Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 02 tháng 05 năm 2024,
Vì sao Intel đầu tư 25 tỷ USD vào Israel
Nguyên Đức - 05/01/2024 14:51
 
Việc nhận được khoản trợ cấp trị giá 3,2 tỷ USD được cho là một trong những nguyên nhân khiến Intel quyết định đầu tư vào Israel, dù xung đột vũ trang ở đây vẫn đang leo thang. Cạnh tranh thu hút đầu tư nước ngoài ngày càng gay gắt.

Đầu tư lớn vào Israel, Intel nhận khoản hỗ trợ “khủng”

Thông tin được báo chí nước ngoài đưa từ những ngày cuối năm 2023, đó là Intel, tập đoàn bán dẫn hàng đầu của Mỹ, đã quyết định đầu tư 25 tỷ USD để xây dựng một nhà máy sản xuất mới tại Israel. Sẽ không có gì đáng nói, nếu như hiện nay, xung đột vũ trang  Israel  - Hamas vẫn đang leo thang.

Vậy điều gì đã khiến Intel đã vượt qua e ngại để quyết định đầu tư lớn vào Israel.

Thực tế, đây không phải là lần đầu tiên Intel đầu tư vào Israel. Nhà sản xuất chip hàng đầu thế giới đã hiện diện ở Israel vào năm 1974 và cho đến nay, đã đầu tư hơn 50 tỷ USD ở đất nước này. Dự án mới là nhà máy thứ 3 mà Intel đầu tư ở Israel.

Nhìn vào lịch sử đầu tư này, không quá khó hiểu vì sao Intel lại đầu tư lớn ở Israel. Thông tin trên tờ Nhật báo Chosun của Hàn Quốc cho biết, do Intel đã trở thành trụ cột của ngành công nghệ của Israel nên những lợi ích mà công ty này nhận được từ Chính phủ Israel là rất đáng kể.

Cụ thể, thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp tiêu chuẩn của Israel là 23%, nhưng với Intel, mức thuế áp dụng chỉ là 5%. Cùng với đó, số tiền trợ cấp lớn mà Intel nhận được mỗi khi thực hiện đầu tư cũng đóng một vai trò nhất định.

Thông tin từ Chosun cho biết, khi Intel quyết định đầu tư 25 tỷ USD cho dự án mới, khoản đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất trong lịch sử tại Israel, thì Chính phủ Israel đã quyết định cung cấp khoản trợ cấp 3,2 tỷ USD, tương đương 12,8% số tiền này.

Như vậy, bên cạnh việc Israel lâu nay vẫn là một thị trường quan trọng, thì khoản trợ cấp “khủng” này có thể là một trong những nguyên nhân khiến Intel không ngại ngần rót vốn vào khu vực vẫn đang có chiến sự.

Intel thời gian gần đây liên tục đầu tư lớn để xây dựng các nhà máy sản xuất chip ở bên ngoài nước Mỹ

Thời gian gần đây, Intel cũng đã không ngừng đầu tư lớn vào Ba Lan, vào Đức và “đại gia” nước Mỹ này cũng đã nhận được những khoản hỗ trợ không nhỏ, bằng tiền mặt. Ví dụ như tại Đức, thông tin được báo chí nước ngoài đưa hồi tháng 6/2023, cùng với việc tuyên bố đầu tư tới hơn 30 tỷ EUR (33 tỷ USD) vào Đức như một phần trong kế hoạch mở rộng tại châu Âu, Intel nhận được khoản tài trợ có thể lên tới 10 tỷ EUR từ chính phủ nước này.

Trong khi đó, hãng tin Reuters hồi tháng 11/2023 cho biết, Intel có thể đã “gác” lại kế hoạch đầu tư mở rộng sản xuất chip tại Việt Nam. Dù thông tin này sau đó không được phía Intel Việt Nam xác nhận, nhưng đó có thể là một câu chuyện có thật. Bởi tầm 2 năm trước đây, Intel từng lên kế hoạch đầu tư giai đoạn II tại Việt Nam, với quy mô lên tới hàng tỷ USD. Nhưng gần đây, dự án này không được nhắc đến. Thay vào đó, nhà sản xuất chip hàng đầu thế giới đã tuyên bố đầu tư tới hơn 30 tỷ EUR vào Đức và 4,6 tỷ USD ở Ba Lan.

Dù nguồn tin của Reuters cho biết, việc Intel hủy kế hoạch đầu tư mở rộng ở Việt Nam do lo ngại về sự ổn định của nguồn cung cấp điện và thủ tục hành chính, song giới chuyên gia cho rằng, việc này có thể có liên quan đến các cam kết hỗ trợ của đối tác trong bối cảnh thuế tối thiểu toàn cầu được áp dụng tại một số quốc gia từ năm 2024.

Cạnh tranh thu hút đầu tư, ưu đãi lớn cũng là lợi thế

Câu chuyện của Intel cho thấy, cạnh tranh thu hút đầu tư nước ngoài đang ngày càng gay gắt hơn. Trong cuộc đua ấy, liệu Việt Nam có là người chiến thắng?

Trong báo cáo vừa được gửi lên Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, năm 2024, triển vọng dòng đầu tư toàn cầu có thể sẽ có nhiều bất định hơn.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đà phục hồi ở các nền kinh tế châu Á, gắn với các FTA, có thể tạo thêm động lực để giữ chân nhà đầu tư nước ngoài, và thu hút thêm nhà đầu tư mới. Tuy nhiên, cạnh tranh địa chính trị giữa các nền kinh tế lớn, gắn với các tiêu chuẩn mới và thậm chí là các biện pháp can thiệp của một số chính phủ để định hướng hoạt động đầu tư/chuyển hướng đầu tư, có thể ảnh hưởng đến xu hướng dịch chuyển dòng đầu tư nước ngoài, trong đó bao gồm xu hướng hồi hương dịch chuyển sản xuất về gần và sang các nước đồng minh thân cận gia tăng sau đại dịch Covid-19 và xung đột Nga - Ukraina.

“Dòng vốn đầu tư nước ngoài tăng chậm lại và ngày càng tập trung giữa các quốc gia có liên kết địa chính trị, đặc biệt là trong các lĩnh vực chiến lược. Việc triển khai thực hiện cơ chế thuế tối thiểu toàn cầu và các nhóm chính sách liên quan ở nhiều nước cũng có thể ảnh hưởng đến dịch chuyển đầu tư nước ngoài”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định.

Trong bối cảnh như vậy, đặc biệt là kể từ đầu năm tới, khi thuế tối thiểu toàn cầu được thực thi, thu hút đầu tư nước ngoài sẽ trở nên khó khăn hơn. Điều này đòi hỏi Việt Nam không chỉ cần chuẩn bị sẵn sàng về hạ tầng, đất đai, nhân lực…, mà còn cần có cả chính sách hỗ trợ đầu tư hấp dẫn, cạnh tranh hơn.

Thời gian gần đây, dư luận đang nói nhiều đến làn sóng đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao, đặc biệt trong các lĩnh vực bán dẫn, AI đang đổ vào Việt Nam. Tuy nhiên, theo ông Harry Clapsis, Giám đốc quan hệ Chính phủ Ampere, để thu hút được đầu tư, thì cần có các chính sách để khuyến khích phát triển từ phía Chính phủ.

Các ý kiến từ chuyên gia và cộng đồng nhà đầu tư nước ngoài cũng đều cho rằng, trong bối cảnh thuế tối thiểu toàn cầu được thực thi từ năm 2024, Việt Nam cần sớm rà soát lại chính sách ưu đãi đầu tư và có các chính sách hỗ trợ bổ sung. Bởi thực tế, thuế tối thiểu toàn cầu sẽ làm các chính sách ưu đãi về thuế bị vô hiệu hóa.

Thậm chí, ông Nguyễn Anh Thi, Trưởng ban Quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM cho rằng, với các nhà đầu tư chiến lược, thì không loại trừ việc ưu đãi đầu tư bằng tiền mặt. “Nhiều nước tiên tiến cũng áp dụng chính sách này để thu hút các nhà đầu tư lớn, họ lấy đó làm ‘mỏ neo’ để phát triển các ngành công nghiệp trọng điểm”, ông Nguyễn Anh Thi nói và cho rằng, để thu hút và giữ chân các nhà đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao, phải chuyển dịch từ ưu đãi thuế quan sang phi thuế quan, gắn với chi phí của doanh nghiệp dành cho phát triển nhân lực, chuỗi cung ứng, R&D...

Liên quan đến vấn đề này, thông tin cho biết, sau khi Quốc hội thông qua Nghị quyết về việc bắt đầu áp dụng cơ chế thuế tối thiểu nội địa đạt chuẩn (QDMTT) từ năm 2024, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đang nghiên cứu xây dựng các biện pháp hỗ trợ bổ sung cho nhà đầu tư.

“Vừa qua Quốc hội đã ban hành Nghị quyết cho phép Chính phủ xây dựng một Nghị định thành lập Quỹ hỗ trợ đầu tư cho một số dự án công nghệ cao, trong đó có các dự án trong ngành bán dẫn. Hiện chúng tôi đang tích cực xây dựng và sẽ sớm ban hành vào giữa năm 2024”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết.

Hiện tại, dự thảo Nghị định đang được đưa ra lấy ý kiến công luận. Theo đó, dự kiến có nhiều chính sách hỗ trợ đầu tư sẽ được áp dụng, bao gồm hỗ trợ đào tạo nhân lực, hỗ trợ các hoạt động R&D, hỗ trợ chi phí sản xuất sản phẩm công nghệ cao… Khi Nghị định được ban hành, có thể sẽ tạo được cú hích trong thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, nhất là trong các lĩnh vực công nghệ cao.

Israel mạnh tay hỗ trợ Intel xây dựng nhà máy sản xuất chip 25 tỷ USD
Chính phủ Israel đã đồng ý cấp cho Intel khoản tài trợ 3,2 tỷ USD, chiếm 12,8% tổng vốn đầu tư dự án nhà máy sản xuất chip mới của hãng chip Mỹ...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư