Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Vi phạm đấu thầu lĩnh vực y tế: Lo ngại về tính minh bạch
Ngọc Tuấn - 04/06/2019 07:44
 
Những lo ngại về tính minh bạch trong đấu thấu thuộc lĩnh vực y tế đang gia tăng khi nhiều vi phạm tiếp tục bị các cơ quan hữu trách điểm mặt, chỉ tên.
.
Những vi phạm trong đấu thầu lĩnh vực y tế sẽ dẫn tới việc lựa chọn nhà thầu không đủ năng lực.

Sai phạm tràn lan trong đấu thầu thuốc và vật tư y tế

Thanh tra Bộ Y tế vừa ban hành Kết luận thanh tra số 55/KL-TTrB về việc thực hiện quy định của pháp luật về đấu thầu, mua sắm thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế tại Sở Y tế và Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Nam giai đoạn từ ngày 1/1/2017 đến hết ngày 31/12/2018. Kết luận đã chỉ ra nhiều bất cập, thiếu sót trong công tác đấu thầu thuốc, vật tư y tế tại địa phương này.

Cụ thể, tại Sở Y tế tỉnh Hà Nam, quá trình xây dựng hồ sơ mời thầu, do sơ suất về kỹ thuật đã ghi chưa chính xác về thông tin dạng bào chế của thuốc Propofol mời thầu tại số thứ tự mời thầu 16, gói thầu số 1, là dạng “dung dịch tiêm”. Trong khi đó, thuốc dự thầu và trúng thầu là Propofol Injection BP (1% w/v) - Nirfol 1% (dược chất Propofol), số đăng ký VN-19284-15 có dạng bào chế theo giấy phép lưu hành sản phẩm là “nhũ dịch tiêm” và trong quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu cũng ghi dạng bào chế  “nhũ dịch tiêm”.

Kết quả thanh tra cho thấy, việc đấu thầu tại Sở Y tế và Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Nam cùng có một điểm hạn chế chung là, danh mục hàng hóa mua sắm trực tiếp có số lượng cao hơn 130% so với hợp đồng tương tự đã áp dụng, với 3 loại vật tư do Sở Y tế tỉnh Hà Nam làm chủ đầu tư; 4 loại thuốc, vật tư y tế do Bệnh viện Đa khoa tỉnh làm chủ đầu tư.

Kết luận thanh tra của Bộ Y tế cũng chỉ hàng loạt sai sót khác như hồ sơ mời thầu ghi chưa đầy đủ thông tin khối lượng của đơn vị tính “gói” của gói thầu số 6, quá trình tổ chức mua sắm trực tiếp chưa yêu cầu nhà thầu bảo đảm thực hiện hợp đồng đối với 2 nhà thầu trúng thầu. 

Trong báo cáo Kiểm toán Nhà nước trình kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV về việc quản lý và sử dụng Quỹ Bảo hiểm y tế năm 2017 tại Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Nam Định, Phú Yên,… đã chỉ ra việc hạn chế tham gia đấu thầu, phê duyệt giá thuốc trúng thầu cao gấp nhiều lần giá trúng thầu bình quân của bảo hiểm xã hội Việt Nam công bố.

Đáng chú ý, hiện tượng đưa vào kế hoạch mua sắm các loại hoạt chất có hàm lượng, dạng bào chế, dạng phối hợp ít cạnh tranh hoặc có chi phí cao bất hợp lý, nhưng không báo cáo lý do sử dụng theo quy định của Bộ Y tế đang diễn ra tại Bến Tre, TP. Cần Thơ, Đà Nẵng, Hà Nội.   

Cấn nhắc lại rằng, tháng 11/2018 Kiểm toán Nhà nước từng đề nghị Bộ Công an điều tra dấu hiệu sai phạm trong đấu thầu thuốc và vật tư y tế tại Sở Y tế tỉnh Bình Dương khi lựa chọn nhà thầu mua sắm trực tiếp không qua đấu thầu ở 2 gói thầu mua sắm thuốc chữa bệnh có tổng giá trị trên 679 tỷ đồng.

Thuốc “đặc trị” nào?

Thời gian qua, với số lượng ít ỏi những sai phạm được phát giác và bị cơ quan hữu trách xử lý, thì tình trạng khiếu nại, kiến nghị trong quá trình lựa chọn nhà thầu tại lĩnh vực này đang diễn ra khá nhiều và có chiều hướng ngày càng phức tạp.

Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư, nhà thầu L. (yêu cầu không nêu tên) chuyên cung cấp thủy tinh thể nhân tạo tại TP.HCM cho rằng, điều đáng lo ngại là, trong khi khuôn khổ pháp lý trong lĩnh vực đấu thầu khá hoàn thiện, nhưng quá trình áp các quy phạm pháp luật đó vào thực tiễn lại phụ thuộc vào khả năng “đọc - hiểu” của các bên đã tạo nên những khoảng trống đáng lo ngại giữa thực tiễn và quy định của pháp luật. 

Điều đáng lo ngại hơn, theo nhà thầu Thiết bị y tế MC. là sự “ơ hờ của các cơ quan quản lý nhà nước về công tác đấu thầu tại địa phương” khi không hoàn thành vai trò của “người gác cổng”.

Theo ý kiến các nhà thầu trên, để có thể xử lý nhanh và chính xác những kiến nghị của nhà thầu tại các cuộc đấu thầu diễn ra tại địa phương, việc phân cấp được thực hiện triệt để, với trách nhiệm của Sở Kế hoạch và Đầu tư và sở quản lý chuyên ngành tại địa phương. Hơn thế, việc nêu cao trách nhiệm cá nhân người lãnh đạo đứng đầu địa phương về tính thượng tôn pháp luật, không can thiệt bất hợp pháp vào hoạt động đấu thầu, các quy định của pháp luật xử lý hành vi vi phạm đấu thầu nghiêm trọng được đề nghị xử lý hình sự theo chế tài mới quy định tại Điều 222, Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 12/2017/QH14 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2018. Tuy nhiên, bất chấp những nỗ lực của cơ quan lập pháp, những cố gắng của cơ quản lý nhà nước về đấu thầu, vi phạm trong lĩnh vực y tế không những không giảm, mà còn có xu hướng gia tăng như báo cáo Kiểm toán Nhà nước nêu.

Thêm một lần nhắc lại rằng, những vi phạm trong đấu thầu lĩnh vực y tế sẽ dẫn tới việc lựa chọn nhà thầu không đủ năng lực, thiết bị y tế không đáp ứng yêu cầu kỹ thuật, chất lượng thiết bị, thuốc không đảm bảo đòi hỏi thực tiễn khám chữa bệnh sẽ không chỉ tạo nên những thiệt hại về kinh tế, mà có thể sẽ làm méo mó hình ảnh của Nhà nước trong cam kết bảo vệ sức khỏe của người dân.

Điều 222, Bộ luật Hình sự. Tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng: Người nào thực hiện một trong những hành vi sau đây, gây thiệt hại từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm
Đấu thầu thủy tinh thể Bệnh viện Mắt TP.HCM: Nóng rẫy do khác biệt về quan điểm
Tiêu chí kỹ thuật mang tính chất trọng yếu và kết hợp các tiêu chí trong từng phần thầu đang dẫn tới sự nghi ngại về chủ ý định hướng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư