Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 27 tháng 04 năm 2024,
Vicem Hà Tiên lỗ 86 tỷ đồng
Thế Hải - 22/04/2023 12:44
 
Hoạt động tiêu thụ gặp khó là nguyên nhân chính khiến Xi măng Hà Tiên lỗ kỷ lục 86 tỷ đồng trong quý 1/2023, trong khi cùng kỳ lãi 25 tỷ đồng.
Kinh doanh khó khăn, Vicem Hà Tiên báo lỗ 86 tỷ đồng trong quý đầu năm 2023.
Kinh doanh khó khăn, Vicem Hà Tiên báo lỗ 86 tỷ đồng trong quý đầu năm 2023.

Công ty CP Xi măng Vicem Hà Tiên vừa công bố kêt quả kinh doanh quý I/2023 với các chỉ số tiêu thụ, doanh thu và lợi nhuận đều sụt giảm.

3 tháng đầu năm 2023, Công ty cổ phần Xi măng Hà Tiên ghi nhận doanh thu thuần gần 1.691 tỷ đồng, giảm mạnh so với mức 1.957 tỷ đồng của cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận gộp đạt 76 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ là `163,5 tỷ đồng.

Lợi nhuận sau thuế quý I, Vicem Hà Tiên báo lỗ 86 tỷ đồng, cùng kỳ năm trước doanh nghiệp lãi 25 tỷ đồng.

Bên cạnh sự đi xuống của hoạt động cốt lõi, Vicem Hà Tiên còn gánh thêm áp lực về tài chính. Trong kỳ, chi phí tài chính tăng 56% so với cùng kỳ, lên 43 tỷ đồng, chủ yếu do lãi vay tăng 112%, chi phí bán hàng tăng 10%, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 9%.

Năm 2022, Hà Tiên đạt doanh thu 9.473 tỷ đồng, tăng 2.000 tỷ đồng so với năm 2021, lợi nhuận gộp của Công ty đạt 892 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế đạt gần 258 tỷ đồng, giảm mạnh so với mức 371 tỷ đồng của năm 2021 và đây cũng là mức thấp nhất của doanh nghiệp này kể từ năm 2013.

Nguyên nhân tác động đến hiệu quả kinh doanh trong năm qua của doanh nghiệp là do giá vốn tăng 30% do tác động bởi giá than, giá dầu thế giới tăng cao làm ảnh hưởng tới giá thành sản xuất, khiến Công ty bị sụt giảm mạnh về lợi nhuận.

Trong bối cảnh kinh doanh xi măng khó khăn, nguồn cung trong nước dư thừa vài chục triệu tấn, chi phí sản xuất tăng, Công ty đặt mục tiêu doanh thu năm 2023  8.987 tỷ đồng và lãi sau thuế 276 tỷ đồng. Mục tiêu doanh thu đi ngang so với mức thực hiện năm 2022 còn mục tiêu lợi nhuận tăng nhẹ 7%.

Công ty đặt mục tiêu sản xuất 4,4 triệu tấn clinker và 6,5 triệu tấn xi măng, lần lượt giảm 0,6% và tăng 1,44% so với năm ngoái.

Dư cung là thực tế gây khó nhất trong công tác tiêu thụ của ngành xi măng. Thị trường nội địa, nơi tiêu thụ chính của ngành, vài năm gần đây chỉ hấp thụ khoảng 61-63 triệu tấn/năm. Trong khi cầu thấp như như vậy, nhưng trong 3 năm gần nhất, ngành xi măng đều sản xuất khoảng 105 - 108 triệu tấn. Lượng xi măng, clinker còn lại tiêu thụ nhờ xuất khẩu.

Năm 2023 nguồn cung xi măng lại tiếp tục được bổ sung, cộng với dự báo về thị trường bất động sản trầm lắng, do Nhà nước tiếp tục duy trì siết chặt phát hành trái phiếu, tín dụng bất động sản, xây dựng dân dụng phục hồi chậm, các công trình, dự án cũng chậm triển khai thậm chí phải giãn/hoãn tiến độ khi gặp khó khăn về nguồn vốn, giải ngân vốn đầu tư công còn chậm.… báo hiệu việc kinh doanh xi măng không mấy suôn sẻ.


Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư