Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 30 tháng 09 năm 2024,
Vì sao người dân Thủ đô tiêu thụ ngày càng nhiều cua Hoàng đế Na Uy?
Hạnh nguyên - 13/12/2022 00:13
 
Nếu quãng năm 2017 - 2018, sản lượng tiêu thụ cua hoàng đế Na Uy tại Hà Nội đạt 200kg/tuần đã là nhiều, thì nay con số đạt 500 - 600kg/tuần đến 1 tấn/tuần là bình thường.

Hải sản Na Uy được đánh giá là hàng đầu thị trường về chất lượng nhờ quy trình đánh bắt, cấp đông, bảo quản nghiêm ngặt. Khách Hà Nội nói riêng, Việt Nam nói chung cũng vẫn sẵn sàng chịu chi cho “của ngon” đến từ Na Uy.

Nhiều loại hải sản cao cấp của Na Uy đã có mặt ở Việt Nam. (Nguồn ảnh: Hội đồng Hải sản Na Uy).

Hải sản Na Uy đắt đỏ, khách Hà Nội vẫn sẵn sàng chi

Hải sản Na Uy không còn xa lạ với thực khách sành ăn Hà Nội nói riêng, người Việt Nam nói chung, từ món cá hồi có hương vị khác biệt đến những con cua hoàng đế được dán mã QR cho từng con, hay những khay cá trứng Capelin 100% trứng trong các siêu thị, chuỗi thực phẩm sạch. Khoảng 3-5 năm trở lại đây, thị trường hải sản Na Uy tại Việt Nam thực sự sôi động.

Ông Trương Phú Quý, Giám đốc công ty TNHH XNK Glocal Food cho biết, sức mua hải sản Na Uy tại Việt Nam tăng trưởng mạnh trong 3 năm qua. “Nếu quãng năm 2017 - 2018, sản lượng tiêu thụ cua hoàng đế Na Uy tại Hà Nội đạt 200kg/tuần đã là nhiều, thì nay con số đạt 500 - 600kg/tuần đến 1 tấn/tuần là bình thường”, ông Quý nói. 

Cũng theo ông Quý, trong ba loại cua hoàng đế Na Uy gồm cua hoàng đế đỏ, cua hoàng đế xanh và cua hoàng đế vàng, loại đắt nhất là cua hoàng đế đỏ. Song, cua hoàng đế đỏ lại là loại cua bán chạy nhất, chứng minh sự chịu chi của thực khách Việt, đặc biệt là người dân Hà Nội dành cho của ngon vật lạ đến từ Na Uy.

Cua nâu Na Uy cũng là mặt hàng “trend” gần đây. Giá cua nâu Na Uy dao động từ 500 - 550 ngàn đồng/kg với hàng đông lạnh và 700 - 750 ngàn đồng/kg với hàng tươi sống. Ông Quý ước tính, sản lượng tiêu thụ cua nâu tại thị trường Hà Nội đạt mức 4 tấn/tuần. 

Theo đại diện Công ty Arctic Seafood Norway AS, cá hồi Na Uy là mặt hàng “đắt khách” nhất. Đơn vị này cung cấp cá hồi Na Uy nguyên con với trọng lượng 5 - 7kg/con. Mức giá bán cá tươi tại Na Uy dao động từng giờ.

Đơn vị này cũng chia sẻ, cá hồi Na Uy được ưa chuộng vì chất lượng hàng đông lạnh không kém gì hàng tươi sống, đạt chuẩn cho món Sashimi (món gỏi truyền thống của người Nhật có yêu cầu rất cao về độ tươi sống của hải sản).

Một mặt hàng hải sản Na Uy mới nổi và đang được tìm mua nhiều là cá tuyết. Loại cá đặc trưng của vùng biển Bắc Đại Tây Dương này được đánh giá là 1 trong 10 loại cá ngon nhất thế giới. Cá tuyết Na Uy nhập khẩu về Việt Nam hiện được bán theo hình thức cắt khúc đóng gói.

Sắp tới, mặt hàng cá tuyết nguyên con tròn mình sẽ được cung cấp cho thị trường Việt Nam để phục vụ cho nhu cầu biếu tặng dịp lễ Tết. Với hình thức đẹp, sang trọng, cá Tuyết Na Uy được dự báo sẽ tạo ra cơn sốt quà tặng dịp Tết cổ truyền 2023.

Trong thời gian tới, nhiều dòng hải sản Na Uy cao cấp khác dự kiến sẽ “đổ bộ” vào thị trường Việt Nam như cá Thu Na Uy, cua Tuyết Na Uy, tôm Hùm Na Uy. Hiện những mặt hàng này đang được một số công ty xuất nhập khẩu thủy hải sản nhập về làm mẫu để thăm dò thị trường. 

Riêng Glocal Food cho biết họ đã có kế hoạch làm mẫu 500kg - 1 tấn tôm hùm Na Uy thông qua Công ty Arctic Seafood Norway AS và tin rằng mặt hàng này sẽ được đón nhận bởi các “thượng đế” Việt.

Đánh bắt cá trứng Na Uy trên biển. (Nguồn ảnh: Hội đồng Hải sản Na Uy).

Vì sao hải sản Na Uy “hot”?

Theo ông Trương Phú Quý, chất lượng chính là lợi thế cạnh tranh lớn nhất của hải sản Na Uy. 

Na Uy xây dựng thương hiệu là một thị trường hải sản chất lượng cao, cung cấp hải sản cho hàng triệu bữa ăn của người châu Âu và Bắc Mỹ. Tại Anh, dù có rất nhiều lựa chọn, người dân nước này vẫn ưa chuộng hải sản Na Uy hơn do đề cao an toàn thực phẩm.

“Na Uy là quốc gia đi đầu về quy trình quản lý chất lượng hải sản. Ví dụ với cá Trứng. Họ làm chặt chẽ từ khâu đánh bắt, phương pháp cấp đông ngay trên tàu cá, bảo quản, vận chuyển, kiểm soát… Họ làm việc với từng lô hàng một. Mỗi lô hàng đều có tới 4 biên bản kiểm tra độc lập với khoảng 20 chỉ số, trong đó có thời gian đánh bắt, dây chuyền sản xuất số mấy, trọng lượng, kích cỡ trung bình. 

Với cá trứng còn có số lượng con cái, số cân con cái, tỷ lệ gãy, tỷ lệ cá có nửa con, tỷ lệ con đực, tỷ lệ trứng trung bình… Nếu sản phẩm nhận về không đúng với biên bản kiểm tra thì họ đền bù hoàn toàn. Sai sót cho phép của đơn hàng cá trứng Na Uy là 2 - 2,2%, nhưng hiện tại chúng tôi chưa phát hiện sai sót nào.”, ông Quý nói.

Ông Quý cũng cho biết thêm, Na Uy rất chú trọng nhận diện thương hiệu khi xuất khẩu hải sản. Nếu như các nước khác thường đóng thùng trơn thì các thùng hải sản Na Uy thể hiện đầy đủ thông tin trên bao bì, bao gồm cả chứng nhận xuất xứ, kiểm dịch quốc tế, kiểm dịch nội địa. Khách hàng nhận hàng từ cảng có thể phân biệt được hải sản Na Uy và hải sản các nước khác bằng mắt thường.

Bên cạnh chất lượng đảm bảo, hải sản Na Uy chinh phục thực khách Việt nhờ hương vị riêng biệt của hải sản vùng biển lạnh. Cách thức sơ chế, bảo quản giúp hải sản Na Uy cấp đông giữ được độ tươi ngon tương đương với mặt hàng sống.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư