù chung thân thì họ vẫn không bị xoá tư cách chức vụ đã đảm nhiệm. Tương tự như vậy, nếu cán bộ, công chức bị xử lý kỷ luật bằng hình thức cao nhất là buộc thôi việc thì họ cũng không bị xoá tư cách chức vụ mà họ đã đảm nhiệm trước đó.

“Điều này tạo ra sự bất hợp lý, là người gây hậu quả pháp lý nghiêm trọng đến mức phải xử lý hình sự lại không bị xoá tư cách chức vụ đã đảm nhiệm trước đó, còn người đã nghỉ hưu có thể không phải chịu trách nhiệm hình sự nhưng lại bị xoá tư cách chức vụ đã đảm nhiệm”, ông Hiển nói.

Dẫn chứng tham khảo kinh nghiệm của Đức, ông Hiển cho rằng, hình thức kỷ luật thì phải kỷ luật cái hiện hữu họ đang có, giảm hoặc truất lương vĩnh viễn. Hệ quả của nó tác động đến cả lợi ích vật chất và lợi ích tinh thần của người bị kỷ luật, bao gồm tiền lương hưu và các chức danh, chức vụ đã có trước khi nghỉ hưu. Người bị kỷ luật không còn quyền tự giới thiệu và được giới thiệu các chức danh này.

“Tôi cho rằng dự thảo không nên quy định hình thức xử lý kỷ luật xoá tư cách chức vụ đã đảm nhiệm mà thay vào đó là hình thức kỷ luật giảm hoặc truất lương hưu vĩnh viễn kèm theo hậu quả pháp lý là tước bỏ hoặc cắt giảm các chế độ, chính sách hiện đang được hưởng bao gồm cả lương hưu, các danh hiệu, huân, huy chương, các danh xưng như nguyên Bộ trưởng, nguyên Thứ trưởng…”, ông Hiển nhấn mạnh.

Trước đó, trình bày Báo cáo tóm tắt giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, tiếp thu ý kiến đại biểu, trong dự thảo luật cũng đã bổ sung nguyên tắc gắn hình thức xử lý kỷ luật với hệ quả pháp lý tương ứng để làm cơ sở cho Chính phủ quy định chi tiết. Theo đó đối với từng hình thức xử lý kỷ luật "cảnh cáo", "khiển trách", "xóa tư cách chức vụ" thì cán bộ, công chức còn phải chịu hệ quả kèm theo (ví dụ như cắt một số quyền lợi về vật chất mà người đó được hưởng).

Lương công chức bậc cao nhất tương đương lương bộ trưởng
Lương công chức bậc cao nhất tương đương lương bộ trưởng
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư