Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 28 tháng 04 năm 2024,
“Vênh” quan điểm xóa nợ phạt chậm nộp thuế
Quang Hưng - 03/11/2014 10:46
 
() Trong Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều tại các Luật về thuế, Bộ Tài chính đề nghị xoá nợ tiền phạt chậm nộp thuế cho doanh nghiệp với các khoản nợ phát sinh trước ngày 01/7/2013 và đã nộp khoản nợ thuế gốc trước ngày 31/12/2014 nhưng đa số ý kiến đại biểu Quốc hội không đồng tình.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Tăng thuế 'khủng' với bia, rượu, thuốc lá
“Cơ hội vàng” để Việt Nam tăng thuế thuốc lá
Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế TNDN
Giảm 50% thuế VAT với nhà ở thương mại từ 30/11/2013
  Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng  
  Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đề xuất xóa nợ tiền phạt chậm nộp thuế, tiền chậm nộp thuế phát sinh trước ngày 01/7/2013 của doanh nghiệp. Ảnh: Đức Thanh  

Trong khuôn khổ chương trình làm việc kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII, sáng nay (3/11), thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã đọc tờ trình về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều tại các Luật về thuế.

Trong số các đề xuất của Bộ Tài chính về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế, nội dung được cử tri và cộng đồng doanh nghiệp đặc biệt quan tâm là việc xóa nợ tiền phạt chậm nộp thuế.

Theo đề nghị của Bộ Tài chính, để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, Chính phủ trình Quốc hội cho phép: Xoá nợ tiền phạt chậm nộp thuế, tiền chậm nộp thuế của các khoản nợ thuế phát sinh trước ngày 01/7/2013 của doanh nghiệp gặp khó khăn khách quan và đã nộp khoản nợ thuế gốc trước ngày 31/12/2014.

Thẩm quyền xóa nợ tiền phạt chậm nộp thuế thực hiện theo quy định tại khoản 22 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế. Trong đó, doanh nghiệp gặp khó khăn khách quan được xóa nợ tiền phạt chậm nộp thuế, tiền chậm nộp thuế phải đáp ứng một trong các tiêu chí sau: Doanh nghiệp cung ứng hàng hoá, dịch vụ được thanh toán bằng vốn ngân sách nhà nước hoặc có nguồn từ ngân sách nhà nước nhưng chưa được thanh toán nên không có nguồn nộp kịp thời các khoản thuế dẫn đến phát sinh tiền phạt chậm nộp; Đối tác bị phá sản hoặc phá bỏ hợp đồng kinh tế dẫn đến người nộp thuế phát sinh các khoản nợ thuế và tiền phạt chậm nộp; Doanh nghiệp phải vay của các ngân hàng thương mại với lãi suất cao trên 20%/năm dẫn đến tổng tiền chậm nộp phát sinh bằng 100% số tiền thuế trở lên (nội dung thể hiện tại khoản 3 Điều 5 dự thảo Luật).

Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực diễn biến phức tạp, ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế - xã hội nước ta thì việc sửa đổi, bổ sung các luật thuế với nội dung trên đáp ứng được yêu cầu thực tế; phù hợp với xu hướng phát triển; phù hợp với thông lệ quốc tế đã cam kết, đang đàm phán và đảm bảo cân đối của ngân sách nhà nước; đảm bảo tính nhất quán, ổn định của chính sách; đồng thời cũng đảm bảo tính công bằng, bình đẳng trong ưu đãi đầu tư. Mặt khác, các nội dung sửa đổi, bổ sung cũng sẽ khắc phục bất cập hiện hành, tạo môi trường đầu tư thuận lợi, đồng thời đảm bảo chính sách được áp dụng đồng bộ với những quy định của Luật Đầu tư từ đó thúc đẩy sản xuất kinh doanh, phát triển tạo thêm việc làm và tăng thêm thu nhập cho người lao động.

Tuy nhiên, theo báo cáo thẩm tra Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều tại các Luật về thuế của Ủy ban Tài chính Ngân sách Quốc hội, đa số ý kiến thành viên Ủy ban không nhất trí với Tờ trình của Chính phủ và đề nghị cần cân nhắc việc xóa tiền phạt chậm nộp tiền thuế như Tờ trình của Chính phủ. Theo các ý kiến này thì bản chất tiền phạt chậm nộp thuế là khoản tiền phạt do vi phạm hành chính về thuế, do đó việc xóa nợ sẽ tạo tiền lệ không tốt, không bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật và không công bằng đối với các doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật.

Một số ý kiến khác trong Ủy ban Tài chính Ngân sách thì cho rằng, hiện nay số lượng các doanh nghiệp phá sản, ngừng hoạt động rất lớn, do đó nhất trí với Tờ trình của Chính phủ nhưng chỉ nhất trí xóa nợ tiền phạt chậm nộp thuế trong trường hợp doanh nghiệp nợ thuế do ngân sách nhà nước nợ doanh nghiệp.

Có ý kiến cho rằng, về thời điểm xóa nợ tiền phạt chậm nộp thuế đối với các doanh nghiệp trước thời điểm 01/7/2013 là quá rộng. Do đó, đề nghị cân nhắc, xem xét việc xoá nợ tiền phạt chậm nộp thuế trước năm 2008. Có ý kiến đồng tình với đề xuất của Chính phủ nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, vì việc xóa nợ tiền phạt chậm nộp thuế sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp nộp khoản nợ thuế gốc, góp phần tăng thu ngân sách nhà nước.

Theo tính toán của Bộ Tài chính, khi thực hiện dự án Luật nêu trên, ước tính tổng số thuế hỗ trợ cá nhân, doanh nghiệp năm 2015 khoảng 3.900 - 4.000 tỷ đồng và mỗi năm tăng chi khoảng 1.300 tỷ đồng từ Quỹ hoàn thuế để thực hiện hoàn thuế giá trị gia tăng. Để đảm bảo cân đối ngân sách nhà nước, số thu ngân sách sẽ được bù đắp bằng việc điều chỉnh thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các mặt hàng thuốc lá, rượu, bia, kinh doanh casino tại dự thảo Luật thuế Tiêu thụ đặc biệt trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp này. Cụ thể, theo ước tính, năm 2015 tăng 571 tỷ đồng, năm 2016 tăng 2.773 tỷ đồng, năm 2017 tăng 4.395 tỷ đồng, năm 2018 tăng 6.436 tỷ đồng, năm 2019 tăng 9.312 tỷ đồng; đồng thời khi sản xuất kinh doanh phát triển sẽ tăng thu trong trung và dài hạn.

 

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư