Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
VEC lên tiếng về vụ tàu va vào cẩu tháp phục vụ thi công cầu Phước Khánh
Anh Minh - 23/02/2021 15:13
 
Vụ tàu Phúc Khánh mất lái, va vào cẩu tháp phục vụ thi công trụ P16 cầu Phước Khánh, Dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành được xác định là tai nạn hàng hải ít nghiêm trọng.
Hiện trường vụ tàu Phúc Khánh mất lái, va trôi vào cẩu tháp phục vụ thi công cầu Phước Khánh.
Hiện trường vụ tàu Phúc Khánh mất lái, va trôi vào cẩu tháp phục vụ thi công cầu Phước Khánh.

Liên quan đến vụ việc tàu chở container Phúc Khánh mất lái, va chạm với sà lan làm đổi hướng va vào cần cẩu tháp phục vụ thi công cầu dây văng Phước Khánh (Gói thầu J3) Dự án xây dựng đường cao tốc Bến Lức – Long Thành, vào sáng nay (23/2), Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam – VEC đã được cung cấp một số thông tin sơ bộ về vụ việc này.

Theo VEC, vào khoảng 6h ngày 21/2, tàu Phúc Khánh (quốc tịch Việt Nam, số hiệu GT6701, tải trọng thiết kế 8.239 DWT) chở theo 357 container, xuất phát từ cảng Bến Nghé (TP. Hồ Chí Minh) đi cảng Hải Phòng qua luồng tàu sông Lòng Tàu. Khi tàu lưu thông đến khu vực thi công công trình cầu dây văng Phước Khánh (Gói thầu J3) thì bị sập máy chính và mất điều khiển, trôi sang phía luồng ngược lại và va quệt vào 1 sà lan, sau đó quay ngang và va tiếp vào cẩu tháp phục vụ thi công trụ tháp P16 ở phía hạ lưu, bờ Đồng Nai vào lúc 8h36. Vụ va chạm làm sập toàn bộ cẩu tháp và kéo rơi một số container xuống sông.

Để đảm bảo an toàn cho tàu (do tàu nằm trên bệ cọc của cẩu tháp trong khi nước đang xuống) và không ảnh hưởng đến khai thác luồng hàng hải, Cảng vụ Hàng hải TP. Hồ Chí Minh đã chỉ đạo kéo tàu ra khỏi vị trí tai nạn (vào lúc 12h30), định vị, trục vớt các container rơi và kéo tàu về cảng Bến Nghé.

VEC cho biết vụ việc không gây thiệt hại về người nhưng khiến toàn bộ cẩu tháp phục vụ thi công trụ P16 (bao gồm thân cẩu tháp, hệ thanh giằng và hệ móng cọc) hiện đã đổ sập và chìm dưới sông; xe treo thi công đúc hẫng kết cấu phần trên bị hư hại nhẹ; kết cấu chống va xô (dạng “múi khế”) phía hạ lưu tại dầm ngang dưới trụ tháp P16 bị vỡ lớp bê tông bảo vệ;

Sơ bộ chưa phát hiện thêm các hư hại khác. Tuy nhiên, VEC - chủ đầu tư Dự án đường cao tốc Bến Lức – Long Thành và các bên liên quan sẽ tiếp tục kiểm tra, đánh giá và báo cáo về các hư hại khác.

Giá trị sơ bộ của các thiệt hại nêu trên khoảng 20 tỷ đồng, chủ yếu là chi phí mua, lắp dựng lại cẩu tháp (theo báo cáo ban đầu của Nhà thầu - giá trị cụ thể sẽ được báo cáo sau khi có kiểm tra toàn diện kết cấu và luồng hàng hải cũng như đường thủy nội địa).

Được biết, cầu Phước Khánh là công trình cấp đặc biệt và là cầu dây văng vĩnh cửu bằng bê tông cốt thép (BTCT) và BTCT dự ứng lực dạng 2 mặt phẳng dây với sơ đồ 3 nhịp (149,5+300+149,5) m, tổng chiều dài cầu 599m, bề rộng cầu 30,35m. Kết cấu trụ tháp cầu chính là dạng tháp chữ H, bằng BTCT và BTCT dự ứng lực; móng vòng vây cọc ống thép, đường kính cọc 1,5m. Trụ được thiết kế chịu va tàu trực tiếp, kết cấu chống va tàu được bố trí ở vị trí dầm ngang dưới dạng “múi khế”. Tải trọng thiết kế va tàu là tàu 20.000 tấn, vận tốc tàu 5,0m/s.

Tại hạng mục cầu Phước Khánh, các nhà thầu đã thi công hoàn thành toàn bộ phần móng cọc SPSP và trụ tháp cầu; phần dầm thi công xong khối đỉnh trụ K0. Ở 2 trụ tháp (P15 và P16) có các thiết bị vận thăng và cẩu tháp.

Từ tháng 1/2019 đến nay, VEC chưa được bố trí kế hoạch vốn do vướng quy định tại Nghị quyết số 71/2018/QH14 ngày 12/11/2018 của Quốc hội yêu cầu: “Chưa phân bổ nguồn vốn nước ngoài cho Tổng công ty Đường cao tốc Việt Nam”. Trong quá trình thi công, hệ thống phao tiêu bảo đảm an toàn hàng hải được thiết lập trong suốt quá trình nhà thầu thi công và đã được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận, đảm bảo an toàn hàng hải.

VEC khẳng định trụ tháp cầu dây văng Phước Khánh được thiết kế va tàu trực tiếp vào thân trụ với tải trọng tàu thiết kế 20.000 tấn, vận tốc tàu 5m/s; trong khi thông số tàu Phúc Khánh được cấp có tải trọng là 8.239 tấn, vận tốc hành hải qua khu vực cầu đã được hạn chế xuống khoảng 7 knot (tương đương 3,5m/s), thêm vào đó vận tốc này cũng đã bị giảm đi sau khi sập máy chính và thả neo nên theo đánh giá sơ bộ chưa phát hiện thấy hư hỏng kết cấu chính của công trình, được đánh giá là tai nạn hàng hải ít nghiêm trọng (theo khoản 3, Điều 4 - Thông tư 01/2020/TT-BGTVT quy định về báo cáo điều tra tai nạn hàng hải).

Đối với vụ tai nạn này, chi phí bồi thường thiệt hại và chi phí khắc phục sẽ do tổ chức, cá nhân gây ra sự cố chịu trách nhiệm theo quy định pháp luật liên quan (cụ thể ở đây trách nhiệm thuộc về chủ tàu Phúc Khánh, thông qua các tổ chức điều tra giám định, bảo hiểm phía chủ tàu).

Tuy nhiên, ngoài các thiệt hại vật chất được đánh giá, giám định theo thực tế, do cần có thời gian thực hiện công tác điều tra giám định, kết luận, thương thảo giữa các bên và thời gian khắc phục thiệt hại, thì thời gian chuẩn bị tái khởi động gói thầu cũng sẽ bị kéo dài, dẫn đến phát sinh bổ sung chi phí dừng chờ, kéo dài. Phần chi phí này cần được xem xét, thương thảo trong quá trình xử lý, khắc phục.

Hiện tại, VEC và các bên liên quan vẫn đang khẩn trương tiếp tục thực hiện công tác khảo sát, đánh giá mức độ hư hỏng, phối hợp điều tra giám định thiệt hại, thương thảo, khắc phục các thiệt hại.

Bí bách gỡ vốn cho cao tốc Bến Lức - Long Thành
Vẫn còn nhiều bộn bề, vướng mắc để khơi thông vốn cho Dự án Xây dựng đường cao tốc Bến Lức - Long Thành vốn bị đình trệ suốt 2 năm qua.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư