Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Vì sao doanh nghiệp "lên xếp hàng" ở Bộ Xây dựng?
Hà Chính (chinhphu.vn) - 18/02/2017 07:03
 
"Yêu cầu khu nông nghiệp công nghệ cao phải có quy hoạch 1/500 thì rất khó cho doanh nghiệp. Không lẽ phải ghi rõ là chỗ này trồng dưa, chỗ này trồng rau?", Bộ trưởng, Chủ nhiệm văn phòng Chính phủ đặt câu hỏi với người đứng đầu ngành xây dựng
TIN LIÊN QUAN
.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng tại buổi làm việc với Bộ Xây dựng về tình hình thực hiện các nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng giao ngày 17/2 - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Ngày 17/2, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng dẫn đầu đoàn công tác kiểm tra Bộ Xây dựng về tình hình thực hiện các nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng giao. Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, Thủ tướng đặc biệt quan tâm và yêu cầu Bộ Xây dựng giải trình 6 vấn đề đang được dư luận quan tâm, trong đó có công tác xây dựng thể chế, không để các quy định gây khó khăn khiến người dân, doanh nghiệp phải “lên xếp hàng” tại Bộ.

Quy định "chỗ này trồng rau, chỗ này trồng dưa"?

Liên quan tới cải cách thể chế, Thủ tướng yêu cầu Bộ Xây dựng hoàn thiện nhanh nhất, sớm trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định 59 về quản lý đầu tư xây dựng. Đây là nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết 60 của Chính phủ về đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công. Hiện nay, các bộ ngành, địa phương đều nói việc giải ngân đầu tư công rất chậm trễ do nguyên nhân quan trọng từ thủ tục xây dựng tại Nghị định 59.

“Việc thẩm định thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật thi công các công trình cao tầng… trước đây thuộc Sở Xây dựng, nhưng chúng ta lại tạo ra thủ tục và những quy định khiến người dân, doanh nghiệp phải xếp hàng làm thủ tục tại Bộ Xây dựng. Điều chỉnh tí xíu cũng phải lên Bộ Xây dựng. Gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp, gây lãng phí”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói rõ. Thủ tướng lưu ý Bộ cần hết sức quan tâm sát vấn đề này.

“Bộ trưởng Phạm Hồng Hà đã báo cáo Chính phủ, nhưng việc này rất quan trọng, thông được cái này thì thông rất nhiều vấn đề, tinh thần là mạnh dạn phân cấp hơn, tư tưởng là phân cấp chứ không phải là bao cấp, ôm đồm. Tôi muốn bày tỏ trực tiếp việc này với các đơn vị trực tiếp tham mưu với Bộ trưởng, để đẩy nhanh việc này”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng bày tỏ.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng lấy ví dụ, quy định yêu cầu khu nông nghiệp công nghệ cao phải có quy hoạch 1/500 thì rất khó cho doanh nghiệp. “Không lẽ phải ghi rõ là chỗ này trồng dưa, chỗ này trồng rau? Nếu không hợp lý, không cần thiết, gây lãng phí cho doanh nghiệp thì nên bỏ đi”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng phát biểu.

Nói về sự hiện diện của đông đảo phóng viên báo chí trong khuôn khổ biểu làm việc với Bộ Xây dựng, người đứng đầu Tổ công tác cũng nhấn mạnh, Chính phủ liêm chính thì phải công khai nên việc báo chí dự các cuộc làm việc của Tổ công tác là thường xuyên, ngay họp báo Chính phủ cũng được tường thuật trực tuyến.

“Nói sai thì phải xin lỗi, làm không được thì phải báo cáo. Báo chí dự là bình thường. Văn phòng Chính phủ xin lỗi nhiều chứ. Phải thay đổi, nếu không thay đổi được thì thay con người, chẳng có gì không thay được. Một dây chuyền chỉ vì một mắt xích mà khựng lại thì phải thay ngay mắt xích đó”, Tổ trưởng Tổ công tác nói.

Vì sao 4 nhiệm vụ chậm trễ?

Giải trình trước Tổ công tác, đại diện Bộ Xây dựng nêu nhiều lý do dẫn tới chậm trễ trong sửa đổi Nghị định 59 năm 2015 về quản lý dự án đầu tư xây dựng – hiện đã quá hạn 4 tháng 17 ngày. Tuy nhiên, vị này cũng cho rằng, tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công là do nhhiều nguyên nhân, chứ không phải chỉ do những vướng mắc trong Nghị định 59.

Nghe vậy, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng ngắt lời và yêu cầu vị này tập trung làm rõ những vướng mắc về phía Bộ. “Việc gì của mình thì tháo gỡ”. 

Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà bổ sung thêm, tinh thần của việc sửa đổi là sẽ phân cấp mạnh mẽ cho các địa phương, các bộ chuyên ngành. “Lâu nay báo chí vẫn nói nhà 20 tầng mà Bộ Xây dựng vẫn thẩm định, thì lần này từ 25 tầng trở xuống sẽ phân cấp. Trước đây các công trình dưới 5 tỷ thì do chủ đầu tư tự thẩm định, lần này sẽ cho tự thẩm định các công trình lên tới 15 tỷ đồng. Tuy nhiên, Bộ Xây dựng sẽ phải thực hiện tốt nhiệm vụ kiểm tra, giám sát”, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho biết.

.
Bộ trưởng Phạm Hồng Hà khẳng định sẽ đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền và làm tốt việc kiểm tra, giám sát. - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng chốt lại, VPCP sẽ sớm xin ý kiến Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và báo cáo Thủ tướng, lấy ý kiến thành viên Chính phủ để ban hành Nghị định mới trong tháng 2.

Về nhiệm vụ giao Bộ Xây dựng chủ trì, xác định lại phần vốn nhà nước tại Vinaconex - hiện đã quá hạn 17 ngày, đại diện các vụ chức năng của Bộ cho biết lý do là phải chờ báo cáo từ Vinaconex, trong khi hiện Bộ Xây dựng không đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp này, mà là SCIC.

Nhiệm vụ thứ ba quá hạn 1 tháng 18 ngày là Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với UBND Thành phố Hà Nội kiểm tra đánh giá tác động của dự án khu công viên hồ điều hòa thuộc địa giới quận Hoàng Mai và quận Thanh Xuân, điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp.

Đại diện Bộ Xây dựng “nhận lỗi” về việc chậm tiến độ và cho biết nhiệm vụ này rất phức tạp, liên quan tới việc giải quyết khiếu nại, tố cáo về đất đai của người dân, nhiều cán bộ liên quan dự án cũng đã bị khởi tố, truy tố. Tuy nhiên, sẽ báo cáo Bộ trưởng và Thủ tướng Chính phủ trong khoảng thời gian từ ngày 7-10/3 sắp tới.

Nhiệm vụ thứ tư chậm trễ là xây dựng đề án sử dụng tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, hóa chất, phân bón để sản xuất vật liệu xây dựng. Theo Bộ Xây dựng, đề án rất phức tạp, khối lượng lớn, liên quan tới các nhà máy nhiệt điện trên khắp cả nước, mất nhiều thời gian khảo sát... Vụ chức năng của VPCP cũng cho rằng đây là đề án phức tạp, khó thực hiện.

Liên tục ngắt lời cấp dưới vì những giải thích dài dòng, yêu cầu cấp dưới đi thẳng vào vấn đề, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà nêu rõ, “nhiệm vụ này bị chậm một phần là do mình không lường được hết tính phức tạp của nhiệm vụ, nên đề xuất thời gian như vậy”.

Qua trao đổi, các bên chốt lại thời gian để hoàn thành nhiệm vụ này là đầu tuần tới, ngày 20/2. 

Giải trình 6 vấn đề Thủ tướng nhắc nhở

Giải trình về 6 vấn đề mà Thủ tướng nhắc nhở, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà khẳng định Bộ coi hoàn thiện thể chế là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu. “Sắp tới, Bộ sẽ đề nghị sửa đổi Luật Xây dựng với tinh thần mạnh dạn sửa đổi, Bộ Xây dựng sẽ không cấp bất kỳ một giấy phép nào nữa, mà phân cấp hết”, Bộ trưởng cho biết.

Về quy hoạch xây dựng, Bộ trưởng cho rằng dư luận bức xúc với việc điều chỉnh quy hoạch, nhiều việc điều chỉnh “rất ít người tham gia” nên chưa tốt và không loại trừ biểu hiện lợi ích nhóm. Bộ trưởng cam kết sẽ đẩy mạnh hoàn thiện quy định về vấn đề này, tăng cường phân cấp, đồng thời làm tốt việc kiểm tra, giám sát.

Bộ trưởng cũng khẳng định sẽ dứt khoát thực hiện cho được yêu cầu của Chính phủ tại Nghị quyết 19 về cải thiện môi trường kinh doanh, dù đây là nhiệm vụ rất nặng nề. Theo đó, trong năm 2017, thời gian cấp phép xây dựng và các thủ tục liên quan sẽ kéo xuống dưới 120 ngày (hiện là 166 ngày).

Cùng với đó, Bộ xây dựng đề án sửa đổi quy chuẩn, tiêu chuẩn về xây dựng và đề án sửa đổi định mức, đơn giá xây dựng. “Làm tốt việc này sẽ tạo chuyển biến rất lớn trong hiệu quả đầu tư xây dựng. Dư luận vẫn nói tại sao làm một đường cao tốc ở Việt Nam đắt hơn ở nước ngoài. Vì hệ thống tiêu chuẩn, định mức, đơn giá của ta làm từ thời bao cấp, nhiều cái đã lạc hậu, trong khi công nghệ đã khác”, Bộ trưởng nhận định.

Bộ Xây dựng cũng sẽ triển khai các giải pháp đẩy mạnh phát triển các vật liệu xây dựng mới như không nung, vật liệu nhẹ; phát triển nhà ở cho người thu nhập thấp và công nhân; theo dõi sát các tín hiệu của cung cầu bất động sản để có giải pháp phù hợp.

Thừa nhận hai hạn chế lớn trong công tác cổ phần hóa, đó là tỷ lệ doanh nghiệp chưa lên sàn và tỷ lệ bán vốn nhà nước còn thấp, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cam kết sẽ đẩy mạnh công tác này thời gian tới với tinh thần bảo đảm lợi ích cao nhất cho nhà nước, phát triển đội ngũ doanh nghiệp Việt Nam. 

Về các nhiệm vụ quá hạn, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà nhìn nhận có nhiều nguyên nhân, nhưng có nguyên nhân chủ quan như tinh thần, thái độ của công chức chưa tốt, còn tình trạng thờ ơ. Bộ sẽ “nói đi đôi với làm”, quyết liệt chấn chỉnh kỷ luật kỷ cương, như đã thành lập Tổ công tác của Bộ trưởng để đôn đốc công việc. Đích thân Bộ trưởng cũng vừa chủ trì 4 cuộc họp rà soát kiểm đếm việc thực hiện các nhiệm vụ được giao. “Đã kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở mà không chuyển thì phải xử lý”, Bộ trưởng dứt khoát.


Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư