Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 01 tháng 05 năm 2024,
Kỷ niệm 125 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh:
Về quê Bác, lòng thấy rưng rưng…
Thanh Huyền - 18/05/2015 11:30
 
Thật lạ, chuyện về Bác Hồ - vị lãnh tụ cách mạng, danh nhân văn hóa thế giới - chỉ toàn những câu chuyện thật bình dị, nhưng từ các em nhỏ lần đầu về Làng Sen, Làng Trù, đến những người lớn tuổi đã nhiều lần hành hương về quê Bác, ai nghe cũng thấy lòng rưng rưng, có người còn để mặc những giọt nước mắt lặng lẽ rơi…

1.
Đúng hẹn, chúng tôi lại về thăm quê Bác, vào đúng dịp kỷ niệm 125 năm ngày sinh của Người. Đã nhiều năm nay, đó là cái hẹn “thường niên”. Vậy nhưng, năm nào cũng vậy, cứ đến dịp này, khi chuẩn bị cho chuyến hành hương về quê Bác, chúng tôi vẫn náo nức vui. Lại thêm chuyện “lây” niềm vui của các vị khách mời đặc biệt - 3 cô giáo và 8 em học sinh đến từ tỉnh Sơn La - nên không khí càng rộn ràng, háo hức hơn.

Năm nay đã là năm thứ năm, Báo Đầu tư tổ chức cho các em học sinh nghèo học giỏi, những học sinh đã từng nhận học bổng của Giải golf Vì trẻ em Việt Nam, do Báo Đầu tư tổ chức, về thăm quê hương Bác Hồ kính yêu. Các năm trước là học sinh của các tỉnh Hà Giang, Hòa Bình, Lào Cai, Quảng Trị..., còn năm nay là sự có mặt của đoàn giáo viên và các em học sinh của tỉnh Sơn La. Cả 8 em đều là người dân tộc Thái, xinh xắn, thông minh, ngoan ngoãn, học giỏi và đều lần đầu tiên được về thăm quê Bác…

Đoàn công tác của Cơ quan Báo Đầu tư dâng hương tại Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh (Nam Đàn, Nghệ An). Ảnh: Chí Cường
Đoàn công tác của Cơ quan Báo Đầu tư dâng hương tại Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh (Nam Đàn, Nghệ An). Ảnh: Chí Cường

 

Bởi thế, trong câu chuyện dọc đường, không chỉ các em, mà ngay cả các cô giáo cũng kể rằng, ai cũng thao thức khó ngủ. Mất ngủ nhưng chẳng hề mệt mỏi, bởi niềm vui ngày hôm nay quá lớn. Niềm vui được từ bản nghèo Sơn La về thăm Thủ đô, rồi về thăm quê hương Bác Hồ, thăm Làng Trù, Làng Sen mà lâu nay chỉ biết qua sách vở.

“Đây là lần đầu tiên cháu được đi xa, lại được cùng với các bác, các chú về thăm quê Bác, cháu mừng lắm! Cháu hứa sẽ nghe lời thầy cô để học thật giỏi góp sức mình vào xây dựng quê hương Sơn La của cháu. Cháu mong, sẽ có thêm nhiều các bạn, các em được về thăm quê Bác như cháu”, Thào Thùy Dương, học sinh lớp 9B Trường THCS Nguyễn Trãi (Sơn La) cười rạng rỡ.

Cũng bởi thế, bất chấp cái nắng nóng tới oi nồng của dải đất miền Trung đang bắt đầu vào hạ, chuyến đi của chúng tôi tới quê hương Bác Hồ ngay từ giây phút ban đầu đã đầy ắp tiếng cười, đầy ắp những cảm xúc và câu chuyện về Người, về những bài học trong sách vở mà hôm nay, các em muốn được trải nghiệm và tận mắt chứng kiến ở Làng Trù, Làng Sen.

2.
Sau hơn nửa ngày đường, chúng tôi đã có mặt tại quê Bác, cùng hòa vào dòng người đang lặng lẽ đi sau những hàng cây, tán lá để tới Khu di tích Kim Liên.

Giọng cô hướng dẫn viên nhẹ như gió thoảng. Rằng Khu di tích Kim Liên có hai cụm di tích Hoàng Trù và Làng Sen - nơi Bác Hồ đã sống cùng với gia đình từ năm 1901 - 1905, Nhà thờ cụ Nguyễn Sinh Nhậm (ông nội Chủ tịch Hồ Chí Minh), Nhà thờ đại tôn dòng họ Nguyễn Sinh, giếng Cốc, lò rèn cố Điền, nhà cụ cử nhân Vương Thúc Quý, Đình Làng Sen, Cây đa sân vận động - nơi Bác Hồ nói chuyện với nhân dân xã Kim Liên, và cả Khu mộ bà Hoàng Thị Loan, thân mẫu của Bác.

Còn ông Nguyễn Bá Hòe, Giám đốc Khu di tích Kim Liên cho biết, từ ngày mở cửa đón tiếp khách tham quan tới nay, Khu di tích Kim Liên đã đón hơn 30 triệu lượt khách. Riêng từ đầu năm đến nay, Khu di tích đã đón trên 700.000 lượt khách. Bác đã luôn ở trong trái tim mỗi người Việt Nam và bạn bè quốc tế. Bởi thế, ai cũng khát khao được một lần trong đời tới thăm vùng đất này.

“Cháu như đã thấy Bác Hồ đang ở đây”, Quàng Thị Vân reo vui.

Ấy là vì trong tiếng gió rì rào lọt qua những tán lá, nghe giọng nói ấm áp đầy truyền cảm của chính vị Giám đốc Khu di tích, tuổi thơ của vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam như những thước phim quay chậm trước mắt chúng tôi.

Đó là hình ảnh cậu bé Nguyễn Sinh Cung quẩn quanh bên án thư nghe cha đàm đạo chuyện nước nhà với các bậc sĩ phu yêu nước. Hay hình ảnh bà Hoàng Thị Loan cười trìu mến với các con bên khung cửi lách cách thoi đưa. Rồi cả những chiều anh em Bác chạy đùa, cười vang trong gian nhà nhỏ…

Đây nhé, vẫn còn đó vẹn nguyên cái lu nước sành, cái rương gỗ, khung cửi nhỏ. Chỉ có tấm phản, mà khi xưa anh em Nguyễn Tất Đạt - Nguyễn Tất Thành thường nằm ngủ là dường như đã ngắn đi. Là cô hướng dẫn viên kể thế. Khi Bác về thăm quê, đưa tay sờ tấm phản, Bác đã hỏi: “Hình như bộ phản đã ngắn đi rồi có phải không các chú?”.

Lại kể rằng, Bác trong lần đầu về quê hương, vào mùa hè năm 1957, đã bảo: “Bác đồng ý cho trồng hoa, nhưng mà phải là hoa khoai. Bác thấy hoa khoai rất đẹp...”. Thảo nào, vườn nhà Bác, mùa nào thức ấy, cây cỏ đơm trái, kết hoa...

Rồi chuyện Bác theo cha ra Huế, chuyện Bác ra đi tìm đường cứu nước, chuyện Bác về thăm quê khi đã là Hồ Chủ tịch kính yêu…

Vẫn là những câu chuyện ấy, năm nào chúng tôi cũng được nghe. Giọng ông Hòe vẫn thế, nhẹ như gió thoảng mà ngọt ngào và sâu lắng. Nhưng dù đã nhiều lần nghe, vẫn rưng rưng cảm động.

Còn mấy em học sinh, hình như chẳng giấu được nỗi xúc động, để mặc nước mắt tuôn rơi. Cũng có em lén đưa tay lau vội giọt nước mắt mằn mặn trên môi…

Người ra đi từ năm 1911, để rồi sau 30 năm bôn ba nước ngoài, trở về nước, hôn nắm đất quê hương và bắt đầu hành trình cứu nước. Để chúng ta có một Việt Nam ngày hôm nay...

3.
Ngày cuối cùng trước khi về Hà Nội, trong buổi giao lưu với huyện Nam Đàn (Nghệ An), chúng tôi cùng nhau hát vang những lời ca về Bác và thưởng thức những tiết mục múa khăn, múa tập thể của dân tộc Thái do các em học sinh biểu diễn.

Khi những điệu hò ví dặm được ngân lên, lại chợt nhớ câu hát: “Chuyện kể rằng trước lúc Người đi xa, Bác muốn nghe một câu hò xứ Nghệ”. Nghe những câu hát ví dặm về quê hương, đất nước, tôi mới hiểu tại sao khi sắp về thế giới bên kia, Bác vẫn muốn nghe, khát khao được nghe một “câu hò xứ Nghệ”, bởi đó là lúc Bác nhớ mẹ, nhớ quê rất nhiều. Tình yêu quê hương, dân tộc đã luôn sáng mãi trong lòng Người qua những kỷ vật, những câu hát giản đơn, gần gũi.

Theo ông Phạm Xuân Quang (Phó bí thư thường trực Huyện ủy Nam Đàn), trong những ngày tháng Năm lịch sử này, Nam Đàn sẽ tiến hành Đại hội các cấp với nhiều thành tựu đạt được về kinh tế - xã hội, khi kinh tế tiếp tục tăng trưởng, giai đoạn 2011 - 2015 tăng bình quân 7,27%/năm, thu hút đầu tư đạt 7.865 tỷ đồng.

Theo Dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Nam Đàn lần thứ XXV trình Đại hội Đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ XXVI, từ nay đến năm 2020, Nam Đàn phấn đấu tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 11,5-12%/năm, trong đó cơ cấu công nghiệp - xây dựng chiếm tỷ trọng 37-38%, dịch vụ chiếm 35-36%.

Những chỉ tiêu cụ thể và đầy tính thực tế; những phương pháp khoa học, phù hợp khi vận dụng tại địa phương. Những người con quê Bác đang đem hết sức mình để thực hiện mong ước của Người: “Xây dựng quê hương, đất nước đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”.n

Trước lúc lên xe về Sơn La, cô bé Lèo Thị Tâm Đan (học sinh lớp 7 Trường THCS Chiềng Cọ) còn khoe: “Sáng nay, chúng em được vào thăm Lăng Bác. Em mong lại có dịp được về quê Bác lần nữa để hiểu hơn về Người, về lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam. Em sẽ kể cho các bạn nghe kỷ niệm đáng nhớ này khi về Sơn La…”.

Bác Hồ tiên liệu đường hướng kinh tế cho đất nước
Hai câu chuyện sau cho thấy tư tưởng của Bác đã đi trước thời đại. Người đã nhìn ra ưu điểm của kinh tế thị trường và tiên liệu đường...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư